Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, nguồn lợi thủy sản và các loài động vật trong tự nhiên đang bị đe dọa suy kiệt bởi sự khai thác quá mức, thiếu ý thức bảo tồn của con người. Việc cấm khai thác tận diệt và tiêu thụ các loài cá non của tỉnh hiện nay là một chủ trương cấp bách và phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.
Hiện nay, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các quy định pháp lý, các chế tài xử lý vi phạm đã được ban hành đầy đủ. Các cơ quan chức năng cũng đã triển khai các biện pháp, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, viên chức, công chức và người dân. Tuy nhiên, có cầu ắt có cung, đó là quy luật tự nhiên của cuộc sống. Vậy làm thế nào để việc cung cầu theo quy luật này mang tính nhân văn, trở thành văn hóa tiêu dùng thân thiện với môi trường, bảo vệ nguồn lợi tự nhiên để phát triển bền vững, không chỉ các loại thuỷ sản non mà kể cả các loài động vật hoang dã ?
Đây là câu chuyện mà nhà quản lý và người dân cần có tiếng nói chung. Cần có sự phối hợp hiệu quả, thống nhất và duy trì thực hiện như một tiêu chí cốt lõi trong đời sống hàng ngày. Xây dựng một cộng đồng tiêu dùng nhân văn, nói không với các loại thủy sản non và động vật hoan dã khai thác trái phép từ môi trường tự nhiên là điều cần thiết.
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung tuyên truyền việc cấm khai thác và tiêu thụ thủy sản kiểu đánh bắt tận diệt, trong đó có các loại cá non. Các hoạt động này đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Nhiều hộ dân đã chủ động giao nộp dụng cụ đánh bắt tận diệt như dụng cụ kích điện và cam kết không khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản, nhất là các loại cá non. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng đã tiến hành xử phạt các trường hợp cố tình vi phạm để giáo dục, răn đe không tái phạm.
Nhiều hộ dân đã chủ động giao nộp dụng cụ đánh bắt tận diệt như dụng cụ kích điện và cam kết không khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản, nhất là các loại cá non. Ảnh: Kim Cương
Trong khi những nỗ lực đẩy lùi nạn khai thác và đánh bắt tận diệt chủ yếu tập trung vào tuyên truyền, vận động và xử phạt đối tượng trực tiếp khai thác, việc đẩy lùi tình trạng này không thể bền vững nếu nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận người dân, thậm chí có cả gia đình cán bộ, công chức, viên chức, vẫn còn. Việc chấm dứt tình trạng khai thác và đánh bắt nguồn lợi thủy sản, nhất là các loài cá non, các loại động vật hoang dã chỉ có thể bền vững khi toàn xã hội nói không với các loài thủy sản non, các loài động vật hoang dã cấm khai thác. Nỗ lực đến một ngày nào đó, người khai thác mang ra chợ bán các loại cá non (như cá rô tâm tích, cá lòng ròng, cá sặc non,… và các loài động vật hoang dã cấm khai thác) mà không có người mua, thì việc cấm đánh bắt các loài cá non cũng như các loại động vật hoang dã trong tự nhiên đã hiệu quả và bền vững.
Vì vậy, chúng ta không chỉ cần tuyên truyền, giúp đỡ, vận động và xử phạt những người trực tiếp khai thác, đánh bắt các loại cá non bất hợp pháp, mà còn cần có giải pháp tuyên truyền đến tất cả người tiêu dùng, nói không với các loài cá non, các loài động vật hoang dã cấm khai thác.
Việc này không cần tổ chức sự kiện hay tiêu tốn kinh phí quá nhiều mà có thể thực hiện lồng ghép với các đoàn thể ở cơ sở như phụ nữ, thanh niên, nông dân, cựu chiến binh, mặt trận khóm, ấp,… Tất cả các đoàn thể này đều có thành viên trong từng gia đình. Chúng ta nên xây dựng lực lượng này làm nòng cốt để tuyên truyền, vận động không sử dụng các loài cá non trong bữa ăn hàng ngày của từng gia đình và vận động người thân cùng thực hiện. Từ đó, tạo thành một phong trào, một thói quen và dần hình thành một cộng đồng xã hội nói không với khai thác tận diệt, nói không tiêu dùng các loài cá non và các loài dộng vật hoang dã cấm khai thác trong tự nhiên.
Bước đầu có thể xây dựng một khu dân cư hoặc một ấp, một tổ chức đoàn thể để tiên phong thực hiện phong trào. Từ đó, biểu dương, nhân rộng ra thành một nét văn hóa tiêu dùng nhân văn trong cả cộng đồng, không chỉ đối với các loài cá non mà cả các loài động vật hoang dã khác để bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của cuộc sống.
Nguyễn Ngọc