(CMO) Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu không hút thuốc nhưng vẫn hít phải khói thuốc thì được gọi là hút thuốc thụ động hoặc hút thuốc không tự nguyện, ô nhiễm khói thuốc lá.
Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới 45,3%, nữ 1,1%. Mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm.
Việc tiếp xúc với khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư khác ít nhất là 30%. Có thể bao gồm một số loại ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư thận, ung thư vòm họng, ung thư trực tràng và khối u não.
Hút thuốc lá vừa có hại cho bản thân, vừa ảnh hưởng đến sức khoẻ người xung quanh. |
Theo một nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, cho thấy 80% người dân cho biết khi nhìn thấy người hút thuốc lá nơi bị cấm họ cảm thấy khó chịu và không chấp nhận được. Trên 90% người dân đều biết tác hại của hút thuốc lá thụ động. Khi thấy hành vi hút thuốc lá nơi bị cấm thì mọi người thường có các phản ứng: không lên tiếng nhắc nhở vì cho rằng đó là chuyện của người hút, sợ người hút thuốc phản ứng lại khi bị nhắc nhở và sẽ ngồi chịu trận với khói thuốc vì cho rằng hít khói thuốc một ít cũng không sao; ai khó chịu hơn thì tỏ thái độ nhăn nhó, che mũi, ai khó chịu hơn nữa thì bỏ đi chỗ khác; lên tiếng nhắc nhở người hút đây là khu vực cấm, yêu cầu họ tắt thuốc hoặc đi chỗ khác hút. Phản ứng lên tiếng nhắc nhở người khác thì trong 10 người, có 4 người sẽ thực hiện vì người Việt Nam thường ngại nhắc nhở người khác khi họ vi phạm luật, không riêng gì thuốc lá.
Việc thực hiện chế tài xử phạt là của cơ quan chức năng, nhưng nếu mọi người cùng nhau lên tiếng khi thấy người khác hút thuốc nơi bị cấm hoặc có phản ứng mạnh, rõ ràng để họ biết bạn đang khó chịu. Vì điều đó đang bảo vệ chính bạn, giúp xây dựng môi trường sạch, không khói thuốc. Hơn nữa, khi nhắc nhở người khác không hút thuốc bạn cũng đang giúp họ bỏ dần thói quen hút thuốc. Khi người hút thuốc lá họ đi đâu cũng bị cấm hút, cũng bị nhắc nhở thì ban đầu họ sẽ cảm thấy khó chịu, nhưng dần rồi họ sẽ bỏ thói quen tai hại này và đây chính là điều mà Luật Phòng chống tác hại thuốc lá nhắm tới. Ngoài ra, tuân thủ việc không hút thuốc nơi bị cấm còn là biểu hiện của hành vi văn minh, lịch sự, tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình.
Năm 2020, chủ đề “Bảo vệ thanh - thiếu niên khỏi tác động của việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá và sử dụng thuốc lá” được WHO lựa chọn nhằm thông tin tới cộng đồng tác hại của việc nghiện chất nicotine có trong các sản phẩm thuốc lá. Đồng thời, kêu gọi các quốc gia thực hiện những chính sách mạnh mẽ để bảo vệ giới trẻ trước nguy cơ sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điếu truyền thống cũng như các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…
Hút thuốc vừa có hại cho mình, vừa có hại cho người khác, những người đang hút thuốc hãy suy nghĩ và từ bỏ thuốc lá vì trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, hoặc có hút thuốc thì hút xa nơi đông người; còn những người không hút thì chủ động, mạnh dạn bày tỏ ý kiến đối với người hút thuốc trước mặt mình./.
Huỳnh Nhi