Trong không khí trang trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người lính kiên cường của Trung đoàn 1 - U Minh năm xưa đã trở về mảnh đất Cà Mau thân thương. Chính tại cái nôi này, với sự chở che, đùm bọc nghĩa tình của Nhân dân, Trung đoàn đã lớn mạnh, lập nên chiến công hiển hách và 3 lần vinh dự được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (vào các năm: 1973, 1975, 1989).
Địa điểm họp mặt ấm áp nghĩa tình được tổ chức tại nhà ông Nguyễn Thành Do (Sáu Do), thương binh 2/4, cán bộ tiêu biểu của Trung đoàn, ở ấp Tân Hoà, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước. Trên con lộ bê tông dẫn vào nhà, từng dòng người mặc trang phục cựu chiến binh, ngực áo lấp lánh huân chương, huy chương kháng chiến, mái tóc bạc trắng, bước chân đã chậm hơn xưa, nhưng ánh mắt rạng ngời khi gặp lại đồng đội sau nửa thế kỷ. Những câu chuyện kháng chiến hào hùng cứ nối dài, không dứt...
Góp máu xương cho ngày đại thắng
Sau khi phong trào Ðồng khởi và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, cuộc đấu tranh cách mạng chuyển sang hướng mới, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang. Trước yêu cầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, các tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực của Quân khu 9 lần lượt ra đời. Ngày 23/9/1963, tại vùng căn cứ U Minh, tỉnh Cà Mau, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định thành lập Trung đoàn Bộ binh 1 - Trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân giải phóng miền Tây Nam Bộ, sau đó được mang tên Trung đoàn 1 - U Minh.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, dù lực lượng còn non trẻ, kinh nghiệm chiến đấu chưa nhiều, vũ khí trang bị thiếu thốn, nhưng với ý chí "quyết chiến, quyết thắng", Trung đoàn liên tục giành những thắng lợi vang dội. Ðiển hình là trận đánh chi khu Chà Là vào đêm 23, rạng sáng 24/11/1963. Chiến thắng này đã kết thúc thắng lợi Chiến dịch Thu Ðông ở miền Tây Nam Bộ, tiêu diệt hơn 1.400 tên địch, bắn rơi 21 máy bay, thu giữ hơn 500 dù bọc và hàng trăm khẩu súng các loại. Ðây là 1 trong 7 trận đánh lớn của quân giải phóng miền Nam thời bấy giờ.
Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chiến, người trực tiếp tham gia trận đánh chi khu Chà Là, nhớ lại: Chiến thắng Chà Là đã thổi bùng ngọn lửa tòng quân giết giặc, làm rung chuyển các ấp chiến lược. Chỉ trong một ngày, gần 700 thanh niên Cà Mau hăng hái gia nhập lực lượng vũ trang, một con số chưa từng có ở đâu. Nhân dân khắp nơi nhiệt tình đóng góp sức người, sức của, góp phần vào cuộc kháng chiến toàn diện và trường kỳ.
Trung đoàn 1 - U Minh là lực lượng chủ công trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Cần Thơ. Các chiến sĩ đã dũng cảm tiến công vào Sân bay Lộ Tẻ, Ðài Phát thanh, trận địa pháo Bình Thuỷ, gây thiệt hại nặng nề cho các đơn vị quân Mỹ, trong đó có Lữ đoàn 9, tiêu diệt hơn một đại đội Mỹ. Gần hai tháng quần nhau với địch tại khu vực lộ Vòng Cung, Trung đoàn cùng các đơn vị bạn và quân dân Cần Thơ đã tiêu diệt và làm bị thương gần 3.000 tên địch, phá huỷ hơn 100 máy bay các loại, 210 xe quân sự, 8 khẩu pháo cùng nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh.
Từ năm 1969-1974, Trung đoàn tiếp tục lập nên nhiều chiến công hiển hách, tiêu diệt 16 ngàn tên địch, bắn cháy 140 tàu chiến, phá huỷ hàng trăm xe quân sự, kho đạn. Ðiển hình như trận tập kích ở căn cứ Xẻo Rô, Thứ 11 huyện An Biên; đánh bại 75 lượt tiểu đoàn địch ở Chương Thiện; tiêu diệt 5 tiểu đoàn địch ở Cần Thơ; tham gia giải phóng 8 xã của huyện Cầu Kè, Trà Vinh... góp phần làm thất bại các chiến lược "nhổ cỏ U Minh" và “tràn ngập lãnh thổ” của Mỹ - nguỵ.
Ðặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 1 - U Minh đã đánh chiếm nhiều mục tiêu chiến lược tại Vĩnh Long, Trà Vinh và Cần Thơ, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Tinh thần Bộ đội cụ Hồ bất diệt
Trong vòng tay ấm áp, siết chặt bàn tay không rời, các cựu chiến binh Trung đoàn 1 - U Minh nghẹn ngào ôn lại những tháng ngày gian khổ mà kiên cường nơi chiến trường miền Tây Nam Bộ. Tại vùng đất sình lầy, sông ngòi chằng chịt, với phương tiện di chuyển chủ yếu là ghe, xuồng này, đã bao lần họ đối mặt với hiểm nguy cận kề. Nhưng chính ý chí sắt đá, sự mưu trí và sáng tạo trong từng trận đánh đã giúp Trung đoàn liên tiếp lập nên những chiến công vang dội, tạc vào lịch sử những trang vàng chói lọi.
Sau ngày đất nước thống nhất, Trung đoàn tiếp tục vượt biển giải phóng đảo Thổ Chu, Hòn Ông, Hòn Bà, đánh tan 2 tiểu đoàn Pôn Pốt. Rồi lại hành quân sang Campuchia, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh (7/1/1979) và hỗ trợ bạn truy quét tàn quân Pôn Pốt trong hơn 10 năm.
Trong suốt 12 năm ròng rã chiến đấu chống Mỹ, tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia, Trung đoàn 1 - U Minh đã trải qua hơn 1.000 trận đánh lớn nhỏ. Với những chiến công xuất sắc, Trung đoàn có 10 đơn vị trực thuộc và 26 cá nhân (11 người quê Cà Mau) được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Trung đoàn là cái nôi trưởng thành của 23 tướng lĩnh (7 người quê Cà Mau) và nhiều cán bộ cao cấp, những người từng giữ những vị trí trọng yếu trong Quân đội và Ðảng, Nhà nước. Ðiển hình là Ðại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 - U Minh.
Nhân buổi họp mặt truyền thống, ông Phan Thanh Nam (giữa) con trai cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tặng quyển sách lưu niệm về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1 - U Minh và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau.
Thiếu tướng Trần Vinh Quang, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trưởng ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 1 - U Minh, chia sẻ: "Cà Mau là nơi khai sinh ra Trung đoàn và các tiểu đoàn bộ binh: 309, 303, 307, 311 cùng nhiều đơn vị vũ trang khác. Nơi đây đã cung cấp sức người, sức của, nuôi dưỡng, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn từ những ngày đầu gian khó và ghi dấu những chiến công vang dội. Trong số 5.000 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã anh dũng hy sinh, có hàng ngàn người con ưu tú của Cà Mau, Bạc Liêu. Những năm tháng chiến đấu gian khổ, hết quân, bà con sẵn sàng tiễn chồng, con em mình vào đơn vị; hết gạo có dân lo, hết thuốc trị bệnh có dân mua giúp, thương binh được dân nuôi dưỡng, sĩ tử được dân chôn cất... Nhớ nhất là những bữa cơm, những đòn bánh tét nghĩa tình mà bà con mang đến cho bộ đội sau những ngày nhịn đói, nhịn khát chiến đấu với kẻ thù".
Buổi họp mặt thêm xúc động khi những câu chuyện thời hậu chiến được gợi nhắc. Các cựu chiến binh trân trọng kể về những tấm gương thương binh "tàn nhưng không phế" dù mang trên mình thương tật vẫn tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước, minh chứng cho tinh thần "Bộ đội Cụ Hồ" bất diệt. Ðó là anh Năm Khởi, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 309, dù chân không còn lành lặn vẫn xông pha khắp các mặt trận rồi trở thành người đứng đầu Phường 5, TP Cà Mau; là anh Sáu Do, Chính trị viên Ðại đội súng máy phòng không cao xạ, mất đi một cánh tay nhưng vẫn đảm nhiệm vị trí Phó giám đốc Sở Lao động và Thương binh Xã hội tỉnh Cà Mau. Và còn đó anh Hai Quang, Chính trị viên Ðại đội Quân y, mang trên mình thương tích nặng nề nhưng vẫn gánh vác trọng trách Chủ tịch, Bí thư xã, rồi Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ, Bí thư Tỉnh uỷ Hậu Giang, Phó ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ... Những người con ưu tú ấy đã viết tiếp bản hùng ca về sự kiên cường và tinh thần cống hiến của người chiến sĩ cách mạng.
Dù thời gian họp mặt trôi qua nhanh chóng, nhưng cảm xúc lắng đọng trong lòng những người lính năm xưa vẫn mãi đong đầy và lan toả. Trang sử cách mạng hào hùng của Trung đoàn 1 - U Minh sẽ mãi là nguồn cảm hứng bất tận, khơi dậy niềm tự hào và tiếp thêm ý chí, khát vọng dựng xây, phát triển quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Mộng Thường