Văn hoá tín ngưỡng từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Cà Mau. Tỉnh có nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá tín ngưỡng địa phương được tổ chức hằng năm như: Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc, Lễ tế Thần Nông, Lễ vía Bà Thiên Hậu... Không chỉ là nơi gửi gắm tâm linh của người lớn tuổi, các lễ hội này còn thu hút đông đảo các bạn trẻ tham dự.
- Công bố Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia lễ hội “Vía bà Thủy Long”, Thanh Tùng
- Gìn giữ nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer
- Sôi nổi hội thao mừng 100 năm Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc
Dù có nhiều hình thức giải trí mới xuất hiện mỗi ngày, hay công nghệ đổi mới liên tục, với vô số trò game thú vị nhưng các bạn trẻ vẫn dành tình yêu và sự ngưỡng vọng riêng cho văn hoá quê hương. Bởi khi được sống, được trải nghiệm, được chiêm ngưỡng... các lễ hội hằng năm, các bạn càng vun đắp thêm niềm tự hào với văn hoá truyền thống quê nhà.
Bạn Phạm Chí Lĩnh, Lớp 10C4, Trường THPT Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời), chia sẻ: “Từ nhỏ em đã được cha mẹ đưa đi dự Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc. Trước đây chỉ thấy vui nhộn vì người đông, cờ hoa tưng bừng. Càng lớn, em càng tò mò và mong muốn tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân quê mình. Em thích nhất là điểm nhấn của lễ hội với chiếc thuyền rước cá Ông tiến ra biển, theo sau là thuyền cờ trống, múa lân rộn ràng... Một trong những hoạt động hấp dẫn nhất của lễ hội là các trò chơi dân gian thú vị như múa kiếm, kéo co... Em cũng như các bạn trẻ bây giờ sống đầy đủ và hiện đại nên khó thể tưởng tượng được ngày xưa ở vùng đất này, cha ông mình đã làm gì, sinh hoạt ra sao. Em nghĩ, những lễ hội văn hoá này của quê hương là niềm tự hào, phải được lưu giữ”.
Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức hằng năm tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời với nhiều nghi thức cổ xưa.
Bạn Ðỗ Duy Bảo, Lớp 10C3, Trường THPT Sông Ðốc, chia sẻ: “Văn hoá tín ngưỡng mang vẻ đẹp truyền thống. Các lễ hội giúp em có thêm kiến thức về quê hương mình. Ngoài Lễ hội Nghinh Ông, một số lễ hội khác em được dự và rất ấn tượng là Lễ tế Thần Nông, Lễ hội vía Bà Thiên Hậu... Riêng lễ vía tại chùa Bà Thiên Hậu của cộng đồng người Hoa, nghi lễ khoác áo cho Bà, múa đón Bà... rất mãn nhãn. Em có quay clip vài nghi thức cúng bái và chia sẻ lên trang cá nhân, nhiều bạn bè, cô chú ở ngoài tỉnh xem clip cũng bày tỏ sự yêu thích đối với văn hoá tín ngưỡng của Cà Mau”.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại với sự giao thoa văn hoá mạnh mẽ giữa các quốc gia, vai trò của tuổi trẻ trong bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nhiều bạn trẻ đã cùng bạn bè, gia đình đến dự Lễ hội Nghinh Ông.
Gặp gỡ em Trần Anh Thơ, quê Cà Mau, sinh viên Ðại học Văn Lang TP Hồ Chí Minh khi về dự Lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc, Thơ chia sẻ: “Những ngày nghỉ em đều về quê, may mắn lần nào cũng được tham gia các lễ hội tại quê mình. Em thấy mỗi năm các lễ hội có sự đầu tư công phu hơn, nhưng cái chất truyền thống vẫn giữ được và các nghi lễ vẫn tạo được sức hút với mọi người. Vì học môn Quan hệ công chúng và say mê chụp ảnh nên em tự làm clip trên TikTok để giới thiệu về các lễ hội văn hoá tín ngưỡng ở Cà Mau mình, nhận được sự phản hồi tích cực của mọi người. Em sẽ tiếp tục thực hiện các clip, làm sâu hơn về các câu chuyện văn hoá trong các lễ hội, vừa giúp bản thân có thêm kiến thức, vừa tạo được điểm nhấn cho kênh của mình”.
Lướt một vòng các mạng xã hội như: YouTube, TikTok, Facebook... có thể thấy hàng loạt người dùng trẻ tại Cà Mau chính là chủ nhân của những clip triệu view với nội dung về lễ hội, văn hoá tín ngưỡng của quê nhà. Ðiều này đồng nghĩa với việc, thế hệ trẻ ngày nay đã biết yêu văn hoá theo cách sáng tạo, hợp thời đại. Việc ứng dụng công nghệ trong việc lưu giữ văn hoá dân tộc, sáng tạo các sản phẩm văn hoá mới, mang đậm dấu ấn dân tộc là cần thiết. Thậm chí, một vài bạn có năng khiếu nghệ thuật còn tự sáng tác nhạc, làm phim ngắn... để tạo ra những giá trị mới mẻ, hấp dẫn mà vẫn giữ được cốt lõi bản sắc văn hoá.
Lễ vía Bà Thiên Hậu (Phường 2, TP Cà Mau) diễn ra hoành tráng và thu hút nhiều người dân đến dự.
Sản phẩm văn hoá ngoại lai đôi khi tạo ra sự lôi cuốn khiến giới trẻ dễ dàng quên đi những giá trị văn hoá dân tộc, thế nhưng, các bạn trẻ bằng tình yêu quê hương đã tiếp nhận, tự thẩm thấu trong tâm hồn mình, lấy giá trị văn hoá truyền thống làm hành trang để trưởng thành. Khác với thế hệ cha ông, cách gìn giữ và bảo tồn những báu vật văn hoá ấy của giới trẻ chính là sự sáng tạo, đổi mới không ngừng và tầm nhìn chiến lược để quảng bá văn hoá kết hợp đưa du lịch phát triển hơn.
Hồng Thắm