(CMO) Năm 2005, phong trào tập luyện võ Vovinam bắt đầu phát triển ở huyện Cái Nước và lan toả đến các huyện lân cận, rồi trở thành phong trào thể thao quần chúng trong toàn tỉnh. Đến năm 2014, đội tuyển Vovinam Cà Mau chính thức được thành lập.
Võ sư Văn Thanh Xuân, Huấn luyện viên trưởng Vovinam Cà Mau, cho biết, Vovinam hiểu đơn giản là Võ Việt Nam (hay còn gọi là Việt võ đạo), là môn võ đặc trưng của người Việt, được sáng tạo dựa vào đặc điểm cơ bản của môn vật cổ truyền kết hợp với đòn thế tinh hoa võ thuật từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; do Võ sư Nguyễn Lộc (người Sơn Tây, Hà Nội) sáng lập và được công bố trong quần chúng vào năm 1938, rồi nhanh chóng được người Hà Nội tiếp nhận, lan toả thành phong trào tập luyện trong cả nước. Phát triển cùng với những thăng trầm, năm 2007 Liên đoàn Vovinam Việt Nam chính thức được thành lập. Những năm tiếp theo, các liên đoàn Vovinam trong khu vực và quốc tế lần lượt ra đời, đánh dấu sự phát triển của môn võ Vovinam.
Ở Cà Mau, từ năm 1971 nhiều lớp võ Vovinam đã được tổ chức, thu hút hàng trăm võ sinh tham gia. Tuy nhiên, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước thì môn võ này không còn phát triển ở Cà Mau. Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Cà Mau có một vài điểm tập Vovinam, nhưng cũng chỉ được vài năm thì lại vắng bóng.
Năm 2005, Võ sư Văn Thanh Xuân (sinh năm 1957, từng nhiều năm sinh hoạt trong phong trào Vovinam ở Cần Thơ) về huyện Cái Nước sinh sống, đã mở lớp dạy Vovinam. “Tháng 8/2005, tôi mở lớp, chỉ có vài em đăng ký tham gia. Song, tôi không chút băn khoăn vì chủ ý là muốn truyền đạt môn võ chính thống của Việt Nam mình, mà qua đó các em phát triển thể chất lẫn nhân cách. Vovinam không thiên về quyền, cước mà các đòn đánh vô cùng đa dạng, vận dụng linh hoạt toàn cơ thể, hơn nữa những động tác và kỹ năng của môn võ này rất phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Vì thế, sau vài tháng, nhiều em đã tìm đến tôi xin đăng ký tham gia lớp học”, Võ sư Văn Thanh Xuân tâm tình.
Năm 2009, huyện Cái Nước đã mở được 7 lớp học với hàng trăm võ sinh và hình thành Câu lạc bộ (CLB) Vovinam của huyện. Được sự thống nhất của Trung tâm Huấn luyện, Đào tạo và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Cà Mau và Liên đoàn Vovinam Việt Nam, tháng 10/2009, CLB Vovinam Cái Nước đã tổ chức kỳ thi thăng cấp sơ đẳng, trung đẳng lần đầu tiên cho hơn 80 thí sinh. Hầu hết các thí sinh đều đạt yêu cầu, được thăng Huyền đai, thăng Hoàng đai I cấp, II và III cấp. Đây cũng là thế hệ kế thừa của Võ sư Văn Thanh Xuân, trở thành thầy đứng lớp khi phong trào tập luyện Vovinam bắt đầu lan toả ra các huyện: Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh, Năm Căn, Thới Bình, Đầm Dơi và TP Cà Mau.
Cùng năm 2009, CLB Vovinam Cái Nước được chọn làm vệ tinh của tỉnh, một số võ sinh được hưởng chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn năng khiếu, từ đó nâng tầm hoạt động của CLB chuyên nghiệp hơn. Ấn tượng từ 3 chiếc Huy chương Vàng tại Đại hội Thể dục thể thao ĐBSCL lần thứ IV/2011 (tổ chức tại tỉnh Kiên Giang), cùng 2 chiếc Huy chương Vàng tại Giải Vovinam vô địch trẻ toàn quốc (do Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau lần đầu tiên đăng cai tổ chức) của CLB Vovinam Cái Nước đại diện tỉnh nhà tham dự, Vovinam đã được Trung tâm Huấn luyện, Đào tạo và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh đưa vào hệ thống thi đấu thể thao thành tích cao, đội tuyển Vovinam tỉnh Cà Mau chính thức được thành lập vào năm 2014.
Hiện tại, phong trào tập luyện Vovinam phát triển khá mạnh, toàn tỉnh có hơn 24 CLB với hơn 1.200 võ sinh tham gia tập luyện. Từ phong trào đã bộc lộ tiềm năng để tỉnh tuyển chọn năng khiếu chăm bồi, bổ sung cho đội tuyển Vovinam tỉnh thi đấu thể thao thành tích cao. Hàng năm, tham dự các giải trẻ, giải vô địch các CLB… trong khu vực và quốc gia, Vovinam Cà Mau đều giành được huy chương.
Đòn kẹp chân đặc trưng của môn võ Vovinam. |
Theo Võ sư Văn Thanh Xuân, đặc điểm cơ bản của Việt võ đạo là yêu cầu người luyện võ không chỉ có võ thuật mà còn phải có võ đạo, theo tinh thần chủ thuyết của Cố võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc là “Cách mạng tâm thân”, hướng thiện về thể chất lẫn tinh thần. Thế nên, từ võ phục đến logo, màu đai, tất cả đều có ý nghĩa riêng biệt, thể hiện tinh thần võ đạo đặc trưng của Việt Nam. Điều đáng tự hào là hiện nay Vovinam không chỉ phát triển mạnh trong toàn quốc, mà không ít người đến từ nhiều quốc gia khác cũng đã tìm đến Việt Nam để đăng ký học môn võ này.
“Riêng tại Cà Mau, Vovinam tuy chưa phải là môn võ chủ lực, nhưng gần 17 năm xây dựng phong trào và 8 năm phát triển chuyên nghiệp, Vovinam đã tạo thêm sắc màu cho thể thao thành tích cao tỉnh nhà, góp phần khẳng định vị thế của võ thuật Cà Mau trong khu vực và quốc gia”, Võ sư Văn Thanh Xuân bày tỏ./.
Mỹ Pha