(CMO) Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh liên quan đến Quy hoạch lâm nghiệp tỉnh trong Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh. Làm việc với đoàn có ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Trần Văn Thức, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện còn 4 công trình, dự án chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, gồm: dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn 7,5 km (từ km 51+200 đến km 58+700) đoạn Năm Căn - Đất Mũi, dự án có tổng diện tích 12,23 ha; dự án công trình chiến đấu (trận địa pháo 85 mm và đường cơ động) trên đảo Hòn Khoai, do Bộ Tư lệnh Quân khu 9 làm chủ đầu tư, dự án có tổng diện tích 5,72 ha; dự án xây dựng công trình Biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi, có diện tích 16.080 m2 thuộc phân khu hành chính, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và công trình đường giao thông từ khu trung tâm Công viên Văn hóa du lịch Mũi Cà Mau đấu nối vào đường giao thông qua các hộ làm du lịch công đồng có diện tích 0,93 ha.
Nhìn chung, với các công trình, dự án này, UBND tỉnh Cà Mau đã có các văn bản trình Bộ NN&PTNT về việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được Bộ NN&PTNT xem xét. Hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và đã thực hiện hoàn thành công tác trồng rừng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan làm việc cùng đoàn công tác Tổng cục Lâm nghiệp. |
Đối với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, đã hoàn thành dự thảo, đóng góp ý kiến dự thảo lần 1 và đang rà soát cung cấp số liệu cho đơn vị tư vấn và đóng góp ý kiến dự thảo phương án lần 2.
Theo quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp đến năm 2030, tổng diện tích là 127.809 ha, trong đó diện tích có rừng 94.378 ha, bao gồm đất rừng phòng hộ 30.922 ha (có rừng 22,332 ha), đất rừng đặc dụng 19.074 ha (có rừng 18.702 ha), đất rừng sản xuất 77.813 ha (có rừng 53.354 ha). Qua đó cho thấy, tổng diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2030 giảm 15.580 ha so với thống kê đất đai năm 2000.
Lý do giảm đất lâm nghiệp: xây dựng các công trình, dự án xây dựng hạ tầng, các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của đại phương; chuyển đổi sản xuất sang nuôi trồng thuỷ sản do đất đã bị xâm nhập mặn, qua nhiều năm trồng rừng không hiệu quả ở khu vực U Minh Hạ, đất gò cao ven sông, rạch, đất trảng sâu… không có khả năng khôi phục rừng.
Cà Mau luôn đặc biệt quan tâm công tác bảo vệ rừng, nhất là vào thời điểm mùa khô như hiện nay. Ảnh: Lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra mức độ khô hạn trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ tại khu vực liên Tiểu khu 1. Ảnh: Huỳnh Lâm |
Từ những khó khăn trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề xuất Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thống nhất các hồ sơ, thủ tục cho cả đất và rừng. Bởi Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Luật Đất đai năm 2013 chưa đồng bộ, thống nhất trong quy định về chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng. Vì vậy, khi thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án ở địa phương gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian do phải thực hiện 2 bộ hồ sơ riêng về đất và rừng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh đồng thời mong muốn đoàn công tác của Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ những khó khăn của tỉnh và có gợi mở trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, rừng trong các công trình, dự án còn tồn đọng chưa được Bộ NN&PTNT và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chia sẻ những khó khăn của Cà Mau trong công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị đề nghị tỉnh sớm thực hiện hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời xây dựng dự án năng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng, ưu tiên sử dụng các tiến bộ khoa học công nghệ cao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đặc biệt, tỉnh cần có báo cáo cụ thể, tính hiệu quả của các dự án chuyển đổi đất rừng trong thời gian qua và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030; phải thống nhất bộ số liệu về diện tích rừng đặc dụng, rừng sản xuất, rừng phòng hộ và nhiều nội dung liên quan đến văn bản pháp luật về rừng, đất rừng./.
Trung Đỉnh