(CMO) Hướng mắt về lá cờ Tổ quốc tung bay trên vùng trời thiêng liêng, ông Hai Triều (Trần Minh Triều) xúc động rưng rưng: “Đất Mũi khoác lên mình diện mạo mới đầy tự hào, kiêu hãnh!”.
Ông Hai Triều, nguyên là Giám đốc Công viên Văn hoá - Du lịch Mũi Cà Mau, nguyên Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Khai Long - Đất Mũi, nhớ như in cái ngày nhận lấy quyết định chuyển công tác từ chốn thị thành phồn hoa về nơi “khỉ ho” này làm cán bộ quản lý: Không điện, không đường, không có gì níu giữ chân người,... Ngót đã gần 20 năm, ông Hai “lắng nghe” từng nhịp thở của đất, của rừng, của vùng biển quê hương này.
![]() |
Lễ chào cờ thiêng liêng dưới chân Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
“Hạnh phúc, tự hào không thể tả!”, ông Hai Triều bày tỏ. Ông kể những mốc son đáng nhớ: Năm 2000, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt quy hoạch Khu du lịch Mũi Cà Mau, tỷ lệ 1/2.000 tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, quy mô 43 ha; Năm 2001, khu du lịch đón những vị khách đầu tiên đến chạm tay vào cột mốc toạ độ quốc gia GPS 0001 (cây số 0); Năm 2012, Khu Công viên Văn hoá - Du lịch Mũi Cà Mau được phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 294/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỷ lệ 1/2.000, quy mô 159,7 ha. Theo đó, khu Công viên Văn hoá - Du lịch Mũi Cà Mau được xác định là điểm nhấn, trọng tâm cho phát triển du lịch của tỉnh; Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau (Quyết định 774/QĐ-TTg ngày 18/6/2018); Và đến nay, khu du lịch đón chào sự kiện Tuần Văn hoá - Du lịch Mũi Cà Mau năm 2019 với chuỗi hoạt động trọng đại, ý nghĩa lớn lao: Khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau và cụm công trình Đền thờ Lạc Long Quân, Tượng Mẹ Âu Cơ.
Ông kể về lần vinh dự đón bác Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư, bác Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước về thăm Đất Mũi, các bác hỏi thân tình: “Triều, cháu ao ước thế nào? Có suy nghĩ gì về vùng đất thiêng liêng này?”. Ông Hai Triều bùi ngùi: “Con chỉ mong điểm cực Nam Tổ quốc bằng 50% với tuyến đầu đất nước, được vậy là con mừng lắm!”. “Mới tuần rồi, người chị trực tiếp phân công tôi về đây “Đặt viên gạch đầu tiên” cho khu du lịch còn nói đùa “Nguyện ý rồi hen Triều! Yên tâm dưỡng già được rồi nghen!”, ông Triều chia sẻ.
Mũi Cà Mau giờ đây đã trở thành điểm đến tự hào trong trái tim mỗi con người đất Việt và là điểm du lịch trải nghiệm đầy lý thú của du khách quốc tế. Mỗi ngày được ngắm nhìn đoàn người đến thăm, sẻ chia cảm xúc là ông Hai Triều xuyến xao hạnh phúc. Ông khoe, Tết Dương lịch và cả Tết Nguyên đán năm 2020, chỉ riêng Nhà hàng Công đoàn Đất Mũi ông đang quản lý đã kín lịch các đoàn khách của các công ty du lịch, lữ hành đặt tiệc, gần 1 ngàn khách. Số khác ông đã kết nối cho các điểm du lịch cộng đồng phục vụ. Đây là con số reo vui, thể hiện sức hút du lịch Mũi Cà Mau đã tăng đột phá.
Thướt tha trong bộ áo dài truyền thống, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Tuyết Nam), Phó trưởng Ban Từ thiện - Xã hội Phật giáo tỉnh Cà Mau cùng các chị là mạnh thường quân, kính cẩn thắp hương tại Đền thờ Lạc Long Quân, bày tỏ, Đất Mũi đẹp, linh thiêng và là niềm tự hào dân tộc!
![]() |
Sự kiện khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh về dự.Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
Chị Tuyết Nam vui mừng vì Đất Mũi đã thực sự thay da đổi thịt. Trong suốt chặng đường mải miết hơn 20 năm làm công tác từ thiện, đã nhiều lần về sẻ chia yêu thương với bà con Đất Mũi cực kỳ vất vả vì cách trở địa lý, khó khăn trăm bề. Cũng có lần đưa các nhà tài trợ từ nước ngoài về đây, họ cứ tiếc nuối vùng đất hoang sơ, đẹp, thiêng liêng thế này mà chưa tạo được sức hút đầu tư, kiến tạo công trình để phát triển du lịch. Nhưng nay, Đất Mũi đã thực sự chuyển mình. “Quá tuyệt vời, tự hào vô hạn!”, chị Tuyết Nam tấm tắc. Chị xúc động, chỉ mới hồi đầu năm này, chị cùng mạnh thường quân bàn giao hàng loạt công trình trên địa bàn huyện Ngọc Hiển và tiếp tục khảo sát tìm xây những căn nhà tình thương thì nhận ra rằng, đời sống bà con mình khấm khá lên nhiều, đường sá rộng mở, người người, nhà nhà chí thú làm ăn, và còn biết làm du lịch, phục vụ du khách nữa chứ!
Chị Lương Thu Lan, là mạnh thường quân xuyên suốt những hành trình từ thiện của chị Tuyết Nam, háo hức: “Hôm nay đi Đất Mũi với vai trò hoàn toàn khác, đặc biệt và ý nghĩa: Là khách du lịch. Trong trang phục áo dài, nón lá, chúng tôi tự hào vì là người con vùng đất cuối trời Nam được tham dự sự kiện trọng đại này”.
Ông Vũ Tiến Lộc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bày tỏ niềm vui khi đã thực hiện ước nguyện đưa Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ về với Đất Mũi Cà Mau thân yêu. Ông nhớ mãi kỷ niệm hồi tháng 8/2018, trong một chuyến công tác về Đất Mũi. Và như một sự hợp duyên, ông và Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã có cùng chung ý tưởng đề xuất và vận động xây dựng Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ tại Mũi Cà Mau. Chỉ hơn 1 năm sau, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, mà trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với sự chung tay của các đồng chí lãnh đạo, Nhân dân Đất Mũi và các nhà tài trợ. Trong đó có sự góp sức của Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn KN và Công ty Golf Long Thành, Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ đã được khánh thành cùng niềm vinh hạnh với khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau.
“Kể từ ngày hôm nay, tại Đất Mũi Cà Mau, chúng ta không chỉ có Bác Hồ, cột mốc cuối cùng của đường Hồ Chí Minh huyền thoại, mà còn có Cột cờ Hà Nội, biểu tượng chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Có Quốc tổ và Quốc mẫu - những người khai sinh dân tộc ta trong bọc trứng đồng bào. Tôi hạnh phúc khi được chứng kiến đồng bào Cà Mau, du khách thập phương, các cụ già, các em nhỏ, các cựu chiến binh và du khách quây quần bên Tượng Mẹ và Đền thờ Quốc tổ. Tinh thần dân tộc của người Việt Nam là sức mạnh tuyệt vời. Mũi Cà Mau sẽ là một điểm đến của tinh thần dân tộc Việt. Một sự lựa chọn hàng đầu cho khách du lịch bốn phương”, ông Vũ Tiến Lộc xúc động.
Phát biểu tại lễ khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đất Mũi Cà Mau khác biệt hơn tất cả các miền đất khác, nổi tiếng là nơi “Đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”. Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau đã tạo thêm một biểu tượng về sự thống nhất giang sơn gấm vóc, chủ quyền quốc gia. Thủ tướng tin tưởng, Cà Mau với tiềm năng, năng động, cởi mở; Một mũi tàu khát vọng rẽ sóng ra khơi xa, Cà Mau sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, sẽ là điểm đến thiêng liêng của niềm tự hào dân tộc, có sức hút hấp dẫn với bạn bè quốc tế./.
Băng Thanh