Sáng nay 27/9, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập các sở: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Giao thông và Vận tải, Tỉnh đoàn.
Theo đánh giá của các đơn vị, việc thực hiện tự chủ tài chính còn chậm, mức độ tự chủ chưa cao, nguồn thu sự nghiệp còn thấp, chủ yếu vẫn là NSNN cấp phát; chưa có bước chuyển biến mang tính đột phá.
Ông Mã Tấn Cọp, Phó giám đốc Sở Tài chính, cho rằng hiện mức độ tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp đang có chiều hướng giảm xuống, nguồn thu ngày càng hạn hẹp, gặp nhiều khó khăn.
Hiện Cà Mau có 591 đơn vị được giao tự chủ tài chính, trong đó có 12 đơn vị nhóm 1, 26 đơn vị nhóm 2, 187 đơn vị nhóm 3 và 366 đơn vị nhóm 4.
Theo đánh giá của Sở Tài chính, việc ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công của các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thành, các đơn vị chưa chủ động nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực quản lý. Hầu hết các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí vào giá, dẫn đến khó khăn khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Các định mức kinh tế kỹ thuật một số lĩnh vực còn chưa xác định được, khó khăn trong việc xác định đơn giá đặt hàng, đấu thầu, cũng như triển khai trong quản lý. Phương thức đấu thầu còn ít được áp dụng và chưa thực sự phát huy hiệu quả; việc giao nhiệm vụ, đặt hàng được thực hiện theo đơn giá dự toán, có trường hợp chưa sát thực tế. Từ đó, việc tổ chức thực hiện tự chủ tài chính chưa đảm bảo đúng lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng, cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công chưa được ban hành theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ông Thái Trường Giang, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết, tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ; Trung tâm Phân tích, kiểm nghiệm Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng còn 25 người (số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp), tự thực hiện chi trả từ nguồn thu sự nghiệp, theo dự toán thì năm 2024 chênh lệch thu chi từ nguồn thu sự nghiệp gần 800 triệu đồng, vì vậy nguồn thu sự nghiệp của đơn vị không đủ chi trả lương cho các biên chế này.
Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết, phần lớn các công trình, nhiệm vụ, dự án của sở hiện nay phải thực hiện thông qua công tác đấu thầu rộng rãi. Do đó, chịu sự cạnh tranh gây gắt của rất nhiều đơn vị kể cả tư nhân và đơn vị sự nghiệp công lập ở trong và ngoài tỉnh (do chưa đủ cơ sở để đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cho đơn vị sự nghiệp thuộc sở) và theo quy định Luật Đấu thầu, các công trình, dự án do sở làm chủ đầu tư thì đơn vị trực thuộc không được tham gia theo quy định, mặc dù thuộc chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và các đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện.
Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nêu lên những khó khăn của các đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính trực thuộc đơn vị tại buổi giám sát.
Ông Lên đề xuất UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường thay thế Quyết định số 1990/QĐ-TTg ngày 11/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Kiến nghị xem xét điều kiện ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với một số nhiệm vụ đặc thù khi đáp ứng các điều kiện theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, thay cho công tác đầu thầu, để tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở có nguồn chi trả lương thường xuyên, thưởng, thu nhập tăng thêm cho đội ngũ viên chức và người lao động.
Bà Vũ Hồng Như Yến, Trưởng Ban kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, ghi nhận những thông tin từ các đơn vị kiến nghị, làm cơ sở để HĐND tỉnh có những định hướng hoạch định chính sách phù hợp với điều kiện thực tế địa phương trong thực hiện tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp.
Trần Nguyên