(CMO) Thời gian qua, Văn phòng Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh đã tư vấn cho công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ) về những vấn đề có liên quan đến chế độ bồi thường tai nạn lao động, chế độ BHXH, BHYT, BHTN và các chế độ khác khi thôi việc…, qua đó tạo được niềm tin và là chỗ dựa tin cậy đối với CNVC-LĐ.
Chủ nhiệm Văn phòng Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Cà Mau Huỳnh Văn Đậm chia sẻ: "Thông qua từng lĩnh vực, tổ tư vấn đã nghiên cứu vận dụng những quy định của pháp luật để hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin và văn bản pháp luật nhằm giúp CNVC-LĐ yêu cầu đúng nội dung và trình tự theo thẩm quyền giải quyết; đồng thời giúp doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, từ đó góp phần tháo gỡ kịp thời những vướng mắc mà chủ doanh nghiệp và người lao động gặp phải. Bên cạnh đó, tổ tư vấn pháp luật còn giúp LĐLĐ tỉnh tham gia với các ngành chức năng giải quyết các chế độ chính sách trong quan hệ lao động".
Chủ nhiệm Văn phòng Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Cà Mau Huỳnh Văn Đậm (bìa phải) đang tư vấn cho người lao động. |
Với đội ngũ cộng tác viên nhiệt tình, cộng với kiến thức pháp luật vốn có, thường xuyên trau dồi kiến thức, cập nhật kịp thời những quy định mới của pháp luật để không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng tư vấn pháp luật nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn trong công tác tư vấn pháp luật của tổ chức công đoàn. Từ đó, số lượng CNVC-LĐ đến nhờ tư vấn ngày càng đông, mở rộng ra nhiều lĩnh vực, thông qua nhiều hình thức tư vấn pháp luật lao động. Đến nay, văn phòng đã tư vấn trực tiếp 358 trường hợp, gián tiếp 570 trường hợp, tư vấn Luật Bảo hiểm xã hội 112 trường hợp. Ngoài ra còn tư vấn hơn 200 trường hợp ngoài phạm vi của tổ chức công đoàn như nội dung đơn, nơi gửi đơn…
Điển hình như vụ Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Cà Mau đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động. Qua tư vấn, người lao động khởi kiện ra toà án, kết quả toà án buộc công ty huỷ quyết định chấm dứt hợp đồng lao động và nhận người lao động trở lại làm việc.
Văn phòng cũng đã tư vấn cho 30 công nhân Công ty Cổ phần Thuỷ sản xuất khẩu Cà Mau (FFC) không được công ty đóng bảo hiểm, qua đó đề nghị công ty đóng BHXH để chốt sổ bảo hiểm. Tư vấn cho 59 công nhân của Công ty Cổ phần cấp nước Cà Mau bị nghỉ việc nhưng công ty chi trả chế độ chưa thoả đáng.
27 năm làm việc tại Phòng Kỹ thuật của Công ty Cổ phần cấp nước Cà Mau, đến ngày 17/5/2016, bất ngờ anh Phan Ngọc Bình bị công ty cho thôi việc mà không hiểu nguyên do. Sau đó, anh làm đơn đến các sở, ngành rồi được Chủ nhiệm Văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Cà Mau Huỳnh Văn Đậm hỗ trợ. Hiện anh đang chờ lãnh đạo công ty sắp xếp để được nhận trở lại công ty.
Anh Bình bộc bạch: "Người lao động thường không hiểu về Luật Lao động, khi được nhận vào làm việc thông qua hợp đồng lao động bằng số tiền lương thoả thuận, không biết số tiền bảo hiểm được đóng… Sau khi bị cho thôi việc mới bắt đầu tìm hiểu luật…".
Với những hoạt động trên, Văn phòng Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh Cà Mau đã phát huy tốt chức năng của mình, khắc phục được tình trạng gửi đơn vượt cấp, đơn yêu cầu đúng nội dung, mục đích. Cùng với Uỷ ban Kiểm tra giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh giải quyết và tham gia giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách của CNVC-LĐ. Từ đó, tạo được lòng tin của đông đảo CNVC-LĐ đối với công tác tư vấn pháp luật nói chung và hoạt động của Văn phòng Tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh nói riêng.
Để tiếp tục góp phần bảo vệ quyền lợi CNVC-LĐ, thời gian tới, văn phòng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho CNVC-LĐ, giúp người lao động hiểu biết, giải quyết hài hoà các mối quan hệ xã hội theo quy định của pháp luật. Cán bộ tư vấn pháp luật công đoàn từng bước đa dạng hoá và đổi mới hình thức tư vấn; chủ động nắm tình hình việc thực hiện chế độ, chính sách, những vấn đề bức xúc của người lao động. Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa CNVC-LÐ và chủ doanh nghiệp, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn phát sinh tranh chấp lao động, có biện pháp giải quyết ngay tại cơ sở./.
Hồng Phượng