ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 6-11-24 14:42:22
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Về lại Trí Lực một ngày thu

Báo Cà Mau (CMO) Trong số hơn 20 điểm thương tưởng, thờ, giỗ Bác Hồ tại tỉnh Cà Mau, duy nhất có một nơi được gọi là Phủ thờ - nơi tâm linh, thờ tự các bậc Thánh Mẫu. Đó là Phủ thờ Bác Hồ ở ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Điều đặc biệt ở Phủ thờ này là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Bác Hồ (19/5/1990) Bảo tàng Hồ Chí Minh đã gửi tặng huyện Thới Bình một cây vú sữa trồng trong vườn Lăng của Bác. Càng đặc biệt hơn, cội nguồn của cây vú sữa đó, là món quà của một bà má Thới Bình, gửi theo đoàn quân tập kết ra Bắc, kính tặng Bác Hồ. Những ngày thu lịch sử này, về đây tôi thấy nhiều đoàn cán bộ, học sinh từ nhiều địa phương tìm về kính bái, báo công và được nghe nhiều câu chuyện đong đầy niềm vui.

Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình (trước năm 2006, Trí Lực là một phần của xã Trí Phải, huyện Thới Bình) được xây dựng sau ngày Bác Hồ đi xa vài năm (1973). Ban đầu, làm bằng cây lá địa phương và trong những năm chiến tranh ác liệt, Phủ thờ Bác thường xuyên bị bom, đạn giặc phá hoại. Với truyền thống “Một tấc không đi, một ly không rời”, quân, dân Trí Phải (nay thuộc Trí Lực) nói riêng và quân, dân Thới Bình nói chung, luôn kiên cường bám trụ, anh dũng đánh trả quân địch, bảo vệ vẹn nguyên Phủ thờ Bác Hồ. Theo lời kể của ông Hoàng Minh Tâm, một trong những người góp công xây dựng, bảo vệ Phủ thờ, năm nay đã vào tuổi “xưa nay hiếm”: "Những năm chiến tranh, vùng này ác liệt lắm, nhưng bất chấp bom đạn và những trận càn quét của giặc, cán bộ và Nhân dân một lòng vượt qua khó khăn, anh dũng hy sinh, ra sức bảo vệ an toàn Phủ thờ Bác Hồ”.

Đường quê Trí Lực ngày nay.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Phủ thờ Bác Hồ xã Trí Lực, được nâng cấp và mở rộng. Hiện tổng diện tích của Phủ thờ lên tới 5.000 m2, được bao quanh bởi hàng rào chắc chắn. Trong đó, có nhiều công trình, như vườn hoa kiểng, nhà trưng bày truyền thống với nhiều hình ảnh tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ao cá Bác Hồ và Bia ghi danh hơn 200 anh hùng liệt sĩ - những người con trung hiếu của Trí Lực hy sinh trên khắp các chiến trường. Khu vực Phủ thờ được bao quanh bởi rất nhiều cây xanh, toả bóng xum xuê, tạo không gian cả ngày mát rượi.
Ngày 19/5/1990, kỷ niệm lần thứ 100 sinh nhật Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chiết một cành từ cây vú sữa miền Nam, gửi tặng Đảng bộ và Nhân dân huyện Thới Bình. Nguồn gốc của cây vú sữa miền Nam, là do má Nguyễn Thị Sảnh, ở Ấp 6, xã Trí Lực (nay là ấp Phủ Thờ), năm 1924 gửi theo đoàn quân tập kết ra miền Bắc biếu Bác Hồ. Cây vú sữa miền Nam, được Bác Hồ trồng cạnh ngôi nhà sàn và thường xuyên chăm sóc. Nhánh cây vú sữa do Bảo tàng Hồ Chí Minh gửi được địa phương trồng cạnh khuôn viên Phủ thờ Bác đang tươi cành, xanh lá và chớm nụ, có lẽ ra trái đúng vào dịp mùa xuân tới.

… Đường về Trí Lực hôm nay đều tráng bê-tông, nối dài tít tắp. Cứ hơn 1 cây số lại gặp một cây cầu vững chãi. Khu chợ xã, khi trước đìu hiu, nay rộng mở và có nhiều cơ sở kinh doanh.

Những ngày thu này, về Trí Lực tôi thấy nhiều đoàn cán bộ, dân quân và các em học sinh đến viếng Phủ thờ. Theo anh Đặng Thái Nguyên, Tổng phụ trách Đội thiếu niên nhi đồng xã Trí Lực: "Trước ngày khai giảng niên học 2020-2021 có 8 đoàn học sinh các trường tiểu học trong xã và các xã lân cận đăng ký viếng Phủ thờ". 

Phó chủ tịch UBND Trí Lực Hà Minh Sữa cho hay: "Quốc khánh năm nay có 7 đoàn thuộc ban, ngành của huyện Thới Bình và các xã lân cận đến viếng Phủ thờ. Dịp này, một số xã ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang - tiếp giáp với xã Trí Lực, cũng tổ chức đoàn đến viếng Phủ thờ Bác".

Bí thư Huyện uỷ Thới Bình Huỳnh Út Mười thông tin, mỗi dịp lễ, Tết, Huyện uỷ, UBND và nhiều cơ quan, ban, ngành trong huyện tổ chức đoàn đến Phủ thờ viếng và hạ quyết tâm với anh linh Bác Hồ, ra sức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Đảng bộ. Rõ ràng Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực, đang trở thành một trong những địa chỉ thiêng để mọi người hướng đến, tìm về gửi trao, hứa hẹn và bày tỏ tiếng lòng với Bác.

Tự hào là địa phương có di tích văn hoá, lịch sử và giàu truyền thống cách mạng, những năm qua, Đảng bộ xã Trí Lực luôn trăn trở, tìm hướng phát triển. Trong đó, dấu ấn là xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Tiếp đó, đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập cho Nhân dân. 3 năm qua, Trí Lực đã biến hàng ngàn héc-ta đất trồng mía, năng suất kém, thị trường bấp bênh, sang trồng lúa, kết hợp nuôi tôm và trồng màu. Hiện tại 5/5 ấp của xã đều có những mô hình sản xuất hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung phát triển 2 sản phẩm chủ lực, gồm lúa hữu cơ chất lượng cao ST20, ST24 và nuôi tôm càng xanh, với quy mô hàng ngàn héc-ta.

Toàn tỉnh Cà Mau có 6 HTX sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản, trong đó, xã Trí Lực có 2 HTX, đó là HTX lúa - tôm Trí Lực và HTX dịch vụ nông nghiệp - thuỷ sản Đoàn Phát. Càng vui hơn, khi biết rằng cả 2 mô hình này đang phát triển hưng thịnh. Bằng chứng là số lượng xã viên tham gia ngày càng tăng và thu nhập bình quân đầu người đạt từ 45-50 triệu đồng, cao hơn nhiều so với những hộ sản xuất đơn lẻ. Riêng HTX dịch vụ nông nghiệp - thuỷ sản Đoàn Phát, bước đầu đã sản xuất gạo sạch và tìm được đơn vị cung ứng vật tư, giống, chuyển giao kỹ thuật, đồng thời bao tiêu sản phẩm. Theo ông Huỳnh Minh Triều, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp - thuỷ sản Đoàn Phát, mỗi năm HTX cung ứng cho Công ty Cỏ May Đồng Tháp gần 200 tấn gạo sinh thái. Bước đầu gạo của HTX đã được thị trường đón nhận. Đặc biệt, vụ mùa vừa qua, sau khi bán lúa cho công ty, các thành viên HTX giữ lại 17 tấn, chà gạo, đóng gói, xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Trí Lực” và chào hàng một số nơi, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, với giá bán từ 27.000-30.000 đồng/kg. Ngay sau đó, gạo sạch Trí Lực không chỉ bán hết mà còn được một số cơ sở kinh doanh đặt hàng.

Ngày trước Trí Lực chỉ có mía, còn hiện nay Trí Lực vừa có gạo hữu cơ, vừa có tôm sinh thái. Ngoài ra, nơi đây, mỗi năm nông dân mở rộng diện tích trồng rau màu (gừng, bắp…) từ vài chục đến 100 ha. Theo  Bí thư Đảng uỷ xã Trí Lực Dương Chúc Linh, định hướng trong nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ xã là đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 45-50 triệu đồng. Trước mắt, địa phương tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với thương hiệu sản phẩm. Đó là một trong nhiều tín hiệu vui, dự báo Trí Lực tiếp tục chuyển mình./.

Quỳnh Mai

Tăng tốc hoàn thiện các công trình, phần việc chuẩn bị lễ kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc

Sáng nay (3/11), Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Thành Ngại cùng các Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi, Nguyễn Minh Luân và Lê Văn Sử đồng chủ trì cuộc họp rà soát, báo cáo tiến độ thực hiện các hoạt động chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954-2024.

Chị Yến

Năm 1953, các trường trung học kháng chiến đưa học sinh đi tính thuế nông nghiệp. Chị Yến trong đoàn học sinh Bạc Liêu đến xã Tân Phú, huyện Hồng Dân làm nhiệm vụ. Thuế nông nghiệp tính theo 3 bậc: “lãnh canh”, “trực canh”, “phát canh”; ưu tiên cho nghèo làm đất mướn (lãnh canh) và có đất tự làm (trực canh) và tăng 25% đối với điền chủ cho mướn đất thu tô (phát canh). Do đó, phải có trình độ bút toán khá mới tính thuế nông nghiệp được.

Tăng cường “phủ xanh” thông tin tích cực, ngăn chặn thông tin xấu độc

Tăng cường "phủ xanh" thông tin tích cực, ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc, làm trong sạch không gian mạng là mệnh lệnh của cuộc sống, là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của tất cả công dân Việt Nam yêu nước.

Nhớ những ân tình trên đất Bắc

Trong rất nhiều câu chuyện của các cô chú đi tập kết 1954, mỗi người một độ tuổi, một vị trí công tác và ở những địa phương khác nhau, nhưng hầu như câu chuyện nào cũng nhắc đến sự cưu mang, nhường cơm sẻ áo của đồng bào miền Bắc.

Công trình Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc - Các hạng mục đã cơ bản hoàn thành

Công trình xây dựng Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời được khởi công xây dựng vào đầu tháng 1/2024, với diện tích hơn 10 ha.

Hồ sơ đi B - Xúc động đường về

Lúc tôi đến nhà và thông tin với Bác sĩ Nguyễn Văn Thể (Phường 2, TP Cà Mau), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đang giữ hồ sơ đi B của ông và sẽ liên hệ trao trả, ông hết sức ngỡ ngàng. Cách đây hơn 50 năm, khi về Nam (gọi là đi B), ông đã gửi lại tất cả giấy tờ, hồ sơ cho Uỷ ban Thống nhất Trung ương, cứ nghĩ những hồ sơ ấy theo thời gian đã bị hư hao và tiêu huỷ.

Những nữ đại biểu dân cử vì dân

Thực hiện chiến lược về bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, những năm qua, tỉnh Cà Mau luôn tạo điều kiện thuận lợi để tăng tỷ lệ nữ và nâng cao chất lượng hoạt động của các nữ đại biểu HÐND các cấp, qua đó giúp phụ nữ khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trong xã hội.

“Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” trong trường học

Nằm trong khuôn viên của Trường THCS Phan Ngọc Hiển, Khóm 4, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” vừa được Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Năm Căn phối hợp với các đơn vị thực hiện và xây dựng. Ðây là mô hình đầu tiên được triển khai trong khuôn viên trường học trên địa bàn tỉnh.

Nghĩa tình phụ nữ xứ Thanh

Cách đây 70 năm, năm 1954, thực hiện chủ trương của Ðảng và Bác Hồ, tỉnh Thanh Hoá đón nhận con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc học tập, để đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam và cả nước sau này. Tại Sầm Sơn, chị em trên địa bàn tỉnh, từng đoàn người đã đem theo cơm ngô, cơm khoai đi đón tiếp. Khi xuống thuyền, nhiều chị tự nguyện cõng thương binh vào bờ, đỡ từng cái ba lô, từng túi gạo; các mẹ đến quạt cho bộ đội, thiếu nhi... như đón người thân trở về.

Sưu tầm được nhiều tư liệu, hiện vật quý

Thực hiện Kế hoạch số 96/KH-BCÐ ngày 6/8/2024 của Ban Chỉ đạo các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, Bảo tàng tỉnh đang chuẩn bị cho nhiệm vụ triển lãm hiện vật liên quan đến Hiệp định Giơnevơ, Sự kiện tập kết ra Bắc và thành tựu phát triển của tỉnh. Phóng viên Báo Cà Mau trao đổi với ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, xung quanh công tác này.