ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-6-25 06:01:15
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ứng phó thiên tai, hiệu quả nhất là chủ động

Báo Cà Mau (CMO) Thiên tai sẽ tập trung cao điểm trong tháng 10, tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2021, đó là nhận định xu thế diễn biến thiên tai của Tổng cục Khí tượng thuỷ văn trong năm 2021 này. Trong khoảng thời gian này, nguy cơ bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập úng... có thể xảy ra liên tiếp.

Đợt mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường trong những ngày qua là một lời cảnh báo nguy cơ thiệt hại của thiên tai từ đây đến cuối năm nếu không có sự chủ động và giải pháp ứng phó kịp thời.

Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án gia cố đê biển Tây để bảo vệ người dân và vùng sản xuất bên trong.

Thiệt hại do mưa và triều cường

Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đợt mưa lớn kéo dài, kết hợp triều cường vừa qua đã làm ngập trên 3.500 ha lúa đông xuân tại huyện Trần Văn Thời. Trong đó, có trên 300 ha bị thiệt hại; ngoài ra, có 1.572 ha lúa chưa xuống giống được, dù đã ngâm giống.

Gia đình ông Trần Văn Hiển, Ấp 9, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời, là một trong những hộ bị ảnh hưởng trong đợt mưa lớn kết hợp với triều cường vừa qua.

Nhìn ruộng lúa mênh mông nước, ông Hiển thở dài: "Ðã đặt máy bơm 3 ngày rồi, nước vừa cạn, mưa lại châm thêm. Những năm gần đây làm lúa vất vả lắm, chi phí từ lúa giống, phân bón cho đến làm đất… đều tăng, giờ lại tốn thêm xăng, dầu bơm tát nước".

Không riêng huyện Trần Văn Thời, đợt mưa lớn kết hợp với triều cường vừa qua khiến nhiều vùng trên địa bàn tỉnh bị ngập. Theo đó, nhiều diện tích nuôi tôm của người dân tại các huyện ven biển, như Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, Phú Tân, Năm Căn bị tràn bờ, một số hộ bị vỡ bờ bao.

Trước diễn biến đó, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 7347/UBND-NNTN về tăng cường kiểm tra, hướng dẫn khắc phục thiệt hại do mưa lớn, triều cường gây ra. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau khẩn trương xuống địa bàn khảo sát, chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp khắc phục. Ðồng thời, thống kê diện tích bị thiệt hại để kịp thời hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, nếu đủ điều kiện theo quy định.

Chủ động các giải pháp ứng phó

Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực rất dễ bị tổn thương khi có thiên tai, thời tiết bất thường. Thực tế này đã được bộc lộ qua nhiều vụ mùa trong những năm gần đây. Gần nhất là đợt hạn hán, thiên tai trong năm 2020 với hàng chục ngàn héc-ta từ lúa, hoa màu, tôm nuôi cho đến rừng đều bị thiệt hại nặng nề.

Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định, để đạt được những chỉ tiêu của ngành đến cuối năm, công tác phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Bởi, theo dự báo, từ đây đến cuối năm có đến khoảng 5 cơn bão, trong đó 1-2 cơn có khả năng ảnh hưởng đến khu vực đất liền phía Nam. Do đó, sở đang cùng với chính quyền địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại.

Trước đó, ngày 11/10, UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn 6404/UBND-NNTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm 2021.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện và TP Cà Mau theo dõi chặt chẽ thông tin, bản tin dự báo thời tiết, thiên tai của cơ quan chức năng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời. Chuẩn bị, sẵn sàng triển khai kế hoạch, phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai. Thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ hộ dân khắc phục thiệt hại sau thiên tai.

Ðặc biệt, Sở NN&PTNT, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát, phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất phù hợp lịch mùa vụ và diễn biến thời tiết, thiên tai. Vận động, hướng dẫn Nhân dân gia cố bờ bao, khuôn hộ bảo vệ sản xuất. Hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng neo đậu tàu thuyền tránh, trú an toàn; đảm bảo an toàn đối với lồng bè nuôi thuỷ sản tại các khu vực ven biển, đảo.

Ðồng thời, tăng cường kiểm tra các tuyến đê biển, đê sông, các khu vực xung yếu, qua đó kịp thời phát hiện, khắc phục hư hỏng, đảm bảo phục vụ tốt công tác phòng, chống thiên tai khi có tình huống xảy ra.

Song song đó, rà soát, trang bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, nhất là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có kế hoạch hoặc phương án phối hợp bố trí lực lượng, phương tiện tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự và giúp dân khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai xảy ra. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu cá ra, vào cửa biển; kiên quyết không cho ra biển hoạt động đối với các trường hợp tàu cá không đảm bảo thiết bị an toàn, thông tin liên lạc, trễ hạn đăng ký, đăng kiểm, thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng, chứng chỉ theo quy định...

Trước những diễn biến cực đoan của thời tiết, thiên tai đã qua cũng như theo dự báo tới, thì giải pháp hiệu quả nhất chính là tính chủ động. Chủ động từ kế hoạch, phương án cho đến lực lượng, trang thiết bị, con người; nhất là sự chủ động của chính người dân là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại./.

 

Nguyễn Phú

 

Liên kết hữu ích

Chủ động các giải pháp bảo vệ sản xuất

Những ngày qua, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa nhiều đã ảnh hưởng đến một số diện tích lúa hè thu và khu vực nuôi thuỷ sản. Hiện nay, nhiều nơi người dân đang chủ động triển khai các giải pháp để bảo vệ sản xuất, tránh thiệt hại.

Giảm thiệt hại nhờ chủ động phòng ngừa

Trước tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng trở nên cực đoan, mưa dông, lốc xoáy có thể xảy ra bất cứ lúc nào, làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhà ở của người dân trên địa bàn, nhất là trong những tháng đầu mùa mưa. Nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống thiên tai (PCTT) theo phương châm “4 tại chỗ” đã giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động chằng, chống, từ đó, số lượng căn nhà bị thiệt hại do mưa dông, lốc xoáy giảm dần qua từng năm.

Nỗi lo mùa sạt lở

Mỗi năm cứ bước vào mùa mưa bão, người dân tại các khu vực ven sông, ven biển lại nơm nớp nỗi lo sạt lở gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản, đe doạ đến tính mạng.

Chủ động trong phòng, chống thiên tai

Mưa bão ngày càng phức tạp, khó lường, các hiện tượng thời tiết, nhất là dông, lốc xoáy, triều cường, nước biển dâng... xảy ra ngày càng nhiều hơn, phạm vi ảnh hưởng lớn hơn, nguy hiểm hơn... Thực tế này buộc công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai phải luôn trong tâm thế chủ động, quyết liệt, kịp thời và phù hợp thực tế.

Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong công tác phòng, chống thiên tai

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đối với các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, TP Cà Mau tại văn bản chỉ đạo số 4474/UBND-NNXD ngày 30/5/2025.  

Chủ động trước mùa mưa bão

Với phương châm hiệu quả, sát với tình hình thực tế trong từng tình huống, các ngành và chính quyền các cấp trong tỉnh chủ động triển khai biện pháp ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão năm nay.

Giải pháp bảo vệ lúa hè thu

Lúa gạo được xác định là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh, với diện tích gieo trồng hằng năm trên 110.000 ha và sản lượng lúa khoảng 500.000 tấn. Là 1 trong 2 mùa vụ chính, vụ lúa hè thu hằng năm toàn tỉnh gieo sạ khoảng 35.000 ha, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh. Tuy nhiên, đây cũng là vụ lúa phải đối diện với nhiều rủi ro từ thiên tai, nhất là tình trạng mưa lớn, kèm dông gây đổ ngã và ngập úng.

Chủ động ứng phó thời tiết bất thường

Hiện nay, nhiều nơi trong tỉnh bắt đầu xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, báo hiệu sự chuyển giao giữa mùa khô và mùa mưa. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất vào thời điểm này là thời tiết thường diễn biến phức tạp, dông, lốc, sét, gió giật mạnh thường xuyên xảy ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Không để bị động, bất ngờ trước thiên tai

Thời điểm chuyển mùa, nhiều khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết bất thường như: mưa dông kèm gió giật mạnh, lốc xoáy, sét, mưa lớn cục bộ, mưa đá, sóng to và gió mạnh trên biển… Những hiện tượng thời tiết này thường xảy ra rất nhanh, trong thời gian ngắn, khó có thể dự báo xa, nên vô cùng nguy hiểm.

Cần nguồn lực nạo vét cửa biển

Khai thác, đánh bắt thuỷ sản là nghề truyền thống đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng nhiều cửa biển đang bị bồi lắng đã gây ra không ít khó khăn cho ngư dân và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trong mùa mưa bão.