(CMO) Cà Mau là tỉnh có hệ thống sông ngòi chằng chịt, với hơn 10.000 km. Biến đổi khí hậu đang từng ngày ảnh hướng đến sản xuất và đời sống người dân. Mặc dù tỉnh Cà Mau có nhiều giải pháp về công trình và phi công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu, song, nhiều địa phương vẫn đang gặp khó khăn về kinh phí.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết: "Mỗi năm, từ nguồn vốn thuỷ lợi phí, tỉnh Cà Mau chỉ được đầu tư khoảng 150 tỷ đồng để nạo vét các công trình thuỷ lợi; nâng cấp các công trình bờ bao ngăn mặn, chống tràn là quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu bảo vệ sản xuất của người dân. Mặc dù những ngày qua triều cường chưa làm ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, nhưng khả năng thiệt hại về sau rất lớn".
![]() |
Người dân xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời gia cố bờ bao phòng ngừa sự cố có thể xảy ra khi triều cường xuất hiện. |
![]() |
Người dân gia cố, nâng cấp bờ bao để chống ngập tại Ấp 11, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. |
![]() |
Hiện nay, mực nước đang trong tình trạng báo động III. (Ảnh chụp tại ấp Phòng Hộ, xã Đất Mới, huyện Năm Căn). |
![]() |
Mưa lớn kết hợp thuỷ triều dâng cao gây ngập một số tuyến đường trong nội ô TP Cà Mau. (Ảnh chụp tại Khóm 8, Phường 8, TP Cà Mau). |
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn tỉnh, trong các ngày từ 21-26/10 sẽ xuất hiện đợt triều cường mới, đỉnh triều cường ở cấp độ báo động III. Càng về cuối năm, các đợt triều cường càng mạnh và tăng dần.
Tại huyện Ngọc Hiển, nơi triều cường ảnh hưởng nặng nề nhất, Chủ tịch UBND huyện Lý Hoàng Tiến cho biết: "Những năm gần đây, tình trạng nước dâng không còn theo quy luật, mỗi năm tăng khoảng 0,2 cm, mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Bình quân mỗi năm, Ngọc Hiển có trên 10 đợt triều cường dâng cao. Đỉnh điểm là những tháng cuối năm, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, nhiều công trình lộ nông thôn bị hư hỏng. Nước dâng còn ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và đời sống của bà con Nhân dân trên địa bàn"./.
Vũ Trân