(CMO) Người khuyết tật luôn được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước bằng nhiều chính sách, trong đó trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách nổi bật, góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật được tiếp cận và cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí.
Phó giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Cà Mau Ngô Ðức Bính cho biết, thực hiện Quyết định số 734 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 1998 tỉnh Cà Mau đã thành lập Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước (Trung tâm). Theo đó, trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật được quan tâm với nhiều chủ trương, chính sách được ban hành. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện thường xuyên để người khuyết tật hiểu đúng về quyền lợi của mình khi có sự việc liên quan pháp luật mà tự thân họ không giải quyết được. Hàng năm, Trung tâm tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
Theo quy định của Nghị định số 144/2017, người khuyết tật có khó khăn về tài chính là hộ cận nghèo hoặc người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì được trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, người khuyết tật là người có công với cách mạng, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… cũng được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng với tất cả lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, điều kiện để được trợ giúp pháp lý là người khuyết tật phải có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng.
Bữa cơm của người khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau. |
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã cung cấp, trợ giúp pháp lý đảm bảo theo yêu cầu 519 vụ, trong đó có 51 vụ liên quan người khuyết tật. Ðồng thời, Trung tâm cũng đã phân công trợ giúp viên pháp lý có kinh nghiệm, khả năng, kỹ năng hỗ trợ tư vấn, tham gia tố tụng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật tại các phiên toà, giúp người khuyết tật giành được quyền lợi chính đáng của mình.
Bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời) cho biết, tranh chấp hợp đồng giữa bà với vợ chồng ông Ðinh Văn Minh (ngụ cùng ấp) đã kéo dài từ nhiều năm qua, bà Thanh đệ đơn khiếu nại nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết thoả đáng. Sau đó, bà Thanh nhờ Trung tâm hỗ trợ, vụ việc đã được Toà án Nhân dân huyện Trần Văn Thời thụ lý và xét xử, buộc vợ chồng ông Minh phải trả cho bà Thanh số tiền trên 60 triệu đồng.
Ða phần người khuyết tật đi lại khó khăn nên đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng trợ giúp pháp lý phải có sự tận tâm, chịu khó xuống địa bàn cơ sở để tiếp cận, tư vấn và thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan mà người khuyết tật vướng mắc để tham gia tố tụng và bảo vệ quyền lợi cho họ.
Bà Nguyễn Thị Thuý, trợ giúp viên của Trung tâm, trải lòng: “Trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật có những khó khăn nhất định. Ðối với những người khuyết tật về cơ thể thì có thể giao tiếp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nhưng người khuyết tật về tinh thần thì phải thông qua người thân nên đôi khi khó xác định có phải nguyện vọng của người khuyết tật hay không. Nhìn chung, qua mỗi vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, các trợ giúp viên pháp lý luôn cảm thấy nao lòng. Mong rằng cộng đồng, xã hội cần quan tâm, sẻ chia nhiều hơn nữa với các đối tượng này".
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Sở LÐTB&XH tỉnh, chính quyền địa phương, các sở, ngành có liên quan tổ chức các cuộc toạ đàm để trao đổi thông tin, tư vấn pháp luật tại chỗ ở các địa bàn đông dân cư… Thực hiện bằng nhiều hình thức để đẩy mạnh tuyền truyền, phổ biến pháp luật cho người khuyết tật.
Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Tấn cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh thường xuyên liên hệ để thông tin, tuyên truyền chính sách Nhà nước về trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được thụ hưởng nói chung và người khuyết tật nói riêng. Vừa qua, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội đã xảy ra vụ vi phạm pháp luật trong nhóm trẻ cơ nhỡ, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã phân công trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại tại toà án”.
Bà Nguyễn Thị Ðẹp, người khuyết tật nặng đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau, bộc bạch: “Cuộc sống ở đây được quản lý chặt chẽ, có quy định sinh hoạt cụ thể nên tất cả đều phải tuân thủ và rất chan hoà với nhau. Tuy bản thân chưa từng nhờ đến trợ giúp pháp lý nhưng chính sách pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật thường xuyên được phổ biến tại các buổi sinh hoạt, qua các bảng thông tin… nên tôi hiểu được quyền lợi và nhu cầu chính đáng của mình”.
“Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về người khuyết tật bằng nhiều hình thức. Tích cực tham gia các lớp tập huấn để nâng cao trình độ, kỹ năng của trợ giúp viên pháp lý về tư vấn ban đầu để nâng cao hiểu biết pháp luật cho người khuyết tật. Tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý các vụ việc cụ thể mà trọng tâm là tham gia tố tụng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các vụ án liên quan người khuyết tật", ông Ngô Ðức Bính cho biết thêm./.
Mỹ Pha - Khánh Phương