ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 21:37:39
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vất vả nghề hầm than

Báo Cà Mau (CMO) Chịu cơ cực, mấy ai qua được nông dân. Nắng chan chát hay mưa dầm dề cũng không thắng được ý chí kiên định của những anh, chú nông dân hiền hậu. Ðối với bà con thôn quê mình, vất vả, cực nhọc có sao, kiếm được đồng tiền chân chính thì có nghề nào mà không đánh đổi bằng những giọt mồ hôi mặn chát.

Đó cũng là suy nghĩ, là động lực để vợ chồng ông Sáu Toàn (Nguyễn Văn Toàn, ấp Kinh Chùa, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) trụ vững trong nghề hầm than cơ cực và đối mặt không ít khó khăn hiện nay. Không sống ở xứ rừng, nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để làm nghề hầm than, nhưng với tính chịu thương chịu khó, mười mấy năm qua, vợ chồng ông Sáu Toàn đã chọn nghề hầm than để mưu sinh.

“Rừng không ở gần mình thì mình đi kiếm rừng”, vậy là ông Sáu Toàn nghe ngóng tin tức rồi dò la, tìm những vườn cây cần bán để thu mua. Miếng nào nhiều cây thì nhiều tiền, ít thì vài triệu đồng, tự đốn cây, vận chuyển về nhà rồi dọn dẹp luôn cho chủ vườn. Tuy công việc hơi nhiều nhưng được cái vừa có cây gỗ xả ra thành kèo, cừ… bán lại cho những khách hàng cần, vừa có gỗ thừa để hầm than kiếm thêm thu nhập. Hơn nữa, dù việc ít hay nhiều, ông Sáu Toàn vẫn luôn có người vợ đồng hành nên cực mấy cũng vui.

Bà Lê Thị Lệ, vợ ông Sáu Toàn, tâm tình: “Ổng đốn cây thì mình cũng theo kéo tiếp. Còn việc hầm than thì ổng rinh cây, mình phụ trách canh lửa, coi than. Cuộc sống mà, phải đồng vợ đồng chồng mới vượt qua được những khó khăn”.

Bà Lê Thị Lệ chăm chỉ canh lửa để cho ra lò những mẻ than chất lượng.

Từ những cây gỗ thừa từ tràm, bạch đàn, xà cừ, còng, qua sự kiên trì của những mẻ lò, của những người canh lửa như bà Lệ trở thành những mẻ than hữu ích cho cuộc sống. Bà Lệ cho biết: “Ðể đầy một mẻ than như thế này cần hơn 2 tấn củi. Hầm 5-6 ngày, đêm, rồi để thời gian cho than nguội mới lấy ra, được tầm 500 kg than. Muốn than không bị sống hay bị nổ (nổi hột li ti), bị khách hàng chê thì phải canh lửa xuyên suốt, không để tắt lò”.

Không đất ruộng canh tác, ông Nguyễn Văn Tâm, cùng ở ấp Kinh Chùa cũng buông cái này bắt cái kia để kiếm sống. Thuở cá đồng còn dồi dào, nhiều không kể xiết thì ông Tâm hành nghề thu mua cá rồi bán lại kiếm lời, khi sản lượng cá vùng ngọt ít đi thì làm nghề thợ mộc, chuyên cất nhà kê, rồi sau đó chuyển sang làm nghề hầm than và chuyên đóng đồ trang trí nội thất cả chục năm nay.

Ông Tâm bộc bạch: “Hồi đó, vô tình đi đốn cây làm nhà, có người ở Năm Căn kêu hầm than bán. Thấy nghề cũng có được thu nhập nên mình về tìm tòi rồi làm luôn tới giờ. Lúc trước toàn mua gỗ, còn giờ có nghề đóng đồ trang trí nội thất thêm nên tận dụng gỗ thừa để hầm than”.

Cũng như nghề mộc của ông Tâm, khi cuộc sống ngày càng phát triển, con người có nhiều sự lựa chọn cho việc giải quyết nhu cầu cuộc sống của mình, như ngoài mặt hàng gỗ còn có đồ nhôm thì nghề hầm than cũng vậy. Than đốt không còn là sự lựa chọn duy nhất trong sinh hoạt của mọi người. Vì vậy, thị trường cũng như sức tiêu thụ không còn như xưa.

Ông Sáu Toàn bộc bạch: “Thời mới làm, lò nhỏ thôi, lò đất, một mẻ ra chừng trăm ngoài ký, có người tới tận nhà lấy mà còn không đủ bán. Thấy làm ăn được mới xây lò rộng hơn, bằng gạch, xi-măng cho chắc chắn, một mẻ nâng lên 400, 500 kg than mới đủ cung cấp cho khách. Năm 2019 trở về trước tiêu thụ được lắm, nhưng năm 2020 đến nay hơi chựng lại. Hồi xưa người ta kiếm mình còn giờ mình phải kiếm người ta. Ngoài các mối thì phải tự kiếm chỗ bỏ than thêm ở các quán ăn”.

Nghề hầm than đầy cơ cực. Khuân cây, coi lửa ngày, đêm, hít phải khói bụi nhưng nhờ có nghề mà những người chọn nghề hầm than “sống được”. Ông Tâm chia sẻ: “Mỗi ký than bán được 6.000 đồng. Bình quân 1 tháng ra từ 2-3 mẻ than, thu nhập cũng được 6-8 triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy, ở nông thôn mình có thể xoay xở cho cuộc sống được”.

Trưởng ấp Kinh Chùa Trần Ngọc Lan thông tin: “Nhờ một số bà con ở ấp làm thêm nghề hầm than mà những hộ có cây vụn không biết làm gì có thể bán kiếm thêm thu nhập. Và nghề này giúp họ ổn định cuộc sống. Ấp cũng tuyên truyền bà con có ý thức trong việc để cây không lấn chiếm đường giao thông, bảo vệ môi trường”.

Mỗi người có một sự lựa chọn cho cuộc sống của chính mình. Với bà con đã vô tình kết “duyên” với nghề hầm than cơ cực này cũng vậy. Mặc ai bảo nghề sao cực quá, lấm lem quá thì họ vẫn mỉm cười cho qua, vẫn tiếp tục với nghề. Như lời khẳng định chắc nịch của ông Sáu Toàn: “Ðến khi nào than không còn dùng được nữa thì mới thôi. Dù tiền ít hay nhiều vẫn làm hoài”./.

 

Ngọc Minh

 

Báo giá xây dựng biệt thự trọn gói mới nhấtTìm hiểu overthinking là gì Hiểu rõ deadline và tầm quan trọng

Cậu học trò đam mê Tin học

Ðam mê Tin học, cộng với đức tính cần cù, chăm chỉ trong rèn luyện và học tập, cậu học trò Cao Nguyên Khang, Lớp 12A, Trường THPT U Minh, thị trấn U Minh, không chỉ duy trì thành tích học sinh khá giỏi mà còn sở hữu nhiều thành tích ấn tượng tại các cuộc thi Tin học.

Đồng hành cùng bà con Cà Mau

Ngày 18/11, Hội Nhà báo Việt Nam, Văn phòng phía Nam; Tạp chí Người Làm Báo; Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau đã về nguồn và đồng hành, chia sẻ cùng bà con Cà Mau.

Nguy hiểm rác thải thuỷ tinh

Với đặc tính không thể phân huỷ trong tự nhiên ở điều kiện thông thường, tỷ lệ tái chế thấp, rác thải thuỷ tinh đang là thách thức lớn, gây tác động tiêu cực với môi trường. Tại TP Cà Mau, tình trạng đổ trộm rác thải thuỷ tinh vẫn còn xảy ra, gây mất mỹ quan đô thị và dễ có nguy cơ xảy ra thương tích.

Niềm vui trong căn nhà mới

Từ những ngôi nhà chưa lành lặn, được sự kết nối của Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) huyện Phú Tân, cùng sự giúp sức của các mạnh thường quân, những mái ấm trong mơ đã thành hiện thực, dệt nên những câu chuyện đẹp về sự sẻ chia và tình người.

Phạm Ðức Thuận và giải thưởng Ðại sứ Văn hoá đọc

Chọn đề tài viết tiếp tác phẩm "Bến quê" của Nhà văn Nguyễn Minh Châu và đề xuất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm phát triển văn hoá đọc cho học sinh vùng sâu, vùng xa, Phạm Ðức Thuận, Lớp 10A1, Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi) đoạt giải Khuyến khích toàn quốc cuộc thi Ðại sứ Văn hoá đọc năm 2024.

Tiếp thêm niềm tin cho trẻ khuyết tật

Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật - mồ côi Nhân Ái (phường Tân Xuyên, TP Cà Mau), không khí tại đây trở nên rộn ràng hơn bởi các em chu đáo chuẩn bị quà tặng là sản phẩm nước rửa chén, thành quả từ lớp dạy nghề được tổ chức hồi tháng 8 vừa qua.

Công trình tuổi trẻ hiệu quả, bền lâu

Nhằm phát huy vai trò của tổ chức Ðoàn, Hội trong việc chăm lo gia đình cán bộ, đoàn viên, hội viên và thanh niên trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, Tỉnh đoàn đã triển khai thực hiện công trình nhà Nhân ái. Qua đó, kịp thời động viên, khích lệ đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Gặp gỡ hai thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm

Thầy Phạm Việt Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi), cho biết, nhà trường vừa đón nhận niềm vui có hai em học sinh của trường là thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm. Cụ thể, em Nguyễn Hải Ðăng, thủ khoa ngành Sư phạm Toán học tại Trường Ðại học Cần Thơ và em Bùi Hải An, thủ khoa ngành Sư phạm Lịch sử - Ðịa lý tại Trường Ðại học Sài Gòn.

Trao 11 suất học bổng, 50 suất quà cho học sinh

Ngày 16/11, tại trường THCS Ngọc Chánh (huyện Đầm Dơi), Đoàn khối Dân chính đảng phối hợp trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau trao tặng 11 suất học bổng, 50 suất quà cho học sinh trong chương trình Nâng bước đến trường.

Nâng chất giáo dục mầm non

Huyện Ngọc Hiển có 8 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, với tổng số hơn 1.600 trẻ theo học. Những năm qua, huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, sân chơi cho trẻ theo hướng ngày càng chuẩn hoá, đáp ứng điều kiện chăm sóc, giáo dục, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến trường.