(CMO) Những năm gần đây, tình trạng mất cân bằng giới tính tại Cà Mau bắt đầu gia tăng ở mức báo động, đến năm 2019 tỷ lệ là 113,2 bé trai/100 bé gái. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp truyền thông thay đổi hành vi của người dân để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Nguyên nhân của việc mất cân bằng giới tính khi sinh bắt nguồn từ việc trọng nam khinh nữ, các gia đình mong muốn có con trai. Bên cạnh đó, hiện nay, bằng cách siêu âm có thể giúp nhận biết giới tính khi sinh, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng tăng. Thực hiện Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh công tác tuyên truyền tập trung vào các cặp vợ chồng mới kết hôn và gia đình sinh con một bề là gái. Bà Lâm Thị Bé Ba, cộng tác viên y tế, ấp Xóm Chùa, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, nói: “Tôi thường xuyên đến tuyên truyền cho các chị em hiểu được sinh con trai hay con gái gì cũng được, không nên trọng nam mà khinh nữ, cần sinh đủ 2 con để nuôi dạy tốt hơn. Thông qua công tác tuyên truyền chị em cũng đồng tình làm theo”.
Họp nhóm tuyên truyền mất cân bằng giới tính khi sinh tại xã Hoà Tân, TP Cà Mau. |
Để triển khai hiệu quả đề án, tại các xã, phường, thị trấn đã tổ chức các hoạt động truyền thông, như đến tuyên truyền hộ gia đình, họp nhóm, lồng ghép vào các cuộc họp tổ hội để cung cấp thường xuyên thông tin về mất cân bằng giới tính khi sinh, những nguyên nhân và hệ luỵ. Đồng thời, cung cấp các quy định về bình đẳng giới, lựa chọn giới tính khi sinh. Y sĩ Nguyễn Minh Kỳ, Phó trưởng Trạm Y tế xã Hoà Tân, cho biết: “Đến tháng 10/2019, xã Hoà Tân đã kiểm soát được tỷ lệ 105 bé trai/100 bé gái, so với năm 2018 là 107 bé trai/100 bé gái. Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, ngành chuyên môn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền của đội ngũ cộng tác viên các ấp đã làm nâng cao nhận thức của người dân”.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Cà Mau vừa tổ chức hội thi tuyên truyền viên giỏi về công tác mất cân bằng giới tính khi sinh. Hội thi đã đẩy mạnh phong trào học tập, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ tuyến cơ sở; Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, từ đó làm cho phong trào lan toả trong cộng đồng. Chị Chu Minh Thảo Linh, phụ trách DS-KHHGĐ, Trạm Y tế xã Hoà Thành, cho biết: “Thông qua hội thi để mọi người hiểu rằng, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ có những hệ luỵ như thế nào, từ đó những cặp vợ chồng trước khi sinh con phải bỏ ý định nhất thiết phải sinh con trai. Hội thi cũng trang bị cho những người làm công tác DS-KHHGĐ thêm kiến thức, từ đó giúp công tác tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng”.
Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền, trong năm 2019, tỉnh Cà Mau đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu của Tổng cục DS-KHHGĐ giao, cụ thể trong năm Cà Mau đã khống chế tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức 0,3%. Tuy nhiên, để giảm tỷ số bé trai sinh ra so với bé gái là vấn đề khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Cao Hùng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Cà Mau, cho biết: “Ở giai đoạn đầu chúng tôi tuyên truyền, vận động làm cho người dân hiểu và không lựa chọn giới tính khi sinh, để tỷ số giới tính khi sinh đừng tăng quá mức, bởi muốn giảm tỷ số bé trai sinh ra so với số bé gái là rất khó. Chính vì vậy, chúng ta cần bình đẳng giữa con trai và con gái, để tư tưởng trọng nam, khinh nữ giảm đi. Bên cạnh đó, chúng tôi tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở hoạt động liên quan đến vấn đề giới tính khi sinh để có biện pháp xử phạt theo quy định”.
Muốn thực hiện hiệu quả và giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, cần có sự phối hợp của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo, điều hành công tác dân số trong tình mới. Ngành y tế tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi của cộng đồng./.
Minh Khang