Xã Khánh Lâm, huyện U Minh, là vùng đất cách mạng, mang nhiều vết tích chiến tranh. Sau nhiều năm nỗ lực xây dựng, đến nay, diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc, đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên.
- Sức bật ở một xã anh hùng
- Ðổi thay xã anh hùng Lương Thế Trân
- Sức sống mới của xã anh hùng Nguyễn Việt Khái
Ông Trà Việt Hoàng, Trưởng Ấp 2, năm nay 70 tuổi, nhớ lại: “Những năm 1970-1972, giặc càn quét Khánh Lâm rất dữ dội, đặc biệt là khu vực Ấp 2 ngày nay. Với ý chí bám đất, bám quê hương, sau năm 1975, người dân bắt tay vào sản xuất, kinh tế dần dần được khôi phục, người dân từ nơi khác đến làm ăn ngày một nhiều”.
Chiến tranh kết thúc, xã Khánh Lâm gánh chịu hậu quả nặng nề. Kinh tế nghèo nàn, sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn do chưa có cống ngăn mặn, giữ ngọt. Ông Lê Thanh Mãi, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Mặc dù trong chiến tranh, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng bằng sự đoàn kết, quyết tâm của Ðảng bộ, chính quyền và người dân trong xã, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt, từ khi Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) triển khai, từng bước làm thay đổi vùng quê Khánh Lâm anh hùng”.
Từ năm 2011, xã Khánh Lâm bắt tay xây dựng NTM. Theo đó, trên cơ sở hệ thống các văn bản được Trung ương, tỉnh, huyện ban hành, UBND xã phối hợp với các ban, ngành huyện triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, phân chia lộ trình thực hiện từng tiêu chí cụ thể, đặc biệt tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Ðến nay, tỷ lệ đường xã từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hoá, bê tông hoá, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 100%. Ðường được mở rộng, từ đây cũng mở ra nhiều triển vọng phát triển mới cho người dân địa bàn xã.
Nhiều tuyến đường được nâng cấp mở rộng.
Ông Lưu Văn Hiếu, Ấp 2, cho biết: “Từ khi có lộ, con em trong xóm, ấp đi học không còn vất vả, việc buôn bán nông sản của người dân cũng dễ dàng, không còn cảnh sắp tới vụ mùa phải đi tìm thương lái trước, hay gặp cảnh ép giá, bởi thương lái đến tận nơi thu mua theo giá cả thị trường. Ðời sống kinh tế người dân được nâng lên”.
Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã 50 triệu đồng/năm. Toàn xã còn 282 hộ nghèo, chiếm 8%; hộ cận nghèo 68 hộ, chiếm 1,93%. Năm 2024, xã triển khai 7 mô hình cho hộ nghèo tiếp cận và các chương trình, dự án có liên quan đến công tác giảm nghèo; đồng thời phân công đảng viên, các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
“Thời gian qua, để góp phần thực hiện Tiêu chí số 17 về môi trường, Ban Công tác Mặt trận và các ngành, đoàn thể ấp đã vận động Nhân dân tích cực vệ sinh môi trường, trồng cây xanh. Ðến nay, các hộ dân trên địa bàn Ấp 2 đã thực hiện tốt việc trồng hàng rào cây xanh trước nhà, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp”, ông Hoàng chia sẻ.
Nhiều cây cầu được đầu tư trong chương trình xây dựng NTM.
Khánh Lâm là vùng chuyên canh lúa của huyện U Minh, với tổng diện tích 2.300 ha, năng suất bình quân 5-6 tấn/ha, sản lượng 33.200 tấn. Ông Võ Ngọc Châu, phụ trách khuyến nông, khuyến ngư xã, cho biết: “Ngoài sản xuất lúa theo phương thức truyền thống, xã còn triển khai các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, cán bộ cơ sở thường xuyên phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện xuống trực tiếp địa bàn ấp hướng dẫn nông dân. Qua đây, người dân sản xuất đạt hiệu quả và không xảy ra dịch bệnh làm ảnh hưởng đến kinh tế”.
“Hiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và phát triển nông thôn với đô thị theo quy định; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hoá; dân trí được nâng cao, môi trường xanh - sạch - đẹp, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần người dân đổi thay. Ðến nay, xã đạt 10/19 tiêu chí NTM, các tiêu chí chưa đạt hiện tỷ lệ cũng đạt từ 70-80%. Phấn đấu xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay”, ông Mãi thông tin./.
Lê Thức