ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 1-11-24 07:39:06
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Từ ngày 21/4, chính thức vận hành hoá đơn điện tử

Báo Cà Mau (CMO) Sáng 21/4, đồng loạt 57 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Cà Mau, sẽ chính thức bấm nút vận hành hệ thống hoá đơn điện tử (HĐĐT). Đây là chủ trương của Bộ Tài chính nhằm thực hiện Luật Quản lý thuế, hiện đại hoá công tác thuế, thống nhất quản lý thuế tập trung, tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT).

Từ ngày 21/4/2022 sẽ chính thức triển khai sử dụng hoá đơn điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chủ trương này, Bộ Tài chính đã triển khai lộ trình 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu triển khai thành công thí điểm 6 tỉnh, thành (từ 20/11/2021 đến 31/3/2022). Giai đoạn 2, Bộ Tài chính tiếp tục có quyết định triển khai áp dụng HĐĐT cho 57 tỉnh, thành phố còn lại từ ngày 21/4/2022. Mục tiêu đến hết ngày 30/6/2022, tất cả DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành chuyển đổi HĐĐT, đáp ứng quy định của Luật Quản lý thuế mới.

Ông Nguyễn Thành Sua, Cục trưởng Cục Thuế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo triển khai HĐĐT tỉnh Cà Mau, cho biết: “Sau thời gian ngắn, khẩn trương chuẩn bị tích cực, ngành thuế Cà Mau đã hoàn thành các công đoạn cuối cùng để sẵn sàng cùng 56 tỉnh, thành phố trong cả nước chính thức vận hành hệ thống HĐĐT. Đây là bước ngoặt quan trọng đối với hệ thống ngành thuế nói chung, Cục Thuế tỉnh Cà Mau nói riêng, góp phần khắc phục những rủi ro khi sử dụng hoá đơn giấy, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh”.

Tỉnh Cà Mau hiện có gần 4.500 DN ngoài quốc doanh và gần 24.000 hộ kinh doanh trước nay vẫn sử dụng các loại hoá đơn với nhiều hình thức khác nhau: hoá đơn giấy (bao gồm hoá đơn tự in, hoá đơn đặt in và hoá đơn mua của của cơ quan thuế); và HĐĐT của một số cá nhân, tổ chức kinh doanh.

“Tỉnh Cà Mau đã thành lập Ban Chỉ đạo và tổ thường trực triển khai của tỉnh do Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; Cục Thuế  thành lập Trung tâm Điều hành triển khai HĐĐT tại Cục Thuế và công bố đường dây nóng, bố trí đầy đủ nhân lực, hạ tầng, sẵn sàng tiếp nhận đăng ký, xử lý các yêu cầu về HĐĐT của NNT cũng như tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ, công chức; tuyên truyền, hỗ trợ NNT khi triển khai HĐĐT”, ông Nguyễn Thành Sua thông tin.

Đồng thời, ngành thuế đã tiến hành rà soát, phân loại tổng thể NNT là DN, tổ chức kinh tế, hộ cá nhân kinh doanh là đối tượng sử dụng các loại HĐĐT theo quy định nhằm xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng giai đoạn đối với từng loại NNT, phấn đấu đến ngày 10/5 hoàn thành 50% NNT là DN đăng ký sử dụng HĐĐT. Đến hết ngày 31/5/2022 đảm bảo hoàn thành 90% NNT là DN đăng ký sử dụng HĐĐT và đến hết ngày 30/6/2022 đảm bảo hoàn thành 100% số lượng DN, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng HĐĐT và đối với NNT mới thành lập từ tháng 4/2022 sử dụng HĐĐT.

Ngoài ra, để triển khai hệ thống quản lý HĐĐT của cơ quan thuế, Tổng cục Thuế đã và đang đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hệ thống HĐĐT để sẵn sàng tiếp nhận đề nghị, kết nối với tất cả các tổ chức cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định từ ngày 1/7/2022.

“Đối với các trường hợp không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập HĐĐT để sử dụng HĐĐT và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua, đến cơ quan thuế thì sử dụng hoá đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng HĐĐT”, ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Hỗ trợ tuyên truyền NNT, Cục Thuế tỉnh, hướng dẫn thêm.    

Ngoài ra, ông Khánh cũng lưu ý một số vấn đề khi chuyển đổi áp dụng HĐĐT theo Nghị định 123. Trong đó, cần lựa chọn đơn vị cung cấp HĐĐT đã đăng ký, được Tổng cục Thuế chấp nhận, đã được công bố trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và Cục Thuế. Sau khi nhận được thông báo chuyển đổi HĐĐT từ cơ quan thuế, DN phải đăng ký trên phần mềm của các nhà cung cấp dịch vụ đã đạt chuẩn theo Nghị định 123 và Thông tư 78 mà Tổng cục Thuế đã công bố trước đó.

Để đăng ký, DN cần thực hiện đủ 3 bước: lập tờ khai đăng ký sử dụng HĐĐT; đợi Tổng cục Thuế gửi thông báo đã tiếp nhận đăng ký; và cuối cùng DN đợi thông báo chấp nhận hoặc không chấp nhận từ Tổng cục Thuế.

Điều quan trọng, NNT cần nắm rõ thời điểm huỷ hoá đơn giấy và HĐĐT còn tồn. Theo quy định, kể từ thời điểm cơ quan thuế chấp nhận đăng ký sử dụng HĐĐT, DN được sử dụng HĐĐT. Theo đó, bắt buộc phải dừng sử dụng tất cả các hình thức hoá đơn đang sử dụng theo quy định trước đây và thực hiện tiêu huỷ những hoá đơn còn tồn theo quy định tại Điều 27, Nghị định 123. Trong đó, DN cần chú ý chuẩn bị bộ hồ sơ tiêu huỷ hoá đơn bao gồm: quyết định thành lập Hội đồng tiêu huỷ hoá đơn, bảng kiểm kê hoá đơn cần tiêu huỷ, biên bản tiêu huỷ và thông báo kết quả huỷ hoá đơn./.

 

Hồng Nhung