Ðối với sinh viên vùng sâu, vùng xa như tỉnh Cà Mau, các chính sách ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc, giúp các em giảm bớt khó khăn về chi phí học hành, thêm điều kiện thực hiện ước mơ tri thức.
Quyết định số 53/2015/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú với học sinh, sinh viên (HSSV) học cao đẳng, trung cấp và Thông tư số 05/2023/TT-BLÐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó có quy định HSSV theo học các ngành có trong danh mục các ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đào tạo ở trình độ trung cấp, cao đẳng sẽ được hưởng chính sách miễn giảm học phí 70%. Ðây là hai trong nhiều chính sách thiết thực, góp phần giải toả áp lực tài chính đối với nhiều bậc phụ huynh, đồng thời tiếp sức cho các bạn trẻ khi bước vào giảng đường cao đẳng, đại học.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà nông nghèo, con đường học vấn của em Phạm Chí Nguyên (xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời) vất vả hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Cha không làm được việc nặng, kinh tế gia đình phụ thuộc vào mẹ, vì thế khi tốt nghiệp THPT, Nguyên trăn trở về quyết định có nên tiếp tục học hay không.
“Từ khi còn là học sinh, em rất đam mê ngành nghề về thuỷ sản. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng gia đình vẫn cố gắng động viên để em tiếp tục học. Ðến nay, em đã là sinh viên năm nhất ngành Nuôi trồng thuỷ sản của Trường Cao đẳng Cộng đồng (CÐCÐ) Cà Mau. Càng bất ngờ và vui mừng hơn khi ngành học của em nằm trong danh mục được miễn giảm 70% học phí theo Thông tư số 05”, Nguyên chia sẻ.
Ðược miễn giảm khoản tiền học khá lớn, mỗi học kỳ Nguyên chỉ đóng hơn 600 ngàn đồng tiền học phí. Bên cạnh đó, vào đầu năm học, em còn nhận được học bổng do nhà trường trao tặng.
Là cựu học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, khi bước vào những năm đầu của quãng đời sinh viên, em Sơ Yến Vy, dân tộc Khmer, sinh viên ngành Công nghệ thông tin, khoá 17, Trường CÐCÐ Cà Mau, như được nhân lên niềm vui khi được xét hưởng khoản trợ cấp ưu đãi từ chính sách nội trú.
Nhận được hỗ trợ từ chính sách nội trú, em Sơ Yến Vy (bìa phải) có thêm nguồn tài chính để trang trải học phí.
Yến Vy chia sẻ: “Thông qua buổi sinh hoạt đầu năm, em được nhà trường phổ biến về các chính sách mình được thụ hưởng và các thầy cô quan tâm, tạo điều kiện làm các thủ tục cho em để không bị chậm trễ. Theo đó, mỗi năm học, em được nhận số tiền hỗ trợ trên 22 triệu đồng; là sinh viên năm nhất, em còn được nhận thêm khoản tiền đi lại và mua đồ cá nhân. Em rất vui vì Ðảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm cho HSSV là người đồng bào dân tộc, em sẽ cố gắng học tập có kết quả thật tốt để sau này phục vụ quê hương”.
Từ năm 2024, thực hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho sinh viên, Trường CÐCÐ Cà Mau đã hỗ trợ 251 HSSV với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng. Trong đó, đối tượng được hỗ trợ nhiều nhất là sinh viên sư phạm và ngành giáo dục mầm non. Riêng chính sách nội trú dành cho đối tượng sinh viên tốt nghiệp THPT các trường dân tộc nội trú, mỗi năm nhà trường hỗ trợ từ 18-20 em, số lượng sinh viên được hỗ trợ đều tăng theo từng năm.
Thầy Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Công tác HSSV Trường CÐCÐ Cà Mau, cho biết: “Các đối tượng được hưởng chính sách Nhà nước trường rất quan tâm. Phòng Công tác HSSV với trách nhiệm của mình phải thực hiện đúng đối tượng, đủ về thời gian và không có trường hợp bị chậm trễ. Ngay từ đầu năm học, trong các buổi sinh hoạt công dân, bên cạnh triển khai chuyên đề thông tin với người học thì riêng đối với sinh viên năm nhất, trường còn triển khai cụ thể về các chế độ chính sách, đảm bảo 100% người học phải nắm và hiểu các chính sách này. Bên cạnh đó, nhà trường còn ban hành sổ tay sinh viên có đầy đủ nội dung về các chế độ chính sách”.
Về các ngành học độc hại, hiện tại, trường đào tạo hai hệ: cao đẳng và trung cấp. Riêng bậc cao đẳng có ngành nuôi trồng thuỷ sản; bậc trung cấp có ngành nuôi trồng thuỷ sản mặn - lợ và chăn nuôi thú y, hai ngành học này đều có số lượng tuyển sinh khá đông.
Theo thầy Vinh, nhờ những chính sách hỗ trợ đã góp phần đảm bảo về chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của nhà trường. Vì đặc thù những ngành học này, người học được hưởng nhiều quyền lợi, bên cạnh học phí thấp thì trong quá trình học tập, sinh viên năm 2, năm 3 đã có thể thực tập tại các doanh nghiệp thuỷ sản mũi nhọn tại Cà Mau, góp phần đảm bảo vấn đề việc làm sau khi ra trường./.
Yến Nhi - Hữu Nghĩa