(CMO) Chỉ mới gần 1 tháng kể từ sau Tết Nguyên đán, nhưng giá xăng dầu đã có 2 lần điều chỉnh. Song, nhìn chung hoạt động vận tải, giá các mặt hàng kinh doanh chưa ghi nhận biến đổi lớn.
Tại Bến xe khách Cà Mau, theo ghi nhận, giá vé xe liên tỉnh của các doanh nghiệp vận tải vẫn giữ mức ổn định, chưa có sự điều chỉnh giá. Theo ban điều hành bến xe, mỗi ngày có khoảng 1.500 lượt khách về và gần 2.000 lượt khách đi.
Chưa phục hồi sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19, nay các công ty vận tải hành khách còn gặp khó do giá xăng dầu liên tục tăng. |
Cụ thể, với Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang, giá vé từ Cà Mau đi Cần Thơ 140.000 đồng/người; Cà Mau đi Sài Gòn 210.000 đồng/người.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó giám đốc Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang Cà Mau, cho biết: “Xăng dầu đóng vai trò quyết định trong hoạt động vận tải, chiếm đến 30-40% chi phí của mỗi chuyến đi. Nếu tăng giá xăng dầu thì phần lợi nhuận sẽ giảm xuống, có khi lỗ. Ảnh hưởng dịch bệnh nên dù các tuyến đã được mở lại, nhưng hiện lượng khách đi cũng hạn chế, so với cùng kỳ lượng khách chỉ bằng 50%. Công ty cũng đang tính toán lại chi phí, có thể sắp tới sẽ tăng giá vé để bù lỗ”.
Tương tự, Bà Nguyễn Thị Mỹ Diệp, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thương mại Giáp Diệp, bộc bạch: “Giá xăng dầu tăng đã làm ảnh hưởng hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải. Từ trước dịch chỉ hơn 14.000 đồng/lít dầu, đến nay 22.000 đồng/lít khiến hoạt động vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện tại, các doanh nghiệp cũng chưa dám tăng giá. Bởi tình hình dịch bệnh ảnh hưởng, người dân đang khó khăn, đi lại còn hạn chế. Nếu tăng giá sẽ ảnh hưởng đến người dân, số lượng hành khách có khi lại sụt giảm. Hiệp hội vận tải tỉnh đang có kế hoạch họp lại chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”.
Ghi nhận hoạt động khai thác đánh bắt trên biển của ngư dân, hầu hết đều tỏ ra lo ngại trước giá xăng dầu cứ tăng liên tục. Một chủ tàu cá (Khóm 2, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) than: “Hiện nay, tình hình đánh bắt trên biển khó khăn, giá cá từ sau Tết sụt giảm. Chẳng hạn như, giá cá ngừ bán tại biển 30.000 đồng/kg, giờ còn dao động 20.000-25.000 đồng/kg. Nhưng giá dầu cứ tăng lên, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai thác, đánh bắt của ngư dân”.
Cũng theo ông Bình, một ngư dân sống chủ yếu dựa vào nghề biển, dù phá huề, lỗ cũng phải chạy, không đậu được. Chỉ mong mỗi chuyến ra khơi trúng lớn thì giá dầu có tăng cũng đỡ phần ảnh hưởng.
Giá xăng dầu tăng còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác đánh bắt trên biển của ngư dân, hầu hết đều tỏ ra lo ngại trước giá xăng, dầu cứ tăng liên tục, trong khi giá các loại thuỷ sản đánh bắt giảm. |
Ðối với các mặt hàng nhu yếu phẩm, giá cả hiện tại vẫn giữ mức ổn định, chưa “ăn theo” xăng dầu. Tại Co.opmart Cà Mau, giá cả các mặt hàng hiện vẫn giữ mức bình ổn.
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Co.opmart Cà Mau, thông tin: “Giá cả các mặt hàng không ảnh hưởng giá xăng dầu tăng. Qua Tết, thông thường sức mua có giảm, nhưng hàng hoá vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân”.
Ðối với các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, hiện nay giá cả vẫn giữ mức ổn định, không “ăn theo” xăng dầu, nên không ảnh hưởng lớn đến người dân. |
Dạo vòng quanh các khu chợ trên địa bàn TP Cà Mau, ghi nhận các mặt hàng rau củ quả, sức mua có giảm, song giá cả vẫn không có sự chênh lệch nhiều.
Buôn bán khóm từ Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đến chợ Phường 7 đã hơn 10 năm nay, chị Ðàm Thị Kiều Diễm (Kiên Giang) chia sẻ: “Giá xăng dầu tăng nên chi phí cũng đội lên, tiền nhân công bốc vác cũng tăng, nhưng do sức tiêu thụ thấp nên giá khóm không tăng, mỗi chuyến lời ít hơn trước”.
Nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ cũng chia sẻ, mấy ngày gần đây, giá cả rau củ quả lấy về vẫn ổn định, không tăng. Cà chua có giá 7.000 đồng/kg, đậu đũa 10.000 đồng/kg, khổ qua 15.000 đồng/kg, củ cải trắng 8.000 đồng/kg…
Sau 2 lần giá xăng tăng, giá các loại rau củ quả tại Chợ Phường 7 chưa ghi nhận biến động. |
Hồng Nhung