Năm 2025, tình hình bệnh dại trên cả nước diễn biến phức tạp. Đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 40 trường hợp nghi dại tại 19 tỉnh, thành phố và các trường hợp tử vong do bệnh dại. Riêng tại Cà Mau, ngành chức năng xác nhận một ổ dịch dại trên đàn chó và một trường hợp tử vong do không tiêm phòng sau khi bị chó cắn. Trước nguy cơ đó, ngành y tế đã tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại.
- Không để bệnh dại lây lan
- Bộ Y tế khuyến cáo biện pháp phòng bệnh dại
- Không để bệnh dại bùng phát diện rộng
Ca tử vong do bệnh dại ở Cà Mau xảy ra tại khu vực Năm Căn. Qua điều tra, con chó gây bệnh chưa được tiêm phòng bệnh dại và trường hợp tử vong này cũng không tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Thực tế này cho thấy còn một bộ phận người dân vẫn chủ quan, không thực hiện tốt công tác phòng bệnh dại cả trên đàn chó lẫn trên người.
Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trạm Y tế cùng với cán bộ Thú y, chính quyền địa phương đến phun hóa chất khử khuẩn để xử lý ổ dịch, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh và lấy mẫu đàn chó gửi xét nghiệm.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó nuôi tại hộ dân.
Hiện nay, tại vùng nông thôn, tình trạng nuôi chó, mèo thả rông, không tiêm phòng vắc-xin phòng dại vẫn khá phổ biến. Thậm chí, khi bị chó cắn, một bộ phận người dân vẫn chọn điều trị bằng các phương pháp dân gian, thay vì đến cơ sở y tế. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh dại từ động vật sang người.
Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với Trung tâm Y tế các khu vực tăng cường công tác giám sát ổ dịch. Đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống bệnh dại cho cán bộ y tế và cán bộ thú y trên địa bàn. Hướng dẫn Trung tâm Y tế khu vực phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát người bị chó, mèo cắn, vận động đi tiêm phòng đúng quy định.
Bác sĩ Nguyễn Quan Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Hiện nay, tình hình bệnh dại đang diễn biến phức tạp, chúng tôi tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm giám sát phát hiện sớm ổ dịch. Đồng thời triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch triệt để, đặc biệt là công tác giám sát, tuyên truyền phòng bệnh dại trên người. Khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cào, cắn cần phải đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm vắc xin phòng bệnh dại đầy đủ, tuyệt đối không được điều trị bằng các biện pháp dân gian”.
Truyền thông các biện pháp phòng bệnh dại trên người.
Để chủ động phòng bệnh dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau: Khi nuôi chó, mèo phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Không thả rông chó, mèo, phải nhốt, xích, hoặc giữ trong khuôn viên gia đình, khi đưa chó ra ngoài đường phải đeo rọ mõm, có dây dẫn. Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo hàng năm. Không đùa nghịch chọc phá chó, mèo, tránh tiếp xúc với chó, mèo có biểu hiện bất thường, nhất là với trẻ em.
Khi bị chó, mèo cắn cần vệ sinh và khử trùng vết thương, rửa vết thương ngay lập tức bằng xà phòng dưới vòi nước chảy trong 15 phút. Không băng kín vết thương và hạn chế làm dập vết thương. Không tự chữa tại nhà, cần đến cơ sở y tế để khám, tiêm vắc-xin phòng dại, huyết thanh kháng dại kịp thời.
Đặc biệt tại các địa phương đã có trường hợp tử vong do dại và có tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo thấp thì nguy cơ mắc bệnh dại trên người sẽ tăng. Mỗi người, mỗi nhà hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh dại để bảo vệ sức khỏe.
Minh Khang