(CMO) Từ năm 2020 đến nay, xã Khánh Hội, huyện U Minh, thiệt hại ước tính hơn 3 tỷ đồng do thiên tai, bao gồm ảnh hưởng nhiều từ triều cường, áp thấp nhiệt đới, mưa dông... Do nằm cạnh mé biển nên khu vực chợ Khánh Hội là nơi chịu nặng nề nhất khi nước biển dâng hàng năm.
Khu vực bờ kè bao bọc chợ Khánh Hội được chính quyền địa phương gia cố trước mùa mưa bão, không chỉ chắn sóng, hạn chế nước biển dâng mà còn bảo vệ tài sản cho người dân.
Ông Lê Minh Thực, Ấp 3, xã Khánh Hội, cho biết: “Mỗi khi đến mùa mưa, nước dâng cao hơn những khu vực khác nên bà con rất lo lắng, phần vì của cải, tài sản kinh doanh nhiều, rất khó thu gom trong thời gian ngắn. Mong chính quyền địa phương, cấp trên rà soát, gia cố chắc chắn những khu vực có nguy cơ, thông báo kịp thời cho người dân ứng phó khi có sự cố”.
Cùng chung suy nghĩ, chị Trương Thuý Kiều, Ấp 3, tha thiết: “Thời tiết biến đổi không ngừng, có khi mùa mưa đến sớm, mưa nghịch mùa khiến người dân trở tay không kịp. Cho nên tôi thấy trước khi trông chờ vào sự hỗ trợ của địa phương, mỗi hộ gia đình nên tự ý thức nâng cao cảnh giác, nhất là bà con sống khu vực mé biển”.
Còn nhớ trận nước dâng kỷ lục vào tháng 9/2022 làm nhà cửa, tài sản của gần 300 hộ dân ngập sâu trong nước. Ông Ðỗ Văn Lem, Ấp 3, kể lại: “Trời đang trong xanh, có nắng như ngày thường, nhưng chỉ trong khoảng 10 phút chuyển sang tối sầm, mưa kéo đến mỗi lúc càng nặng hạt, ngoài mé biển sóng bắt đầu dâng cao khiến nhiều người trở tay không kịp. Nước dâng ngập lộ, những nhà có nền thấp, đồ đạc trôi không vớt kịp”.
Người dân sống quanh khu vực Ấp 3 đa số là tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ để phục vụ ngư dân vùng biển. Ðồ đạc nhiều, rất khó kiểm soát, để ứng phó, trước mỗi mùa mưa bão, người dân thường thực hiện các giải pháp tạm thời như: kê cao đồ đạc, đóng kệ, xây nền sạp cao, dùng các thùng nhựa, can rỗng chứa đồ dùng quan trọng… Những cách làm hay, ít tốn chi phí này được nhiều người áp dụng.
Là tiểu thương kinh doanh tại chợ Khánh Hội nhiều năm qua, mỗi mùa mưa bão, ông Nguyễn Thành Sơn, ngụ Ấp 3, lại tích luỹ thêm kinh nghiệm ứng phó với thuỷ triều, nước dâng.
Ông Sơn chia sẻ: “Nhà tôi kinh doanh vải vóc may mặc nên để giảm thiệt hại, tránh rủi ro khi mùa mưa bão đến, từ nhà đến cửa hàng, mọi vật tôi đều đóng kệ hoặc dùng gạch kê lên cao, chi phí tiết kiệm nhưng hiệu quả. Những vật dụng gắn điện như: ti vi, tủ lạnh, máy giặt phải để trên cao, vì nếu bị ngập nước coi như hư. Cứ chuẩn bị trước, nếu có đi vắng không về kịp thì cũng an tâm phần nào”.
Nhà ông Sơn kinh doanh vải vóc nên mọi vật dụng, sạp hàng được kê cao, đây cũng là giải pháp tạm được nhiều hộ dân, tiểu thương áp dụng.
Ông Quách Hoàng Khải, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho biết: “Khánh Hội là xã vùng ven biển, mỗi năm triều cường, nước dâng ảnh hưởng nhiều đến đời sống bà con. Ðể chủ động ứng phó, UBND xã thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với Ðồn Biên phòng tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, kê cao các vật dụng trong gia đình, tránh gây ảnh hưởng, thiệt hại về tài sản. Ðồng thời, thông báo kịp thời đến các chủ phương tiện đang đánh bắt ngoài khơi, cũng như nghiêm cấm ra khơi khi không đủ điều kiện quy định về phòng, chống thiên tai”.
Ðịnh kỳ, trưởng ấp chủ động tuyên truyền, vận động người dân chằng chống nhà cửa, sơ tán đến điểm an toàn khi có bão xảy ra. Những hộ dân sống gần cửa biển, cặp đê như tại các ấp trọng yếu: 1, 3, 6, 8 sẽ được đưa vào nơi tránh, trú an toàn khi có bão xảy ra.
Tại xã Khánh Hội có khu tái định cư xen ghép và Khu tái định cư Lung Ranh, số hộ sống trong khu vực không an toàn được di dời về nơi cư trú ổn định. Trong năm 2022, Khánh Hội cũng được huyện U Minh chọn diễn tập phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ, nâng cao năng lực phòng chống, ứng phó thiên tai cho người dân./.
Ngô Nhi