ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 12:46:22
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tủ bánh mì yêu thương

Báo Cà Mau (CMO) Ðối với người lao động nghèo, người có hoàn cảnh kém may mắn, cuộc sống ngày càng chật vật hơn từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay. Với ý nghĩ cùng chia sẻ khó khăn trong cuộc sống, “tủ bánh mì yêu thương” phần nào giúp họ vơi bớt nỗi lo khi nhận được ổ bánh mì thơm ngon lót dạ, ấm lòng để bắt đầu một ngày mới mưu sinh.

“Tủ bánh mì yêu thương” đều đặn hoạt động vào mỗi sáng thứ Tư hàng tuần là tâm huyết của chị Phạm Thị Ngọc Thảo (đường Lý Thường Kiệt, Phường 6, TP Cà Mau) trong suốt hơn 3 năm qua. Là Tổng phụ trách Ðội Trường Tiểu học Phường 6/2 (Phường 6, TP Cà Mau), cũng là Trưởng nhóm Thiện nguyện Sức sống tuổi trẻ Cà Mau, dù bận rộn với công việc ở trường và thiện nguyện, nhưng chị Thảo luôn mong muốn kết nối, sẻ chia với cộng đồng.

Từ năm 2018 đến nay, rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, người tàn tật đang làm công việc như bán vé số, chạy xe ôm ở TP Cà Mau không lo đói vào mỗi buổi sáng thứ Tư. Vì cứ đến trước nhà chị Thảo từ 5 giờ 30 phút đến 6 giờ 30 phút sáng sẽ nhận được 1 ổ bánh mì chả lụa thơm ngon lót dạ.

Ổ bánh mì đến tay người bán vé số cùng lời thăm hỏi buổi sáng.

Ông Ðặng Thái Sơn (Khóm 2, Phường 6) làm nghề chạy xe ôm hơn 10 năm nay. Ông là trụ cột chính trong gia đình, vợ ông làm nghề tạp vụ cho một nhà hàng, nuôi hai đứa cháu nhỏ. Những năm trước, mỗi ngày ông chạy xe ôm có thể kiếm được trên dưới 200.000 đồng, nhưng từ khi có dịch bệnh đến nay, khách vắng nên thu nhập chỉ còn một nửa. Với thu nhập ít ỏi từ nghề chạy xe ôm, để trang trải cuộc sống hàng ngày, với ông, những ổ bánh mì yêu thương này vô cùng ý nghĩa.

“Mới lần đầu tôi không biết có người làm bánh mì không phải bán mà đem tặng như vậy. Dù không lớn lao về giá trị nhưng giúp tôi bữa ăn sáng lót dạ, vì sáng sớm tôi chưa kiếm ra được đồng nào”, ông Sơn chia sẻ.

Cũng làm nghề chạy xe ôm, nhưng đều đặn thứ Tư mỗi tuần, ông Ðặng Duy Tân lại trở thành shipper, mang 10 ổ bánh mì 0 đồng đến cho những người trong Hội Người mù. Ông Tân bộc bạch: “Mình chạy xe ôm, sẵn có xe thì đến đây nhận bánh mì về cho những người kém may mắn trong Hội Người mù để họ ăn sáng, có thêm động lực và sức khoẻ làm việc”.

Bắt đầu từ 5 giờ sáng, chị Thảo đã thức lấy bánh mì, chả lụa về để làm. Chuẩn bị sẵn các khâu, hơn nửa tiếng sau là có sẵn những ổ bánh mì chả thơm ngon kịp tặng người bán vé số, chạy xe ôm và các em nhỏ đi học buổi sáng.

Chị Thảo chia sẻ: “Tôi muốn cho người lao động buổi sáng có gì đó ăn nhanh, gọn mà vẫn đảm bảo no, đủ chất để đỡ tốn chi phí. Mỗi thứ Tư hàng tuần, tôi đều chuẩn bị khoảng 100 ổ bánh mì chả. Trung bình 1 tháng chi phí để làm bánh mì yêu thương khoảng 3-4 triệu đồng”.

Ổ bánh mì của chị Nhung làm đầy ắp chả, khi có người đến nhận thì chị chan thêm nước xốt xíu mại để bánh mì không bị khô.

Một ổ bánh mì bao tấm lòng trao gởi, nhiều người nhận thấy ý nghĩa từ việc làm của chị Thảo nên tiếp sức: người gởi tặng bánh mì, người gởi chả, rau, dưa leo…, người góp tiền cùng chị Thảo sẻ chia với người nghèo. Vì vậy, đều đặn mỗi tuần, tủ bánh mì luôn đầy ắp những ổ bánh mì trao tận tay người nhận.

Ngoài tủ bánh mì yêu thương, chị Thảo còn sáng tạo ra tủ quần áo yêu thương, tặng khẩu trang, nước rửa tay và những nhu yếu phẩm cần thiết để san sẻ với người nghèo trong lúc dịch bệnh. Tủ bánh mì yêu thương trở thành cầu nối những tấm lòng sẻ chia, như thông điệp về lối sống đẹp lan toả trong cộng đồng.

Cùng suy nghĩ muốn san sẻ với những người lao động mưu sinh, chị Phạm Thị Hồng Nhung (đường 3/2, Phường 6, TP Cà Mau) cũng học hỏi từ chị Thảo. Dù mới hoạt động hơn 1 tháng nay và bận rộn với 2 đứa con nhỏ cũng như công việc bán hàng Online, nhưng chị Nhung vẫn tranh thủ thời gian buổi sáng thứ Ba và thứ Sáu hàng tuần để làm bánh mì trao đến những người lao động nghèo.

Ðược sự trợ giúp và ủng hộ từ gia đình, chị có thêm động lực để tiếp tục công việc này đều đặn. Chị Nhung cho biết: “Mẹ mình có làm các loại chả, pate, chà bông để bán, nên cũng phụ chuẩn bị hết từ các khâu mua bánh mì, để nguyên liệu vô bánh mì và chở đến đây cho mình. Có hôm thì mẹ đổi món, nấu xôi để người ăn đỡ ngán. Dù cực nhưng hai mẹ con rất vui và hạnh phúc lắm. Tủ bánh mì yêu thương mình mới làm gần đây nên có những hôm bánh mì bị “ế”, vì còn ít người biết đến. Những ngày tới trưa mà còn nhiều bánh mì thì mình chạy xe máy đi đến những nơi có nhiều người bán vé số hoặc bán ve chai, chạy xe ôm để gởi cho họ. Nhiều người thấy thương lắm, nhận bánh mì xong còn gởi lại cho mình 10.000 đồng, 5.000 đồng, 2.000 đồng… để góp với mình chia sẻ cho những người khó khăn hơn”.

Chị Nhung nghĩ rằng, những người bán vé số dạo vất vả lắm, được 10 tấm vé số mới mua được 1 ổ bánh mì, nên chị muốn giúp họ chia sẻ một khoản tiền ăn sáng. Như bà Võ Mỹ Hồng (Phường 5, TP Cà Mau) đã bán vé số hơn 7 năm nay. Tranh thủ đi bán vé số từ 5 giờ sáng cho mấy người tập thể dục để về sớm chăm 2 đứa cháu nhỏ ở nhà, bà Hồng kể: “Lúc trước, khi chưa có dịch bệnh bán được hơn 200 tờ, từ khi có dịch đến giờ, mỗi ngày bán hơn 100 tờ, người ta hạn chế tiếp xúc với mình nên ít người mua. Nhờ có ổ bánh mì ăn sáng cũng có sức để bán đến trưa rồi về nhà nấu cơm ba bà cháu ăn”.

Ông Trương Như Hợp (Khóm 2, Phường 6) dù đã gần 70 tuổi nhưng hàng ngày vẫn cọc cạch đạp xe đi thu nhặt và mua bán ve chai. Thấy ông Như chạy ngang, chị Nhung liền í ới gọi chú vào lấy bánh mì. Ðây là lần đầu được nhận bánh mì miễn phí, chú thấy là lạ nên hơi chần chừ rồi mới vòng xe lại. Chú hỏi: “Sao cho tui bánh mì vậy cô?”. Chị Nhung nói: “Sáng thứ Ba với thứ Sáu con có làm bánh mì để đây, chú có đi ngang đây thì ghé lấy ăn sáng nha. Chú có quen ai không có tiền ăn sáng thì rủ lại đây luôn nha!”.

Tủ bánh mì của chị Nhung mỗi ngày làm khoảng 50 ổ bánh mì, chi phí khoảng 500.000 đồng. Có người gởi tiền ủng hộ chị mua bánh mì, có người gởi thêm gạo, nước tương, chao… để chị giúp chia cho người nghèo.

Vất vả đi bán hàng rong, bán vé số, lượm ve chai, chạy xe ôm…, 1 ổ bánh mì chỉ hơn 10.000 đồng, đối với người nghèo là số tiền không nhỏ. Và giá trị về tình yêu thương, sự sẻ chia giữa người với người thì vô giá, người cho hay người nhận đều thấy vui và hạnh phúc. Dù công việc, cuộc sống của chị Thảo, chị Nhung và nhiều người nữa không giống nhau, nhưng họ đồng hành, đồng cảm với nhau bằng lối sống đẹp giữa đời.

Mỗi ổ bánh mì được nâng niu, thêm chả, dưa leo và còn thêm vào gia vị yêu thương, sẻ chia, tình người, làm nên bánh mì yêu thương đúng như tên gọi. Ðâu đó giữa nhịp sống hối hả này, vẫn có những tấm lòng đẹp đẽ, lặng thầm viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Không có bà tiên hay ông bụt, câu chuyện cổ tích của họ giản đơn là “lá lành đùm lá rách”. Từ ổ bánh mì yêu thương cho thấy hành trình thiện tâm sẽ không bao giờ đơn độc, trái tim sẽ chạm đến được trái tim./.

 

Thảo Mơ

 

Liên kết hữu ích

Xoá hơn 1.100 căn nhà tạm, nhà dột nát

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, đến nay, toàn tỉnh khởi công được 1.114 căn nhà.

Mang Tết đến nạn nhân chất độc da cam

Toàn TP Cà Mau có 899 người bị nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có người trực tiếp tham gia kháng chiến và con đẻ của họ. Phần lớn nạn nhân chất độc da cam cuộc sống còn nhiều khó khăn, lại thêm bệnh tật. Ðể bản thân và gia đình nạn nhân chất độc da cam phần nào vơi đi nỗi đau, mất mát đó, cứ mỗi dịp xuân về, Tết đến, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (Hội Nạn nhân chất độc da cam) các cấp TP Cà Mau sẽ trao nhiều phần quà yêu thương đến những nạn nhân và gia đình họ.

Tỉnh đoàn trao quà tết công nhân trên công trình cao tốc Cần Thơ – Cà Mau

Chiều nay (13/1), Tỉnh đoàn Cà Mau tổ chức đoàn đến thăm, trao suất quà tết và 15 bao lì xì cho lực lượng công nhân thuộc Công ty Cổ phần Hải Đăng, TP Hồ Chí Minh, đơn vị đang thi công trên công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua huyện Thới Bình.

Tết ấm cho người có công

Trong năm qua, huyện U Minh huy động mọi nguồn lực xã hội để chăm lo người có công, thân nhân thờ cúng liệt sĩ, gia đình chính sách. Chương trình hỗ trợ nhà ở cho những đối tượng này nhân đôi niềm vui khi Tết đang gần kề.

Chung một tấm lòng san sẻ yêu thương

Sáng 12/1, Hội Từ thiện tỉnh Cà Mau tổng kết hoạt động năm 2024 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Xuân ấm áp cho người dân Đất Mũi

Tiếp tục chuỗi chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” tại các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh, chiều ngày 11/1, chương trình tiếp tục mang hơi ấm mùa xuân đến với người dân tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, với nhiều hoạt động vui xuân, cùng những phần quà ý nghĩa.

Sacombank Chi nhánh Cà Mau trao 550 phần quà “Ấm tình mùa xuân”

Hoạt động này là một phần trong chiến dịch “Ấm tình mùa xuân” lần thứ 22, diễn ra từ ngày 6-19/1, với tổng kinh phí 10 tỷ đồng, hướng đến các hộ nghèo và gia đình gặp khó khăn trên toàn quốc, đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực miền Tây Nam Bộ.

Tấm lòng nhân ái của chị Huỳnh Diễm

Đều đặn hằng tháng, chị Huỳnh Diễm (Phường 6, TP Cà Mau) tham gia nhóm thiện nguyện phát quà cho bệnh nhân chạy thận, nấu ăn cho bệnh nhân ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần (xã Khánh An, huyện U Minh). Chị còn tích cực kêu gọi bạn bè, người thân và cộng đồng mạng xã hội giúp hàng trăm triệu đồng cho những bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn cần chi phí điều trị khẩn cấp. Chị Diễm bộc bạch: “Làm thiện nguyện từ tâm. Tôi chỉ mong giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt”.

Niềm vui an cư

Mùa xuân mang theo niềm vui, hy vọng cho mọi người, mọi nhà. Ðối với những hộ khó khăn vừa được hỗ trợ nhà ở, đất ở thì niềm vui, niềm tin về cuộc sống no ấm như được nhân lên gấp bội.

Tuổi trẻ xung kích trong phong trào lớn

Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đã và đang được triển khai quyết liệt, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành, lực lượng đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) đã phát huy vai trò xung kích của mình khi tích cực tham gia thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát cùng toàn tỉnh. Ðây cũng chính là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh đoàn xác định cho năm 2025.