(CMO) Thanh long là loài cây ăn quả thuộc họ xương rồng, được trồng nhiều ở các vùng ngọt hoá. Thế nhưng ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, có ông Mai Lam Phương (55 tuổi), đã xây dựng thành công mô hình trồng thanh long trên đất mặn làm vuông tôm của gia đình. Đây là mô hình lạ đầu tiên và duy nhất ở Cà Mau và có thể nói là cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế và nhiều yếu tố tích cực về môi trường, sinh thái.
Vào năm 2013, tình cờ thấy một dây thanh long sống ký sinh trên thân cây mắm, bị ngã xuống vuông tôm nước mặn nhưng vẫn sống và phát triển tốt, ông Phương nảy ra ý định trồng thử nghiệm bằng cách nhân giống trồng đại trà trên các loại cây có sẵn quanh vuông tôm nhà mình. Thật không ngờ, cây phát triển tốt và sau 4 năm cho trái với chất lượng vô cùng thơm ngon.
Từ năm 2013 - 2018, trên diện tích 1 ha vuông tôm của gia đình, ông Phương trồng hơn 1.000 gốc thanh long sống ký sinh trên các loại cây: mắm, đước, trâm bầu... đạt năng suất 3,5 tấn trái/ năm. Tuy nhiên, thu hoạch được vài mùa thì chỉ thanh long sống ký sinh trên thân cây mắm còn sinh trưởng tốt và cho trái đều đặn, thanh long trên những thân cây khác đều bị sập hoặc chết. Đầu năm 2018, ông Phương trồng lại toàn bộ vườn thanh long với 1.200 gốc trên thân cây mắm và hiện có 400 gốc cho thu hoạch với sản lượng 1,5 tấn trái/năm.
Theo tìm hiểu của ông Phương, cây mắm dẻo dai, chắc chắn và thân cây đóng vai trò như một nhà máy lọc nước mặn thành nước ngọt, cung cấp nước và các loại dưỡng chất nuôi cây, vô tình nuôi cả cây thanh long sống ký sinh trên đó.
Mô hình trồng thanh long trên đất mặn của ông Mai Lam Phương đạt giải Khuyến khích tại Hội thi sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Cà Mau lần thứ 4 (2014 - 2015), đạt giải Nhì cuộc thi khởi nghiệp quốc gia 2019 của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ông Phương còn được huyện Cái Nước tặng nhiều giấy khen và được Hội Nông dân tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng nhiều bằng khen vì có thành tích xuất sắc qua các phong trào thi đua, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh và thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào “Nông dân làm theo lời Bác, phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới”.
Nếu mô hình này được phát triển nhân rộng, lợi ích sẽ vô cùng lớn - ngoài giá trị kinh tế mà cây thanh long mang lại, còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bởi mắm là loài cây tiên phong lấn biển, ổn định đất bãi bồi cho các loài cây khác phát triển gây rừng, chống xói lở ven sông, bờ biển...
Với 1 ha vuông nuôi tôm, ông Mai Lam Phương vừa nuôi tôm, vừa trồng thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Chiết cành thanh long với độ dài từ 0,5 m trở lên, dùng dây buộc chặt vào thân cây mắm, thanh long sẽ tự phát triển mà không phải tốn công chăm sóc và bón phân tưới nước. |
Trồng thanh long ký sinh trên thân những cây mắm sống trực tiếp dưới nước mặn trong vuông tôm. |
Những dây thanh long hơn 5 năm tuổi cho trái trên những thân cây mắm cổ thụ ở bờ bao vuông tôm. |
Thu hoạch thanh long theo ven mắm trong vuông tôm. |
Trái thanh long thu hoạch trên vùng đất mặn có độ đường từ 2.0 đến 2.2 - vượt xa các loại thanh long nước ngọt (có độ đường chỉ từ 1.2 đến 1.6), nên rất ngon và ngọt. |
Sau thu hoạch, vợ chồng ông Mai Lam Phương vô bao bì, dán tem chuẩn bị giao cho khách hàng. Loại thanh long này thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, với giá 20.000 đồng/ kg - cao hơn các loại đang bán trên thị trường. |
Nguyễn Thanh Dũng