Thực hiện yêu cầu của Thường trực HĐND tỉnh tại Báo cáo số 109/BC-HĐND ngày 29/6/2024 về việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá X, UBND tỉnh trả lời như sau:
Cử tri xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời phản ánh: Hiện nay cầu Rạch Ruộng hư hỏng, xuống cấp, độ thông thuyền thấp, không đảm bảo cho phương tiện của thương lái vào thu mua nông sản của người dân. Kiến nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cầu Rạch Ruộng trong thời gian tới.
Trả lời:
UBND tỉnh đã chỉ đạo lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư một số dự án trọng điểm của tỉnh, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026-2030; trong đó, có Dự án nâng cấp, mở rộng đường Tắc Thủ -Rạch Ráng - Sông Đốc, bao gồm cầu Rạch Ruộng. Theo đó, việc nghiên cứu tĩnh không thông thuyền cầu Rạch Ruộng phù hợp nhu cầu thực tế sẽ được xem xét trong quá trình lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. UBND tỉnh đề nghị Sở Giao thông vận tải lưu ý kiến nghị của cử tri, làm cơ sở tham mưu trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định đầu tư dự án ngay khi đủ điều kiện.
Cử tri xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, phản ánh: Hiện nay, trên địa bàn xã có 1 trạm cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư năm 2007, phục vụ cho 160 hộ dân, nhưng hiện nay đang xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.
Trả lời:
Do ngân sách địa phương còn khó khăn, UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ thực hiện đầu tư một số công trình cấp nước bức xúc, gọi chung là “Dự án cấp nước sạch sinh hoạt bức xúc khu vực nông thôn tỉnh Cà Mau”; trong đó, có công trình cấp nước khu vực xã Khánh Lộc. Trong thời gian chờ Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí, UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các công trình bức xúc và cân đối nguồn lực, báo cáo UBND tỉnh xem xét, trình cấp thẩm quyền quyết định đầu tư, nhằm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.
Một số cử tri Phường 2, TP Cà Mau kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm rà soát, đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường, nhất là khu vực trung tâm nội ô TP Cà Mau, nhằm chỉnh trang đô thị, đảm bảo sự đồng bộ, chống ngập úng, ô nhiễm môi trường… phấn đấu để TP Cà Mau sớm đạt tiêu chí đô thị loại 1.
Trả lời:
Ghi nhận kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đề nghị UBND TP Cà Mau tranh thủ các nguồn vốn, phân kỳ đầu tư, nâng cấp các tuyến đường, trong đó có các tuyến đường trên địa bàn Phường 2, từng bước hoàn thiện hạ tầng đô thị, đáp ứng tiêu chí đô thị loại 1.
Một số cử tri Phường 2 và xã Tân Thành, TP Cà Mau, phản ánh: Trên địa bàn TP Cà Mau còn nhiều diện tích đất trồng lúa, từ nhiều năm qua người dân sản xuất khônghiệu quả, khi chuyển đổi sang mục đích khác (như nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây lâu năm…) thì đạt hiệu quả cao, nhưng không được chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi, vì không phù hợp quy hoạch (cụ thể như diện tích 243,26 ha đất trồng lúa tại xã Tân Thành theo Quyết định số5127/QĐ-UBND ngày 01/11/2022 của Chủ tịch UBND TP Cà Mau“Phê duyệt kết quả xác định ranh giới, diện tích đất trồng lúa, đất trồng lúa nước cần bảo vệ, đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt”. Cử tri kiến nghị HĐND và UBND tỉnh tổ chức rà soát, đánh giá tính hiệu quả của cây trồng, vật nuôi ở các khu vực đất trồng lúa kém hiệu quả để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, tạo điều kiện cho bà con sản xuất, có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trả lời:
Theo hồ sơ Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của TP Cà Mau được UBND tỉnh phê duyệt, chỉ tiêu đất trồng lúa trong quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn TP Cà Mau đã đúng theo chỉ tiêu sử dụng đất đượcThủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau có một số khu vực trồng lúa kém hiệu quả, cần được chuyển mục đích sử dụng đất để đạt hiệu quả sản xuất.
Ghi nhận kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, TP Cà Mau rà soát, đánh giá, xác định diện tích đất trồng lúa kém hiệu quảcần chuyển mục đích sử dụng sang đất khác, làm cơ sở đề xuất UBND tỉnh trình cấp thẩm quyền phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Cử tri Phạm Văn Tính, ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, phản ánh: Ấp Tắc Thủ được thành lập sau khi ghép từ ấp Rạch Bần và một phần của Ấp 6, xã Hồ Thị Kỷ (năm 1991). Hiện tại ấp Tắc Thủcó diện tích 817,4 ha, dân số trên 5.000 người với 952 hộ đăng ký thường trú và hơn 400 hộ đăng ký tạm trú. Do dân cư đông và diện tích rộng, dự báo sau khi tuyến đường cao tốc Cần Thơ -Cà Mau hoàn thành khu vực này sẽ phát triển hơn nữa, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng xem xét đề nghị tách ấp, nhằm đảm bảo cho công tác quản lý của địa phương được thuận lợi, chặt chẽ hơn.
Trả lời:
Ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình hiện đang được tổ chức và hoạt động ổn định, công tác quản lý được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Ghi nhận kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp với UBND huyện Thới Bình rà soát, đánh giá và đề xuất cụ thể việc điều chỉnh, chia tách ấp Tắc Thủ, phù hợp với quy định, tình hình thực tế và yêu cầu công tác quản lý của địa phương trong thời gian tới.
Một số cử tri ấp Cây Sộp, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, phản ánh: Hiện nay, học sinh tiểu học được bố trí học 2 buổi/ngày, trong đó có những ngày buổi sáng chỉ có 2 tiết, buổi chiều cũng chỉ từ 2-3 tiết, gây khó khăn cho phụ huynh đưa đón con em, cũng như ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế gia đình và sức khoẻ của học sinh. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục - đào tạo và các địa phương nghiên cứu, xem xét bố trí cho học sinh tiểu học học 1 buổi/ngày, nếu chưa đủ tiết học thì bố trí học thêm vào một hay hai buổi chiều trong tuần. Đối với học sinh trung học cơ sở, đề nghị xem xét chuyển ngày học chính khoá thứ Bảy hằng tuần vào một buổi chiều ngày trong tuần, để thuận tiện trong việc đưa rước, sắp xếp công việc của phụ huynh và nghỉ ngơi của học sinh.
Trả lời:
Theo quy định, cấp tiểu học thực hiện dạy 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết, mỗi tiết học 35 phút; đối với cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy 2 buổi/ngày thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Riêng cấp trung học cơ sở, mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí không quá 5 tiết, mỗi tiết học 45 phút; đồng thời, khuyến khích các trường trung học cơ sở đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và học bán trú đã được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh tại Công văn số 10313/UBND-KGVXngày 21/12/2023. Ghi nhận kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các huyện, TP Cà Mau rà soát, hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh bố trí thời gian giảng dạy khoa học, phù hợp với tình hình thực tế và đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường và việc đưa đón con em của phụ huynh.
Một số cử tri huyện Thới Bình đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với hành vi trộm cắp tài sản. Vì hiện tại mức xử phạt đối với tội này còn khá nhẹ, thiếu tính răn đe, chưa làm cho các đối tượng trộm cắp lo sợ, nên tình hình trộm cắp tài sản có chiều hướng gia tăng, nhất là ở khu vực nông thôn, gây hoang mang trong Nhân dân.
Trả lời:
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cả nước nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng cơ bản ổn định. Tội phạm, vi phạm pháp luật về trộm cắp tài sản được kéo giảm so cùng kỳ. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi còn diễn biến khá phức tạp, nhất là tại địa bàn nông thôn, gây tâm lý lo lắng trong một bộ phận Nhân dân. Ghi nhận kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh rà soát, đánh giá và đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến xử phạt hành vi trộm cắp tài sản, đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung; đồng thời, tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng ngừa, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản.
Một số cử tri ấp Thị Tường A, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước (đại diện cho 32 tiểu thương buôn bán tại nhà lồng chợ Rau Dừa), phản ánh: Việc giá thuê mặt bằng tại chợ Rau Dừa quá cao, các tiểu thương có thể không có khả năng duy trì việc kinh doanh, mua bán trong thời gian tới, do lượng khách ngày càng giảm so với trước đây. Kiến nghị UBND tỉnh xem xét, giảm mức thuê mặt bằng để tạo điều kiện cho các tiểu thương kinh doanh mua bán.
Trả lời:
Ghi nhận kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ quy định tại Quyết định số11/2023/QĐ-UBND ngày 26/4/2023 của UBND tỉnh, làm cơ sở đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định, góp phần hỗ trợ các hộ tiểu thương duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Trên đây là nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khoá X. UBND tỉnh đề nghị quý đại biểu, các cấp chính quyền, đoàn thể khi tiếp xúc cử tri có thông báo, giải thích thêm để cử tri được biết và yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các nội dung được chỉ đạo nêu trên.
Thùy Trâm tổng hợp