Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế năm 2019, tử vong do bệnh tim mạch chiếm đến 39,5%; trong đó, bệnh mạch máu não (55,4%), bệnh tim thiếu máu cục bộ (32%), bệnh tim do tăng huyết áp (6,9%) và bệnh tim mạch khác (5,7%). Bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, cũng như tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, xu hướng tử vong do bệnh tim mạch đang ngày càng tăng, trong đó tử vong do bệnh mạch máu não chiếm tỷ lệ lớn nhất, với tỷ suất tử vong 127,3/100.000 dân (năm 2000) lên 164,9/100.000 dân hiện nay. Gánh nặng bệnh tật vẫn tiếp tục gia tăng, xu hướng trẻ hoá trong độ tuổi lao động… là những cảnh báo cho việc quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ tim mạch.
Người mắc tim mạch trong độ tuổi lao động ngày càng tăng. (Ảnh minh hoạ)
Bác sĩ Hồ Thanh Đảm, Trưởng Khoa Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, cho biết: “Hiện nay, người dân đã quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ, tuy nhiên kiến thức chủ động phòng ngừa bệnh tật nói chung, bệnh lý tim mạch nói riêng của đa số người dân còn thiếu. Nhiều người chưa hiểu rõ các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh cũng như việc điều chỉnh lối sống (ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, tập luyện, bỏ thuốc lá). Bên cạnh đó, việc khám sức khoẻ định kỳ cũng chưa được chú ý. Nhiều bệnh lý nền chưa được chẩn đoán và điều trị kiểm soát tốt như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì... dẫn đến các bệnh lý tim mạch ngày càng gia tăng. Thường các căn bệnh này chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đi thăm khám một căn bệnh khác.
Chủ động khám sức khoẻ định kỳ dự phòng và điều trị sớm các bệnh lý tim mạch.
Trước đây, bệnh lý tim mạch do xơ vữa thường gặp ở người lớn tuổi (nam từ 55 tuổi trở lên, nữ từ 65 tuổi trở lên). Tuy nhiên, hiện nay độ tuổi trung bình dễ mắc bệnh tim mạch có thể trước 50 tuổi, có những bệnh nhân nhồi máu cơ tim trước 30 tuổi. Người mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hoá có thể giải thích do chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý như lười vận động, lạm dụng rượu bia, hút thuốc ká, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật (thịt đỏ)... Tình trạng thừa cân, béo phì, thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống, ô nhiễm môi trường cũng dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch.
Gánh nặng bệnh tật bệnh tim mạch ngày càng tăng không chỉ trên số người cao tuổi mà còn ở độ tuổi người lao động và lực lượng lao động tiềm năng giảm năng suất. Điều này khiến gánh nặng chi phí chăm sóc y tế cho người cao tuổi ngày càng gia tăng, năng suất nền kinh tế bị ản hưởng trầm trọng nếu không có những chiến lược và giải pháp cấp bách để giải quyết những thách thức và nhu cầu chưa đáp ứng của người dân.
Hầu hết bệnh lý tim mạch đều có thể được can thiệp, quản lý tốt nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật của ngành Y.
“Hằng năm, ngành Y tế địa phương thực hiện các hoạt động truyền thông phòng chống bệnh không lây nhiễm trong đó có bệnh tim mạch tại cộng đồng dân cư như: tuyên truyền trực quan, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng dân cư, truyền thông tại trạm y tế. Các bệnh không lây nhiễm được đưa vào quản lý tại tuyến y tế cơ sở, người dân có thể đến trạm y tế để được tư vấn, quản lý sức khoẻ”, bác sĩ Đảm cho biết thêm.
Hiện nay, hầu hết bệnh lý tim mạch đều có thể được can thiệp, quản lý tốt nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật của ngành Y. Đặc biệt, bệnh tim mạch có thể phòng ngừa làm giảm nguy cơ mắc, giảm mức độ nặng một cách chủ động thông qua việc nâng cao nhận thức của người dân, duy trì thói quen tốt, khám sàng lọc, theo dõi sức khỏe định kỳ. Bằng việc không sử dụng thuốc lá, hạn chế thức ăn nhiều cholesterol, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế uống rượu bia, vận động thể lực mỗi ngày ít nhất 30 phút, tối thiểu 5 ngày mỗi tuần... là những cách hữu hiệu để dự phòng sớm các bệnh lý tim mạch, hạn chế nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch./.
Kim Hoài