Trên địa bàn huyện Ngọc Hiển hiện có 25 sản phẩm OCOP 3 sao, 1 sản phẩm OCOP 4 sao. Các sản phẩm được chủ thể đa dạng phương thức quảng bá qua nhiều kênh phân phối giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm, chọn mua, qua đó góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Những năm qua, Hợp tác xã (HTX) Tân Phát Lợi, xã Tân Ân Tây chú trọng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử của Liên minh HTX, ngành công thương, website của HTX; đăng tải sản phẩm trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tiktok để mở rộng đối tượng khách hàng, tìm kiếm đối tác, thị trường kinh doanh. Những sản phẩm đăng tải luôn được HTX chú trọng về hình ảnh; nội dung bài viết chi tiết, cụ thể để thu hút khách hàng.
Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc HTX, cho biết: “Trong năm qua, HTX khá tích cực trong việc đăng tải hình ảnh, quảng bá sản phẩm qua mạng. Khách hàng, đơn vị đối tác ở TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, rồi Quảng Nam, Quảng Ngãi... biết đến mình từ các sàn thương mại điện tử hoặc Zalo, Facebook. Người ta chỉ cần gõ tìm kiếm “đặc sản Cà Mau” thì sẽ nổi lên thông tin về HTX với các sản phẩm: tôm khô, bánh phồng tôm, bánh phồng cua, bánh phồng nghêu..., khách hàng có thể dễ dàng mua hàng và được giao hàng đến tận nơi”.
Bà Phan Thị Chuyển, xã Tân Ân Tây đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua hệ thống mạng xã hội.
Theo các chủ thể OCOP, hiệu quả bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội tăng từ 15-30%, điều này rút ngắn khoảng cách giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Ðưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử là phương thức bán hàng mới, đòi hỏi các chủ thể OCOP phải có kiến thức, kỹ năng về quảng bá hình ảnh để sản phẩm trông bắt mắt, thu hút người tiêu dùng, cũng như kiến thức về công nghệ thông tin, tài chính số, giao dịch điện tử. Huyện Ngọc Hiển đang đẩy mạnh tuyên truyền đến các chủ thể OCOP, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh chuyển đổi số vào việc bán hàng, làm quen với các thao tác trên môi trường điện tử để họ thích ứng với việc bán hàng trực tuyến.
Bà Võ Thị Ðào, ấp Ông Trang, xã Viên An, chia sẻ: “Cơ sở của tôi có sản phẩm lịch củ và ba khía muối nước mắm, cũng mới phát triển gần đây. Bản thân có quảng bá sản phẩm qua trang Zalo, Facebook cá nhân, bán hàng trực tuyến doanh thu khá cao vì được nhiều người biết đến, sức bán tăng”.
“Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua kênh Facebook, Zalo... rất quan trọng. Trước đây, tôi bán hàng qua kênh truyền thống, mỗi tháng khách hàng đặt chưa đến 300 kg, nhưng nay nhờ quảng bá, giới thiệu, đơn khách hàng đặt tăng mạnh, mỗi tháng tiêu thụ hơn 1 tấn sản phẩm các loại như: ba khía muối, tôm khô, khô cá thòi lòi, khô cá kèo...”, bà Nguyễn Hồng Ðạm, Chủ cơ sở sản xuất Châu Sang, Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, chia sẻ.
Mỗi tháng, bà Nguyễn Hồng Ðạm tiêu thụ hơn 1 tấn sản phẩm các loại, nhờ bán hàng qua mạng xã hội.
Ông Lê Chí Thắng, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện, cho biết: “Chúng tôi sẽ làm việc với các nhà mạng để rà soát, nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, tạo thuận lợi cho các cơ sở giao dịch trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong việc tư vấn, đăng tải bán hàng trên môi trường mạng, chọn các kênh chính thống và đăng tải thông tin hợp lý, đảm bảo tính quy định của pháp luật”.
Có thể thấy, việc chuyển từ bán hàng truyền thống sang bán hàng trực tuyến giúp tăng tính trải nghiệm cho khách hàng thông qua các giải pháp công nghệ thông tin, là một khía cạnh của kinh tế số, chuyển đổi số. Ðây là xu hướng tất yếu và cũng là cơ hội để các chủ thể OCOP có thể nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng tầm cho sản phẩm của địa phương./.
Hồng My - Chí Hiểu