(CMO) Những ngày qua, việc mua bán, đi lại của hàng trăm hộ dân và bà con tiểu thương chợ Cơi 5 (xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) gặp rất nhiều khó khăn do bị cô lập bởi nhiều đoạn lộ bị sụp lún.
Bà Đặng Thuý Liễu, Ấp 1, xã Trần Hợi, than thở: "Buôn bán có được gì đâu, hàng hoá còn tồn đọng, đường sá vậy nguy hiểm quá".
Hiện tại, hệ thống giao thông đường thuỷ trong vùng ngọt trên địa bàn huyện Trần Văn Thời bị tê liệt hoàn toàn, việc đi lại, vận chuyển các loại hàng hoá, nông sản của người dân chủ yếu bằng đường bộ. Thế nhưng, nhiều đoạn lộ bị sụp lún làm cho giao thông đường bộ bị chia cắt nên chi phí vận chuyển cũng tăng cao.
Anh Trần Quốc Văn, ấp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc, chia sẻ: “Lúa khô bà con dự trữ giờ mới bán dần, giá cả được nhưng thêm nhiều chi phí. Mình vận chuyển cũng đâu được thường xuyên, khi thương lái gọi thì mình chạy đi. Mùa này, phải vận chuyển nông sản bằng xe riết rồi xe cộ cũng hư theo".
Dù vậy, người dân vẫn tìm mọi cách ứng phó với mùa hạn khắc nghiệt. Và cuộc sống vẫn tiếp diễn trong bao nỗi lo âu, trăn trở./.
Ghe chở lúa vẫn vận chuyển lúa đến các tỉnh vùng trên để bán trong suốt mùa hạn. (Các ghe thường đậu trước đập ngăn mặn). |
Chuối của bà con xã Trần Hợi được thương lái mua rồi đưa lên xe tải chuyển đến các tỉnh khác bán. |
Do đường xã bị chia cắt, bà con ấp Kinh Dớn, xã Khánh Bình Tây Bắc vận chuyển lúa khô bằng đường bộ. |
Dừa là mặt hàng rất hút vào mùa này nên không đủ nguồn cung. (Ảnh chụp vận chuyển dừa tươi ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời). |
Mùa hạn, nước các ao đã rút, bà con ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây tranh thủ mò cá cạn. |
Nhật Minh