(CMO) Ngày 6/9/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 734/TTg về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đến nay, hoạt động TGPL luôn phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao. Bằng nhiều hoạt động thiết thực, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Cà Mau đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân, bảo đảm tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL khi có nhu cầu.
Những năm qua, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác. Nếu như trước đây, hoạt động TGPL vẫn còn dàn trải, chưa thể hiện hết vai trò của công tác này là giúp đỡ người được trợ giúp pháp lý khi họ có vướng mắc, tranh chấp pháp luật thì đến nay, đặc biệt là từ sau khi triển khai Luật TGPL năm 2017, đã có nhiều sự đổi thay tích cực. Hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh được đổi mới, theo hướng tập trung vào các vụ việc, nhất là tham gia tố tụng; số lượng cùng chất lượng TGPL ngày càng được nâng lên. Số người sau khi được TGPL có mức án thấp nhất so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát hoặc được chuyển khung hình phạt nhẹ hơn, hay được tuyên vô tội. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng khác.
Ông Ngô Đức Bính, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh chia sẻ: “Vai trò của công tác TGPL cho người được TGPL là rất quan trọng. Vì đây là các nhóm đối tượng được xem là yếu thế và phần đông kiến thức, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế nên rất cần được hưởng chính sách cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi bị xâm hại”.
Trung tâm TGPL nhà nước bồi dưỡng, chia sẻ nghiệp vụ qua những buổi thảo luận online
Để công tác TGPL đạt hiệu quả, thời gian qua, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin theo hướng chia sẻ, kết nối, tích hợp dữ liệu người thuộc diện được TGPL với cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành có liên quan. Từ đó, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý điều hành, hỗ trợ người dân yêu cầu TGPL trực tuyến, đơn giản hóa và giảm tải thủ tục hành chính trong hoạt động TGPL, tiết kiệm chi phí đi lại, chứng minh thuộc diện đối tượng hỗ trợ pháp lý.
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về TGPL được triển khai đa dạng hóa bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú như: truyền thông rộng rãi trên báo, đài, phát hành hàng ngàn tờ gấp pháp luật tại các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan tiếp công dân, cơ quan tiếp dân và các cuộc truyền thông pháp luật về TGPL tại các xã trên địa bàn tỉnh… Qua đó, người dân nâng cao hiểu biết về pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người nghèo và một số nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
Song song đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người thực hiện công tác TGPL được chú trọng. Hiện Trung tâm TGPL nhà nước có 24 viên chức, trong đó, có 17 Trợ giúp viên pháp lý đã được đào tạo Cử nhân Luật, Luật sư,... Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL khi được Trung tâm phân công thực hiện TGPL luôn tận tâm, nhiệt huyết, trách nhiệm, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL, góp phần hạn chế thấp nhất các trường hợp oan sai, nâng cao chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Bà Trần Kim Xuyến, Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Cà Mau cho biết: “Người dân quan tâm nhiều đến lĩnh vực như đất đai, hành chính, hôn nhân gia đình, hình sự. Riêng tôi thì đảm nhận những vụ việc hình sự liên quan xâm hại trẻ em. Bản thân mình phải nắm bắt được tâm lý của người bị hại, phải đặt mình vào trường hợp là người bị hại. Trước tiên, phải đồng cảm với họ, xoa dịu cảm xúc của họ, từ đó mới hướng dẫn cho họ biết về những thông tin quy định của pháp luật để họ phối hợp với mình một cách hiệu quả hơn”.
Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho người dân
Năm 2021, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, cao điểm là từ tháng 4/2021 đến nay khiến hoạt động truyền thông pháp luật về tư vấn, giải thích vướng mắc, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật cho người được TGPL gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, viên chức Trung tâm TGPL nhà nước nên công tác TGPL trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Trung tâm đã tiếp nhận, thụ lý TGPL trên 640 vụ việc, với hơn 640 lượt người. Trong đó, tham gia tố tụng 300 vụ, tư vấn pháp luật trên 335 vụ, đại diện ngoài tố tụng 5 vụ việc, đáp ứng 100% yêu cầu của người được TGPL trên địa bàn tỉnh.
Để khẳng định là điểm tựa pháp lý cho người yếu thế trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn tới, Trung tâm TGPL nhà nước sẽ tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ TGPL. Nâng cao hơn nữa nhân lực thực hiện công tác này và tăng cường TGPL ở cơ sở nhằm giúp các đối tượng yếu thế tiếp cận tốt dịch vụ trợ giúp pháp lý.
Ông Ngô Đức Bính, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh chia sẻ: “Để giúp cho người được TGPL hiểu đúng, hiểu đủ và thực hiện yêu cầu TGPL theo quy định của pháp luật, trong thời gian tới cần tăng cường đổi mới và đa dạng các hình thức, kênh thông tin tuyên truyền pháp luật về TGPL theo từng nhóm đối tượng được. Đẩy mạnh công tác phối hợp của các ngành trong việc tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn người được TGPL thực hiện quyền được TGPL. Chú trọng nâng cao trách nhiệm, chất lượng dịch vụ TGPL bằng việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ nâng cho người thực hiện TGPL. Nhất là đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý có đủ bản lĩnh, trình độ, đồng thời phải có tâm và trách nhiệm cao trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác TGPL; Triển khai thực hiện gắn với công tác kiểm tra, giám sát, đánh gía chất lượng vụ việc TGPL theo quy định của pháp luật”.
Có thể nói, hiện nay cùng với sự phát triển của xã hội thì nhu cầu TGPL của người dân sẽ tiếp tục gia tăng. Chính vì vậy, công tác TGPL rất cần được các cấp, các ngành chức năng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, khẳng định vai trò là địa chỉ đáng tin cậy và là chỗ dựa vững chắc cho những người có hoàn cảnh yếu thế trong xã hội./.
Kim Cương - Khánh Phương