(CMO) Thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được triển khai kịp thời, có hiệu quả đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Ðặc biệt, nguồn vốn này đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Xã Tân Phú (huyện Thới Bình) có 258 hộ dân tộc sinh sống, tập trung ở 2 ấp Ðầu Nai và Tapasa 1. Phó chủ tịch UBND xã Tân Phú Trần Văn Bảo cho biết, so với trước đây, cuộc sống của đồng bào có bước phát triển, những khu vực không chuyển dịch sản xuất thì trồng rẫy, những nơi đã chuyển dịch thì trồng lúa kết hợp nuôi tôm, cua. Với việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, bà con có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Gia đình có 2 người con đều đi lao động ngoài tỉnh, nhà chỉ còn vợ chồng bà Sơn Thị Nương (ấp Ðầu Nai). Tuổi đã ngoài 60, để có tiền trang trải, ông bà đề xuất với phụ nữ xin vay 30 triệu đồng từ nguồn tín dụng chính sách. Có vốn, gia đình đầu tư nuôi heo, trồng rẫy và buôn bán nhỏ. Hiện thu nhập từ trồng và buôn bán đảm bảo cuộc sống hàng ngày của ông bà. Gia đình đã trả ngân hàng được 6 triệu đồng, tiền gửi tiết kiệm hàng tháng được hơn 4 triệu đồng.
Nhờ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, vợ chồng bà Sơn Thị Nương có điều kiện trồng màu, buôn bán nhỏ, đảm bảo cuộc sống. |
Nhà 8 người con nhưng chỉ có 2 công đất vườn và 4 công đất ruộng, từ nhiều năm trước, ông Võ Văn Lực (ấp Ðầu Nai) được chính quyền xét cho vay 4 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Với đồng vốn này, ông Lực đào ao, mua cá trê phi thả nuôi. Ðến khi thu hoạch cá, ông lại mua heo nuôi. Khi heo tới lứa xuất chuồng, ông bán lấy tiền mua 2 con trâu và đề xuất với chính quyền nâng nguồn vốn vay từ NHCSXH. Ðược xét cho vay thêm 30 triệu đồng, ông mua thêm 2 con trâu. Hiện có 1 con trâu mới đẻ. Ông Lực nhẩm tính, trâu cái ông để lại nuôi cho sinh sản, trâu đực sẽ đem bán, cứ như vậy 1 con trâu nuôi khoảng 3 năm ông bán được trên 50 triệu đồng, còn thức ăn cho trâu thì người nhà tự đi cắt cỏ, không phải tốn thêm chi phí nào.
Ông Võ Văn Lực phát triển kinh tế từ mô hình nuôi trâu. |
Cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH Thới Bình Nguyễn Thành Hưng, quản lý địa bàn xã Tân Phú, cho biết: Tổng dư nợ đến ngày 31/3 là 45 tỷ đồng, có 2.152 hộ vay, với 11 chương trình tín dụng chính sách.
Phó giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thới Bình Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: “Thời gian qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền luôn quan tâm chăm lo đời sống của bà con đồng bào dân tộc trên địa bàn; luôn hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ nguồn vốn này đã giúp đồng bào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế nâng cao đời sống. Nhiều hộ thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, góp phần đáng kể vào công tác giảm nghèo, an sinh xã hội và xây dựng NTM ở địa phương”./.
Hồng Phượng