ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 18-10-24 12:25:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Người thương binh tận tuỵ

Báo Cà Mau Trong suốt hành trình làm báo, tôi đã gặp rất nhiều tấm gương điển hình trên các lĩnh vực và có rất nhiều tấm gương thương binh “tàn nhưng không phế”. Ấn tượng nhất là người thương binh đặc biệt, dẫu một chân gửi lại chiến trường, song ông vẫn miệt mài, tận tuỵ suốt hơn 30 năm làm công tác quản lý, cống hiến cho quê hương U Minh anh hùng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác cán bộ cho thế hệ kế thừa.

Ông được công nhận là thương binh 2/4, với tỷ lệ thương tật 61%; thân nhân gia đình có 4 liệt sĩ: ba, 2 người chú và anh Hai của ông; bà nội và mẹ ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông được tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Người thương binh ấy là Lữ Thanh Kỳ, gần 4 nhiệm kỳ giữ chức vụ Phó bí thư Huyện uỷ U Minh.

Ký ức hào hùng của gia đình

Tôi gặp lại người thương binh quả cảm Lữ Thanh Kỳ trong căn nhà đơn sơ nhưng rất ấm cúng ở xứ Nguyễn Phích, huyện U Minh. Xung quanh nhà bao bọc bởi vườn cây ăn trái, ao cá, liếp rau rất yên bình, chúng tôi thực sự xúc động khi ông chia sẻ, vợ ông đã qua đời nhiều năm trước, 3 người con của ông đều thành đạt, 2 người hiện ở TP Hồ Chí Minh, ông ở với con gái thứ.

Nói về ký ức hào hùng trong những ngày tham gia chiến trường ác liệt trên vùng đất bom cày đạn xới U Minh, những lần vào sinh ra tử giáp mặt với kẻ thù, đầy gian nan, nguy hiểm nhưng vô cùng tự hào, ông cười rạng rỡ: “Gia đình tôi là gia đình truyền thống cách mạng, ba tôi tên Lữ Văn Lầu, hy sinh năm 1962, khi đó tôi mới 12 tuổi. Nung nấu ý chí, trong lòng sục sôi, tôi quyết tâm lên đường đánh Mỹ cứu nước, trả thù nhà”.

Thương binh Lữ Thanh Kỳ nhớ về những ký ức hào hùng trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Thế là người thanh niên tuổi 17 Lữ Thanh Kỳ cùng anh Lữ Văn Tèo và 2 người chú, là Lữ Văn Lộng, Lữ Văn Lược, tiếp bước theo con đường của cha, tham gia bộ đội Cụ Hồ đánh Mỹ. “Năm 1967 tôi nhập ngũ, công tác đơn vị địa phương quân, khi ấy còn huyện chung Trần Văn Thời. Ðây là mặt trận rất ác liệt, bộ đội địa phương quân phải cơ động liên tục, vì con sông Cái Tàu, Rạch Ráng, Sông Trẹm, Sông Ðốc... là nơi quân địch tuần tra, chiếm đóng. Bọn chúng lồng lộn, điên cuồng khám xét, càn phá xóm làng. Ðã không ít lần đơn vị của tôi giáp mặt với địch và bộ đội ta hy sinh rất nhiều”, ông Kỳ nhớ lại.

Một năm sau, trong lúc chiến trường ác liệt, anh trai ông, là Lữ Văn Tèo, hy sinh sau cuộc tổng tấn công khởi nghĩa tết Mậu Thân 1968. Một lần nữa dòng máu gia đình ông đã thắm đẫm đất U Minh. Do gia đình còn mẹ già đơn chiếc, ông Kỳ đành phải trở về địa phương xã Nguyễn Phích (khi ấy là huyện Thới Bình) chăm lo cho mẹ, đồng thời tham gia du kích địa phương. Ông được tổ chức kết nạp Ðoàn, giữ chức Ấp đội phó Ấp 3, vừa tham gia chiến đấu, vừa làm công tác binh vận. Trong lần đi công tác vận chuyển xác chết và bị thương của lao công đào binh tại Đồn Bà Thầy (U Minh), trên đường đi, đơn vị ông trúng trái nổ của địch, ông Kỳ bị thương tích đầy mình, ngất đi. Ðồng đội đưa ông xuống xuồng chuyển về ấp, đợi địch tan, đưa vào cứ điều trị vết thương.

“Tôi cùng anh Trịnh Mi Ta, Ấp đội trưởng và ông Ba Pháp, cán bộ Tiểu đội trưởng 21 Quân khu 9 trong lần đi công tác vận chuyển xác chết và bị thương của lao công đào binh tại Đồn Bà Thầy (U Minh). Khi bị nổ trái, mọi người bị thương, tôi bị nặng nhất, ngất đi. Ông Ba Pháp xé mảnh áo băng bó vết thương cho tôi. Thời điểm đó, bọn địch chạy tàu sắt lùng sục quanh sông Cái Tàu, đơn vị tôi đành phải nằm ém lại trong nhà dân. Ngày qua đêm, chịu đói khát, vết thương ở chân bị ngấm bùn, máu chảy lênh láng, bốc mùi. Giặc rút đi, đồng đội để tôi lên tấm ván ngựa khiêng qua ngọn Rạch Hàng về Bệnh viện Quân y dã chiến 121, đóng ở Kênh Ðứng. Vết thương  quá nặng, máu chảy rất nhiều. Thấy không thể giữ lại cái chân bị thương, Bác sĩ Lý Việt Hùng dùng cưa sắt cưa xương thịt rồi tháo khớp. Vậy là một chân của tôi đã gởi lại chiến trường! Trải qua cái chết kề cận nhưng tôi thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội đã hy sinh anh dũng”, ông Kỳ xúc động kể lại.

Ông Lữ Thanh Kỳ, thương binh 2/4, thắp nén hương cho người thân và đồng đội nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện U Minh này có 4 người thân của ông đang yên nghỉ.

Vết chân tròn in dấu khắp U Minh

Những ngày tháng phải nằm điều trị vết thương, ông Lữ Thanh Kỳ lòng như lửa đốt, luôn mong muốn được sớm trở lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu. Mãi đến năm 1971 ông mới ra viện, về quê công tác tại địa phương đến ngày đất nước thống nhất.

Sau giải phóng, thân hình không lành lặn vì một chân gửi lại chiến trường, trong người còn rất nhiều mảnh bom đạn, vết thương hành hạ đau nhức khi trời trở gió. Thay vì trở về quê an dưỡng, nhưng với tinh thần cách mạng, nhiệt huyết cống hiến, thương binh Lữ Thanh Kỳ tiếp tục tham gia công tác. Từ Trưởng ban Tài chính, ông làm Chủ tịch UBND xã, rồi Bí thư Ðảng uỷ xã Nguyễn Phích A, huyện Thới Bình. Năm 1979 huyện U Minh được thành lập, ông được điều động về làm Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ, rồi liên tiếp gần 4 nhiệm kỳ giữ chức Phó bí thư Huyện uỷ U Minh cho đến ngày nghỉ hưu.

Hơn 40 năm tham gia cách mạng, xây dựng và kiến thiết quê hương, vết chân tròn của người thương binh Lữ Thanh Kỳ đã in dấu trên khắp nẻo đường xứ sở, cùng với tập thể lãnh đạo huyện nhà tìm giải pháp, tạo bước đột phá đưa quê hương đi lên.

Trở về với đời thường, ông Lữ Thanh Kỳ miệt mài lao động, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

“U Minh là địa phương có diện tích lâm nghiệp lớn nhất tỉnh, nhưng rừng thời điểm đó do Nhà nước quản lý, dân tình nghèo khổ, kinh tế khó khăn, lộ làng, cầu nông thôn chưa có, con em đến trường gian nan, vất vả. Huyện U Minh thời ấy còn độc canh cây lúa trên vùng đất phèn mặn nên người dân làm ruộng thất bát triền miên. Mãi đến sau này, khi cơ chế chính sách thông thoáng, đất rừng được giao cho người dân làm chủ, canh tác; nông nghiệp từng bước phát triển đột phá với chủ trương chuyển đổi ngành nghề, con tôm ôm cây lúa, trồng rừng thâm canh, cây ăn trái và hoa màu phát triển, kinh tế huyện U Minh từng bước đi lên”, ông Lữ Thanh Kỳ cho biết.

Ông Ðỗ Văn Sơ, nguyên Phó bí thư Huyện uỷ, nguyên Chủ tịch UBND huyện U Minh, khi còn là Chánh văn phòng Huyện uỷ, làm công tác tham mưu trực tiếp cho ông Lữ Thanh Kỳ, chia sẻ, trở về quê hương khi đất nước sạch bóng quân thù, ông Lữ Thanh Kỳ nhận được nhiều huân, huy chương cao quý. Mặc dù mang trong mình nhiều vết thương với tỷ lệ thương tật đến 61% cơ thể, nhưng người thương binh quả cảm Lữ Thanh Kỳ không chịu nghỉ ngơi, vẫn tiếp tục cống hiến.

“Tính tình chú Lữ Thanh Kỳ ngay thẳng, trung thực trong công việc, quan điểm rõ ràng trong công tác cán bộ, cởi mở với cấp dưới; công việc gì chậm trễ, không đúng thì chú góp ý thẳng thắn để anh em sửa sai để cùng nhau tiến bộ. Ðối với gia đình, chú rất cần cù trong lao động, mặc dù còn 1 chân nhưng luôn miệt mài trong lao động. Hiện nay đã ở tuổi 74, vậy mà hằng ngày chú vẫn luôn tay làm cỏ, trồng rau màu, cây ăn trái, nuôi cá... sản phẩm thu hoạch chú không bán, chỉ để biếu tặng bà con chòm xóm và thường xuyên giúp đỡ các gia đình thương binh có hoàn cảnh khó khăn khác cùng nhau vượt khó vươn lên”, ông Ðỗ Văn Sơ nhận xét chân thành về người thương binh “tàn nhưng không phế” Lữ Thanh Kỳ./.

 

Huỳnh Lâm

 

Vì mái ấm cho đồng bào

Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: "Từ đầu năm đến nay, các hoạt động vận động quỹ Vì người nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được duy trì thường xuyên, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững trên địa bàn".

Nông thôn mới trên quê hương Tam Giang Tây

Tam Giang Tây xây dựng NTM bằng sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, sự đồng hành của các tổ chức kinh tế, mạnh thường quân... Từ đó, xã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, hạ tầng nông thôn từng bước hoàn thiện, đời sống người dân được nâng lên rõ nét, diện mạo quê hương đổi thay từng ngày.

Nhiều ý kiến của cử tri Cà Mau gởi đến kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khoá XV

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức cho đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử trì định kỳ, tiếp xúc công nhân lao động và gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các sở, ngành tỉnh để trao đổi, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội của địa phương với 3 cuộc tại 7 điểm.

Gần 4 tỷ đồng hỗ trợ không hoàn lại cho Cà Mau

Với mục đích hỗ trợ cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, sáng nay (16/10), ông Ono Masuo, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh và bà Morimoto Emiko, Lãnh sự Ban Kinh tế, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản phối hợp với UBND TP Cà Mau, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bàn giao Dự án xây dựng 3 phòng học và nhà vệ sinh tại Trường Tiểu học Phường 8/1 Khu C (Phường 8, TP Cà Mau) và trao máy trợ thính cho các em học sinh khiếm thính tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tỉnh Cà Mau.

Ðầu tư hạ tầng giao thông tạo đà phát triển kinh tế

Xác định đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng, không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, xã hội mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thời gian qua, huyện U Minh tập trung mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến lộ huyết mạch.

Lạc quan bước qua nghịch cảnh

Từng là những người có cuộc sống bình thường, song số phận bất hạnh khi bạo bệnh ập đến đã biến những người phụ nữ này thành người khuyết tật. Quyết tâm không là gánh nặng với người khác, chính sự lạc quan, nhìn cuộc sống qua lăng kính tươi sáng, đã tạo cho các chị nguồn năng lượng tích cực để viết tiếp câu chuyện của cuộc đời mình.

Chắp cánh tài năng học đường

Với mục tiêu hướng đến sự phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, các câu lạc bộ (CLB) ở trường THPT thực sự là chiếc cầu nối đánh thức, phát huy những tiềm năng năng khiếu của học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tiếp thêm động lực cho học sinh khó khăn

Nhà “Khăn quàng đỏ” do Hội đồng Ðội huyện Phú Tân và Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện đẩy mạnh triển khai từ năm 2016. Ðây là chương trình mang lại lợi ích thiết thực, lâu dài đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

Khánh thành 2 cầu nông thôn tại xã Phú Thuận

Chiều 15/10, tại ấp Rạch Láng, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Ðoàn Văn công Giải phóng tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ khánh thành cầu Kênh Rạch Láng (Lung Cây Giá và cầu Kênh Mà Ca, do 2 đơn vị vận động Tổng Công ty hoá dầu Việt Nam (VNPETRO) tài trợ. Tổng trị giá 2 cây cầu 228 triệu đồng.

Nơi khám bệnh nghĩa tình

Hơn 10 năm qua, cứ đều đặn hằng tháng (trừ thời điểm dịch bệnh), nhóm khám bệnh Ðông y của Bác sĩ Bùi Quốc Thái, ở tỉnh Tây Ninh, đều đến chùa Monivongsa Bopharam (Phường 1, TP Cà Mau) để bắt mạch, bốc thuốc miễn phí cho người dân.