(CMO) Vui chơi, múa hát và cùng phá cỗ trăng rằm, hơn 250 học sinh Trường Tiểu học Tân Bằng, huyện Thới Bình cùng các tình nguyện viên CLB Nụ Cười Hồng và Liên chi hội sinh viên Cà Mau - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ vui “Trăng rằm Đất Mũi” đầy ý nghĩa, ngập tràn tiếng cười.
Lồng đèn trung thu được học sinh làm với hình dáng ông sao là chủ yếu. |
Thầy Lê Phúc Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Bằng, cho biết, trường có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ ở Kênh 4, Kênh 5 và Kênh 7. Chương trình trung thu “Trăng rằm Đất Mũi” tổ chức tại điểm lẻ Kênh 5, dành riêng cho học sinh của 2 điểm lẻ Kênh 4 và 5.
Tạo hình dáng chiếc lồng đèn là khâu đầu tiên các em học sinh làm. |
Theo thầy Vinh, do các điểm lẻ cách xa điểm chính và học sinh đông nên đến nay Trường Tiểu học Tân Bằng chưa thể xoá các điểm lẻ này. Đối với học sinh các điểm lẻ, điều kiện học tập gặp nhiều khó khăn, điều kiện vui chơi giải trí càng hạn chế, do đó, Chương trình “Trăng rằm Đất Mũi” là món quà trung thu ý nghĩa, bởi các em không chỉ được thoả thích vui chơi, múa hát, tặng quà, lồng đèn trung thu mà còn được tặng nước rửa tay khô, khẩu trang y tế phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, chương trình còn tặng công trình bồn nước rửa tay cho điểm lẻ Kênh 5. Tổng kinh phí thực hiện chương trình hơn 18 triệu đồng.
Các em học sinh thích thú bên chiếc lồng đèn ông sao - nơi lưu giữ rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ. |
Lồng đèn trung thu là đồ chơi dân gian của trẻ em mỗi dịp trung thu về. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, sự xuất hiện của những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống vào đêm hội trăng rằm dần ít đi, thay vào đó là những chiếc lồng đèn trung thu điện tử hiện đại. Để góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống dân gian, hàng năm, cứ mỗi mùa trung thu về, các em học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (TP Cà Mau) được tham gia Hội thi làm lồng đèn trung thu, tự tay làm những chiếc đèn hình ông sao đẹp mắt.
Mỗi em học sinh điểm lẻ Kênh 4 và 5 được tặng một suất quà gồm bánh và lồng đèn trung thu. |
Bằng những vật liệu đơn giản như tre, giấy kiếng, dây kẽm, bìa cứng, cùng bàn tay khéo léo, trí sáng tạo, các em làm ra những chiếc lồng đèn với nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau. Mỗi chiếc đèn trung thu càng thêm ý nghĩa khi có hình Bác Hồ và dòng chữ “Trung thu nhớ Bác”.
Em Lê Gia Nguyễn, lớp 7A, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, phấn khởi: “Lớp em tham khảo những mẫu lồng đèn truyền thống rồi sáng tạo thêm các chi tiết cho chiếc lồng đèn. Đặc biệt, để chiếc lồng đèn thêm ý nghĩa, tụi em dành thời gian trang trí khuôn ảnh Bác Hồ”.
Các đội thi làm lồng đèn rất hào hứng, tập trung. |
Mặc dù ngày càng có nhiều lồng đèn trung thu điện tử hiện đại, nhưng lồng đèn trung thu truyền thống vẫn mang giá trị riêng, lưu giữ nhiều ký ức của tuổi thơ nên học sinh rất thích thú. Em Thái Phú Gia, lớp 9C, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, bộc bạch: “So với đèn trung thu điện tử, em thích lồng đèn truyền thống hơn nên trung thu năm nào em cũng mua về chơi. Năm nay em được tham gia Hội thi làm lồng đèn trung thu và học được cách làm lồng đèn. Em nghĩ, nếu mọi người sử dụng đèn trung thu truyền thống nhiều hơn sẽ góp phần hạn chế rác thải nhựa”.
Hướng dẫn học sinh rửa tay 6 bước tại bồn nước do Chương trình “Trăng rằm Đất Mũi” trao tặng. |
Thầy Lê Xuân Toàn, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, cho hay: “Hàng năm, đến mùa trung thu nhà trường đều tổ chức hội thi làm lồng đèn truyền thống. Các em tham gia rất hào hứng và thích thú vì tự tay làm những chiếc lồng đèn trung thu. Mỗi chiếc đèn được các em đầu tư kỹ lưỡng, chăm chút từng chi tiết. Đây không chỉ là sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em mỗi dịp Trung thu về, mà còn là cơ hội để các em hiểu và thêm yêu những giá trị truyền thống”./.
Băng Thanh - Kim Chi