(CMO) Ngành giáo dục Cà Mau hiện có hơn 16.000 giáo viên và quản lý giáo dục; trong đó có 100% cán bộ quản lý giáo dục và 99,74% giáo viên mầm non, phổ thông đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên (theo chuẩn cũ).
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân khẳng định: “Đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định thành bại của đổi mới giáo dục. Do đó, bản thân mỗi thầy, cô giáo phải tự học và sáng tạo để vững tay chèo lái "con thuyền tri thức" của lớp lớp thế hệ học trò căng buồm vươn xa”.
Vai trò của "thuyền trưởng"
Phương châm lãnh đạo của cô Lê Thị Lệ Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tạo, TP Cà Mau là người hiệu trưởng phải có tâm, tầm, tài, quyết đoán, để hiện thực hoá những ý tưởng đổi mới. Bởi cô cho rằng: “Hiệu trưởng đóng vai trò quyết định từ kết quả, chất lượng giáo dục của nhà trường, tới chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của tập thể giáo viên, nhân viên của trường”. Người hiệu trưởng đóng vai trò kết nối các tổ chức chính trị, đoàn thể lại với nhau như một gia đình.
Gần gũi, ân cần, cô Lê Thị Lệ Thu luôn được học trò yếu mến, kính trọng. |
Trường Tiểu học Nguyễn Tạo không chỉ giữ vững thành tích là một trong những trường dẫn đầu về chất lượng giáo dục của TP Cà Mau mà hằng năm chất lượng giáo dục liên tục được nâng lên với nhiều thành tích đáng tự hào. Điển hình năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tỷ lệ học sinh lên lớp 100%; tỷ lệ học sinh được tặng thưởng 80,4%.
Đặc thù của Trường THPT Nguyễn Việt Khái, TP Cà Mau có đối tượng học sinh được tuyển vào không qua thi tuyển mà chỉ xét tuyển điều kiện về hồ sơ hợp lệ và được xét sau khi các trường THPT khác trong cùng khu vực đã đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Thế nên, tỷ lệ học sinh cá biệt cả về học lực và hạnh kiểm chiếm rất cao trong từng năm học. Tuy vậy, bằng sự phấn đấu của tập thể sư phạm nhà trường, trong đó vai trò của người hiệu trưởng là cốt lõi, ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả giáo dục của nhà trường.
Thầy Huỳnh Hữu Nhân, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Khái, trải lòng: "Giáo viên như người lái đò, còn chúng tôi không đơn thuần là “lái” mà còn phải “chống sào” đẩy “thuyền”. Nếu gặp thiếu sót, khuyết điểm thì mình phải chịu sào, gánh trách nhiệm".
Suốt gần 20 năm, với vai trò hiệu trưởng, thầy Hữu Nhân nhận thức rõ nhiệm vụ của mình là phải giữ vững một tập thể đoàn kết nhất trí, xây dựng nền nếp “Dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”. Thầy cho rằng, đối với học sinh, nếu xây dựng được nền nếp là có tất cả.
“Do trường có nhiều học sinh cá biệt, nên nền nếp là yếu tố quyết định chất lượng dạy và học. Song, trong cương có nhu, bởi số đông các em thiếu tình thương (mồ côi, cha mẹ ly hôn, hoặc làm ăn xa) nên cần phải lạt mềm buộc chặt mới thành công”, thầy Hữu Nhân chia sẻ.
Chính sự năng động, sáng tạo, mạnh dạn đổi mới công tác quản lý phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, mà nay chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên, hiệu quả đào tạo của trường rất cao (so tỷ lệ đầu ra với đầu vào - trong những năm qua, nhà trường chỉ xét tuyển học sinh đã thi không đủ điểm vào các trường THPT khác trong tỉnh, nhưng sau 3 năm học tập tại trường, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT xấp xỉ bằng với tỷ lệ chung của tỉnh). Không có giáo viên vi phạm việc dạy thêm, học thêm.
Vững "tay lái"
Hiện nay, sự nghiệp GD&ĐT của tỉnh đang có bước phát triển vững chắc trên các mặt quy mô, mạng lưới trường lớp, nguồn nhân lực và hiệu quả đào tạo các cấp học, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. Đây đều là công lao to lớn của những người lái đò tận tâm với sự nghiệp trồng người.
“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Những thầy giáo, cô giáo coi cuộc đời giống như những cuộc chạy tiếp sức dài bất tận. Và để không lạc nhịp ở thời hội nhập, mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo, đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ, tiêu chí trọng tâm của ngành.
Cô Lê Thị Lệ Thu cho rằng, việc tự học của các nhà giáo và người quản lý trong các nhà trường vừa là quá trình để hoàn thiện mình, vừa là lương tâm, trách nhiệm, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Trong quá trình rèn luyện, sự sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy chính là nền tảng quan trọng thực hiện hiệu quả việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường.
Đối với Sở GD&ĐT, những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng là tiêu chí hàng đầu để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, quản lý giáo dục của ngành. Ngành đã xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới cho quản lý, giáo viên; tạo điều kiện cho giáo viên hoàn thiện các tiêu chuẩn theo yêu cầu của hạng chức danh nghề nghiệp, đảm bảo việc thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Bên cạnh, có kế hoạch hằng năm thực hiện việc rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ nhà giáo và quản lý các cấp theo các tiêu chuẩn mới.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân, năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; một số giáo viên thiếu kỹ năng, phương pháp sư phạm. Ông Luân cho rằng, năng lực quản lý và quản trị nhà trường của một bộ phận quản lý còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình quản lý chất lượng dựa trên chuẩn, tiêu chuẩn; dân chủ trong trường học còn nhiều bất cập.
Căn cứ Quyết định số 732/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục, tạo bước chuyển biến cơ bản trong việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo tỉnh Cà Mau năm 2016-2020, định hướng đến năm 2025./.
Băng Thanh