Tình trạng triều cường, ngập úng... làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân đã tồn tại thời gian dài ở TP Mau. Hiện nay, ngành chuyên môn đã đề ra nhiều giải pháp ứng phó trước mắt.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa lớn, triều cường đã làm một số tuyến đường trên địa bàn TP Cà Mau bị ngập. Những tuyến này chủ yếu còn thấp, chưa được nâng cấp, tập trung nhiều ở địa bàn Phường 2, như các đường: Ðề Thám, Phan Chu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu...
Trên địa bàn Phường 2 có hơn 800 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tình trạng nước ngập ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động này và mất vẻ mỹ quan đô thị. Ông Trần Văn Dũng, một hộ dân sống trên đường Ðề Thám, cho biết: “Tuyến này bị ngập thường xuyên, bốc mùi hôi thối, khó chịu. Có ngày mưa, rồi triều cường, nước ngập lên đến vỉa hè, việc buôn bán ở đây bị ảnh hưởng, vì không ai muốn đi xuống nước vào mua đồ”.
Tuyến đường Ðề Thám, Phường 2, TP Cà Mau bị ngập sâu trong thời gian dài.
Nguyên nhân triều cường, ngập nước do hệ thống cửa xả đã xuống cấp, cộng thêm hệ thống thoát nước bị sụp lún, hư hỏng. Ông Lê Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND Phường 2, cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất HÐND tỉnh khắc phục tình trạng này nhưng chưa thể thực hiện vì còn vướng kinh phí. Trước mắt, UBND phường lắp các biển báo tạm tại những điểm nóng (ngập sâu, gần cống thoát nước) để giảm thiểu tai nạn giao thông. Ðồng thời, kiến nghị thành phố nâng cấp những tuyến đường trọng yếu trước, đặc biệt là tuyến Ðề Thám, Phan Chu Trinh, tuyến đầu đường Lê Lai giáp với đường Ngô Quyền”.
Phấn đấu xây dựng đô thị loại 1, thời điểm này thành phố đang khẩn trương phối hợp với Sở Xây dựng rà soát các tiêu chí; những tiêu chí nào còn thấp, sẽ phân công các ngành có liên quan thực hiện. Ông Bùi Tứ Hải, Phó chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi đang tập trung kiến nghị tỉnh nâng cấp tuyến đường Vành Ðai 2, tuyến đường Vành Ðai 1 (Tạ Uyên) và một số khu vực còn ngập, hạ tầng thấp, dễ ngập vào mùa mưa. Rà soát lại những tuyến đường xuống cấp để bố trí ưu tiên đầu tư, từng bước cải thiện việc ngập úng khi có mưa, triều cường”.
TP Cà Mau có hơn 10 trạm bơm ở các xã Lý Văn Lâm, An Xuyên… đang hoạt động tốt, đảm bảo cho sản xuất của bà con, tránh bị ngập khi mưa lớn kéo dài.
Ở các xã vùng ven của TP Cà Mau, đặc biệt là những khu vực trồng lúa, các trạm bơm luôn vận hành, đảm bảo việc sản xuất của bà con trong thời điểm mưa lớn. Tại Ấp 6, xã An Xuyên, nơi có hơn 200 ha trồng lúa 2 vụ, hiện đang có 4 trạm bơm. Nhờ chủ động việc bơm tát nước mà bà con không bị thiệt hại trong khâu thu hoạch. Ông Trần Văn Kiệt, Trưởng ấp 6, xã An Xuyên, chia sẻ: “Cách đây 3, 4 năm đã có trạm bơm, gần đây bị hư, giờ thì đã sửa sang lại, vì vậy bà con thuận lợi trong sản xuất, đất ruộng không bị ngập úng. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, thay nhớt, bảo quản để máy không bị gỉ sét, xài được lâu dài".
Ông Trần Văn Kiệt, Trưởng Ấp 6, xã An Xuyên, vận hành trạm bơm để điều tiết nước cho bà con trồng lúa.
Ông Thái Văn Tính, Phó trưởng phòng Kinh tế, cho biết: “Trong những thời điểm mưa lớn kéo dài, Phòng đã phối hợp với các xã có sản xuất lúa chỉ đạo các trạm bơm vận hành. Những nơi không có trạm bơm thì tháo dỡ các cống để khai thông cho nước chảy. Vụ hè thu năm nay, nông dân thành phố không bị thiệt hại nhiều”. Riêng vụ lúa - tôm thì hiện bà con đang rửa mặn, chuẩn bị xuống giống dứt điểm trong tháng 9 này.
Theo Phòng Kinh tế TP Cà Mau, năm nay, theo dự báo của Ðài Khí tượng thuỷ văn, tình hình thời tiết rất bất thường, hiện tượng El Nino có thể xảy ra. Từ đó, phòng đã phối hợp với ngành nông nghiệp, triển khai lịch thời vụ năm 2023, phối hợp với xã tuyên truyền cho bà con nắm để sản xuất lúa đạt hiệu quả cao nhất./.
Nhật Minh