ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 27-9-24 04:43:41
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trường THPT Viên An quá tải

Báo Cà Mau (CMO) Trường THPT Viên An thành lập năm 2006, tiền thân là trường THCS Viên An. Đây là ngôi trường cấp 2, 3 xa xôi nhất ở rẻo đất cực Nam Tổ quốc. Với xuất phát điểm khó khăn, nhà trường rất nỗ lực để từng bước khẳng định chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn với trường THPT Viên An hiện nay là tình trạng quá tải. Nếu không có phương án khắc phục sẽ rất đáng lo ngại.

Nhiều áp lực

Tình trạng quá tải của trường THPT Viên An đã được phản ánh trực tiếp tại buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh ở địa phương. Nguyên nhân của thực trạng này là do vị trí đặc biệt của Viên An, đây là nơi tiếp nhận học sinh cấp 2, 3 cả một vùng rộng lớn gồm Viên An Đông, Viên An, Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), Lâm Hải (huyện Năm Căn) và một số nơi khác.

Thầy và trò trường THPT Viên An đang dạy và học trong điều kiện thiếu thốn nhiều bề.

Theo tính toán của thầy Nguyễn Mỹ Cảnh, Hiệu trưởng nhà trường, sĩ số học sinh đều tăng hằng năm. “Hiện trường có trên 1.000 học sinh ở 2 cấp học, trong đó bậc THCS 670 em và THPT 349 em. Với 54 giáo viên hiện tại, nhà trường đang phải gồng mình để đảm bảo các hoạt động", thầy Cảnh thông tin.

Khảo sát thực tế tại trường, dù có rất đông học sinh và các khối lớp nhưng chỉ có 16 phòng học.

Thầy Cảnh ái ngại: “Ban giám hiệu không có phòng hiệu bộ làm việc đàng hoàng, phải tận dụng  phòng học để hoạt động. Trường cũng chưa có bất cứ phòng chức năng, thực hành nào. Với chúng tôi, đủ phòng cho học sinh học đã mừng lắm rồi”.

Mười mấy năm đi vào hoạt động, trường THPT Viên An đang trong tình cảnh “liệu cơm gắp mắm” với cơ sở vật chất thiếu thốn nhiều bề.

Thầy Cảnh bộc bạch: “Như mấy năm rồi, mỗi năm tăng lên trên 100 học sinh, thầy cô lo lắng không biết các em học ở đâu”. Vậy là nhà trường đành dạy 2 ca sáng - chiều, “xoay tua” liên tục để đảm bảo việc dạy và học từ khối 6 đến khối 12. Cũng từ đây, giáo viên của trường hầu như không có ngày cuối tuần.

Thầy Trịnh Huỳnh Thịnh, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Năm tới, chúng tôi dự tính số học sinh tăng hơn 100 em, có thể hơn. Lúc đó chưa biết tính toán chuyện học hành như thế nào”.

Theo chân thầy Thịnh, chúng tôi nhận thấy sân trường còn loang lổ bùn lầy vì triều cường, các phòng học khá chật chội và xuống cấp. Dù rất cố gắng nhưng các thầy cô vẫn không khỏi băn khoăn về điều kiện học tập của các em.

Giọng thầy Thịnh trầm xuống: “Ngôi trường này là nơi con em vùng Mũi Cà Mau học tập, rèn luyện để sau này trở thành người hữu ích, nhưng điều kiện vật chất như thế này thì khó quá, thiệt thòi cho các em quá”.

Vì thiếu phòng học, việc phụ đạo cho học sinh yếu kém và bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường gặp vô vàn khó khăn. Chỉ các lớp đầu cấp hoặc cuối cấp mới được ưu tiên tổ chức.

Thầy Cảnh khẳng định: “Trường còn thiếu khoảng 15 phòng học” và phương án được đề xuất là tách bậc THCS ra khỏi trường. Thầy Cảnh đề xuất: “Chỉ có tách ra, đầu tư thêm về cơ sở vật chất thì mới có thể tính toán những mục tiêu cao hơn, dài hơn. Còn bây giờ, chỉ mong đủ phòng cho học sinh thôi, nói gì có phòng học đúng quy chuẩn".

Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, trường THPT Viên An đang đối mặt với việc thiếu giáo viên ở nhiều môn học. Theo tính toán của trường, hiện còn thiếu khoảng 11 giáo viên. Trường đành làm theo cách không giống ai là... thỉnh giảng (!). Thầy Cảnh chia sẻ: “Các giáo viên thỉnh giảng thì chưa được ký hợp đồng lao động, nói chung là tâm lý rất bất an vì không biết sẽ gắn bó với trường đến khi nào”.

Không có hợp đồng lao động nghĩa là không có quyền lợi, không có lương, giáo viên chỉ dạy và nhận thù lao theo tiết học. Vì lẽ này, rất khó để đội ngũ này tận tâm, tận sức cho việc giảng dạy. Thầy Cảnh kể một chuyện rất khó xử: “Cả trường có 1 giáo viên môn Toán, giáo viên này được điều chuyển dạy nơi khác, vậy là môn Toán bây giờ không còn ai”.

Cần sớm khắc phục

Dù thiếu thốn nhiều bề, song, chất lượng giáo dục, nhất là ở bậc THPT của trường là hết sức tích cực. Năm học 2016-2017, trường có 65/66 học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Thầy Cảnh cho biết thêm: “Vị trí của trường bây giờ bị khuất, nếu không để ý thì khó thấy lắm. Cái nữa là đường từ cổng vô trường xa quá, lại hẹp nữa”.

Do hạ tầng ở Viên An chưa được đầu tư đồng bộ nên việc tham gia giao thông của học sinh rất bất cập. Mong muốn của thầy Cảnh là làm sao ngôi trường thông thoáng, có đường vào rộng rãi để học sinh và giáo viên đến lớp dễ dàng.

Nhà trường cũng đã gởi kiến nghị lên huyện Ngọc Hiển và Sở GD-ĐT để xin tách bậc học THCS khỏi trường, vấn đề này đến nay cũng chưa có ý kiến chính thức từ UBND tỉnh. Theo lời thầy Thịnh: “Nếu 1, 2 năm nữa mà không tách thì trường hết kham nổi, bây giờ đã quá tải lắm rồi”.

Trao đổi về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Ngô Minh Toại phát biểu: “Tách trường là nguyện vọng của thầy cô và của cả huyện Ngọc Hiển. Phải chia sẻ những khó khăn với thầy và trò nhà trường. Ở góc độ địa phương, chúng tôi đang tích cực tham mưu, đề xuất và kiến nghị để quá trình này sớm diễn ra”.

Theo thông tin của phóng viên, đến nay, UBND tỉnh vẫn chưa có ý kiến chính thức. Ông Toại lưu ý: “Tách trường là phù hợp nhưng cũng cần phải có sự chuẩn bị chu đáo cả về vật chất lẫn nhân lực, không thể gấp gáp để làm theo kiểu vá chỗ này rách chỗ kia”.

Ông Toại cho rằng, việc chuẩn bị sẽ có thể diễn ra trong khoảng 1 năm học nữa để đảm bảo tất cả các thủ tục, quy trình và hoàn thiện cơ sở vật chất. Mong muốn của Ngọc Hiển là xây dựng được trường THPT trở thành địa chỉ đỏ tin cậy để đào tạo nguồn nhân lực cho vùng Mũi Cà Mau.

Chủ tịch UBND xã Viên An Diệp Thanh Điền cho biết: “Trường THPT Viên An đông học sinh vì đáp ứng việc học hành của học sinh từ nhiều nơi. Quá tải cả về cơ sở vật chất lẫn giáo viên. Thầy cô toàn phải tổ chức các hoạt động chuyên môn, hội họp vào cuối tuần vì căng mình ra dạy ngày 2 buổi từ thứ 2 đến thứ 6”.

Do đưa vào sử dụng khá lâu, lại bị tác động của khí hậu khắc nghiệt nên cơ sở vật chất của trường bắt đầu xuống cấp. Để chuẩn bị cho quá trình tách trường, xã Viên An đã bố trí được quỹ đất và phương án cụ thể. Ông Điền tha thiết: “Không tách sớm thì thầy cô chắc hết cầm cự nổi”.

Nguyện vọng của thầy trò trường THPT Viên An hết sức chính đáng bởi tình trạng quá tải đã ở mức báo động. Huyện Ngọc Hiển hết sức tha thiết mong UBND tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau sớm xúc tiến các thủ tục, quy trình để giải toả bớt áp lực cho nhà trường. Khát vọng của Trường THPT Viên An không gì khác là đào tạo được những thế hệ chủ nhân tương lai của quê hương, thắp sáng tri thức ở mũi đất thiêng liêng của Tổ quốc./.

Phạm Hải Nguyên 

 

 

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.