(CMO) Cùng với tất cả các ngư cụ, các vật dụng cần thiết khác cho chuyến ra biển đánh bắt cá cơm, chiếc áo phao, can dầu được ông Hai Khâm nhanh chóng và cẩn thận cho vào hộc đựng. "Giờ đây, nó là vật bất ly thân khi ra biển”, ông Hai Khâm chia sẻ.
Chủ động mọi tình huống
Hơn 40 năm gắn bó với biển, ông Hai Khâm (Trần Thiện Khâm, Ấp 7, xã Khánh Tiến, huyện U Minh) đã từng chứng kiến và trải qua nhiều sự khắc nghiệt đến từ biển cả. Dù đã qua lâu nhưng cơn bão số 5 (Linda năm 1997) vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với ông và gia đình. “Phải khai thác ven bờ bằng phương tiện nhỏ như thế này cũng là do hậu quả của cơn bão số 5”, ông Hai tâm tình.
Theo lời kể của ông, trước đây gia đình có 2 tàu khai thác công suất hơn 200 CV. Bão số 5, tàu bị chìm trên biển, gia đình gần như không còn gì. Ông Hai Khâm kể tiếp: “Sau bão một phần không còn khả năng đóng mới phương tiện, phần do bị ám ảnh nên bỏ nghề chuyển sang đi mua bán cá đồng”.
Kinh doanh trên bờ cũng được gần 10 năm, lại thấy nhớ biển nên ông tiếp tục gắn bó với biển tại vàm Hương Mai. Tuy nhiên, lần trở lại này không phải là tàu lớn như trước mà chỉ là chiếc vỏ máy khai thác cá cơm gần bờ để phục vụ nghề làm nước mắm của gia đình. “Dù chỉ khai thác cách bờ chưa đầy 1 km, nhưng mỗi khi ra phải trang bị đầy đủ từ áo phao cho đến phao tròn và thêm một vài cái can để phòng bị”, ông Hai cho biết.
Cá cơm là loại thuỷ sản được ông Hai Khâm, khai thác để phục vụ nghề làm nước mắm của gia đình. |
Lấy phòng ngừa làm trọng tâm
Vàm Hương Mai là 1 trong 4 cống thông ra biển trên địa bàn xã Khánh Tiến. Tại đây đa phần ngư dân sống bằng nghề khai thác gần bờ, hiện có khoảng 130 phương tiện khai thác xa bờ, hơn 350 phương tiện là vỏ máy khai thác ven bờ theo kiểu sáng ra, chiều vào.
Ngoài vàm Hương Mai, người dân Khánh Tiến còn khai thác tại vàm Tiểu Dừa, Rạch Dinh và Lung Ranh. Ðây là những nơi được đánh giá là đáng lo ngại nếu xảy ra tình huống có bão vào đất liền.
Là địa bàn có đến hơn 31 km ven biển nên U Minh là huyện đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của các loại hình thiên tai, nhất là bão và áp thấp nhiệt đới. (Ảnh: Vàm Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến chủ yếu là phương tiện khai thác nhỏ hoạt động). |
Theo ông Phạm Văn Út, Chủ tịch UBND xã Khánh Tiến, xã đã thành lập được đội tàu sản xuất an toàn, đội tàu cứu hộ. Theo đó, khi có tình huống xảy ra, xã có thể huy động khoảng 15 phương tiện tham gia cứu hộ cứu nạn trên biển.
"Xã xây dựng được đội phản ứng nhanh với 25 thành viên, cùng nhiều lực lượng khác có thể huy động bất cứ lúc nào khi có thiên tai xảy ra. Các điểm di dời dân, nhất là 3 điểm trường, cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp".
Là huyện ven biển, với chiều dài bờ biển hơn 31 km, U Minh được đánh giá là đang hứng chịu tác động của tất cả các loại hình thiên tai. Không chỉ có mưa bão, áp thấp nhiệt đới trong mùa mưa, huyện còn phải chịu ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún, nguy cơ cháy rừng… vào mùa khô.
Chính vì vậy, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn luôn được huyện triển khai chủ động và thường xuyên nhằm ứng phó kịp thời các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân.
Ông Ðỗ Thanh Dân, Phó trưởng phòng NN&PTNT, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện U Minh, cho biết, huyện luôn lấy phòng ngừa làm trọng tâm và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Theo đó, giải pháp trọng tâm là tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai đến từng người dân để nâng cao nhận thức, sự tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân hướng tới mục tiêu quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Ngay từ đầu năm, ngoài chủ động xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, huyện còn tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và gia cố các công trình phòng, chống ngập lụt, cống ngăn triều, bờ bao kết hợp giao thông, tiêu thoát nước; tổ chức nạo vét, khai thông hệ thống kênh, mương, cống tiêu thoát nước.
"Ðặc biệt là kiểm tra, rà soát, xác định bổ sung các khu vực xung yếu cần phải sơ tán, di dời, các địa điểm kiên cố để tiếp nhận số dân được dự kiến sẽ sơ tán, di dời đến tạm cư trong thời gian xảy ra sự cố thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Tăng cường kiểm tra, rà soát đê bao, bờ bao, cống, đập để kịp thời phát hiện, tu sửa, gia cố những vị trí xung yếu, xuống cấp", ông Dân cho biết thêm.
Chủ động trong phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả là nguyên tắc của huyện U Minh trong công tác phòng, chống thiên tai. Trong đó, giải pháp quan trọng mà huyện đang tập trung triển khai thực hiện là huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị để triển khai có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; bảo vệ sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn./.
Nguyễn Phú