ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 20-4-25 02:48:40
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xây dựng mạng lưới trường học đồng bộ, bền vững

Báo Cà Mau Tỉnh Cà Mau vừa sơ kết 3 năm thực hiện Ðề án Sắp xếp, phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 (Ðề án). Theo đó, một trong những kết quả quan trọng là việc xoá, ghép điểm lẻ ở các bậc học, từng bước hình thành mạng lưới trường lớp theo hướng đồng bộ, bền vững, phục vụ mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục.

Phù hợp thực tế

Ngành giáo dục huyện Trần Văn Thời có quy mô giáo dục thuộc tốp đầu của tỉnh Cà Mau. Ông Phạm Việt Bắc, Phó trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo địa phương này, cho biết: “Tổng số trường học do đơn vị quản lý hiện tại là 78 trường. Thời gian qua, từ hơn 60 điểm lẻ ở các bậc học, ngành đã nỗ lực sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp theo chủ trương của Ðề án, đến nay chỉ còn lại 26 điểm lẻ ở bậc tiểu học và THCS”.

Từ thực tế của địa phương, ông Bắc phân tích: “Việc xoá, ghép điểm lẻ không thể làm theo ý chí chủ quan, áp đặt chỉ tiêu mà còn phải tính đến nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là thật sự phù hợp, tạo sự đồng thuận ủng hộ của phụ huynh, học sinh. Ðồng thời còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội thực tế của địa phương. Những điểm lẻ còn tồn tại thật sự rất cần thiết để phục vụ việc học tập của học sinh, chủ yếu là ở các vùng nông thôn xa, điều kiện khó khăn”.

Ngành giáo dục huyện Trần Văn Thời hiện vẫn còn khó khăn vì tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên (chủ yếu là giáo viên Tiếng Anh, Tin học; nhân viên y tế, nhân viên trang thiết bị học đường), trong khi nguồn tuyển mới chưa đáp ứng đủ. Bên cạnh đó, số lượng phòng học thực tế còn thiếu, trang thiết bị phục vụ cho Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 chưa được trang bị đủ. Một số đơn vị trường học đạt chuẩn vướng mắc khi thẩm định và công nhận lại vì cơ sở vật chất được đầu tư lâu, xuống cấp.

“Phù hợp với thực tế và gắn với mục tiêu Ðề án là quyết tâm của ngành giáo dục huyện Trần Văn Thời. Tuy nhiên, đối với các đơn vị trường học vùng nông thôn nên có lộ trình, giải pháp và ưu tiên nguồn lực trong việc sắp xếp, phát triển mạng lưới trường lớp trên địa bàn”, ông Bắc chia sẻ.

Ưu tiên nguồn lực

Một trong những mục tiêu của Ðề án là dần xoá đi chênh lệch về điều kiện giáo dục giữa thành thị - nông thôn; giữa điểm chính - điểm lẻ, tạo môi trường giáo dục toàn diện nhất cho học sinh. Ðối với các đơn vị trường học vùng nông thôn, công việc này phụ thuộc lớn vào nguồn lực đầu tư.

Ðiểm chính của Trường Tiểu học 2 Phong Ðiền vừa được đầu tư xây dựng mới khang trang.

Ông Trần Hoàng Vũ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 Phong Ðiền (huyện Trần Văn Thời), thông tin: “Trường hiện tại có 546 học sinh, 18 lớp, 1 điểm chính và 1 điểm lẻ. Nhà trường đang nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu đạt chuẩn vào năm học tới”.

Trước đây, Trường Tiểu học 2 Phong Ðiền có 2 điểm lẻ, đã xoá được 1 điểm lẻ vào năm 2019. Ðiểm chính hiện tại toạ lạc ở ấp Công Ðiền, vừa được đầu tư xây dựng mới khang trang và đưa vào sử dụng từ cuối năm học 2022-2023. Ðiểm lẻ còn lại là điểm Tân Tiến (ấp Tân Tiến, xã Phong Ðiền) đang được đề xuất sửa chữa, nâng cấp. Theo ông Vũ: “Vì điểm chính vừa được đầu tư mới, nên kinh phí sửa chữa điểm lẻ phải chờ”.

 Điểm lẻ Tân Tiến, Trường tiểu học 2 Phong Điền xuống cấp do được đầu tư lâu.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tiến, phụ trách điểm lẻ Tân Tiến, chia sẻ: “Trước đây, điểm này là điểm chính của trường trong thời gian khá lâu, do sắp xếp lại nên giờ trở thành điểm lẻ. Nói là điểm lẻ nhưng ở đây có tới 8 lớp, 256 học sinh, cũng không thua điểm chính bao nhiêu. Tuy nhiên, 2 dãy phòng học với 8 lớp thì có dãy được xây dựng từ năm 1997, dãy mới cũng xây từ năm 2004, hiện tại xuống cấp nhiều lắm”.

Qua 3 năm thực hiện Ðề án, đối với giáo dục công lập: cấp mầm non đã xoá 43 điểm học nhờ, 1 điểm lẻ, điều chỉnh bố trí bổ sung mới 4 điểm lẻ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của Nhân dân; cấp tiểu học xoá được 22 điểm trường lẻ; cấp THCS xoá được 1 điểm trường lẻ; cấp THPT ghép điểm Trường THCS Lê Hoàng Thá vào Trường THPT Tân Bằng thành Trường THCS-THPT Tân Bằng (huyện Thới Bình); chuyển Trường THCS Nguyễn Huân (huyện Ðầm Dơi) thành Trường THCS-THPT Nguyễn Huân trực thuộc Sở Giáo dục và Ðào tạo.

Qua tìm hiểu, điểm lẻ Tân Tiến có lượng học sinh khá đông từ Phong Ðiền, Phong Lạc (huyện Trần Văn Thời) và Phú Mỹ (huyện Phú Tân), do đó việc duy trì nơi đây là cần thiết. Dù đã rất nỗ lực cho điểm lẻ, nhưng theo tâm sự của thầy Trần Minh Luân, Phó hiệu trưởng nhà trường, thì: “Ðiểm này cách điểm chính khoảng 4 cây số, so với điểm chính thì điều kiện học tập của các em học sinh điểm lẻ thiệt thòi hơn. Các phòng chức năng, phòng máy tính ở điểm chính nên các em học sinh điểm lẻ khó tiếp cận để phục vụ cho việc học tập”.

Để đạt chuẩn vào năm học tới, Trường tiểu học 2 Phong Điền đang chờ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất cho điểm lẻ Tân Tiến.

Việc sắp xếp, phát triển mạng lưới trường lớp cho khu vực nông thôn còn là một trong những tiêu chí quan trọng cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo ông Phạm Việt Bắc: “Việc xây dựng trường đạt chuẩn, duy trì chuẩn để đảm bảo chất lượng giáo dục và xây dựng nông thôn mới, một trong những yếu tố quan trọng nhất là nguồn lực đầu tư. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư có giới hạn, nhiều nơi đều khó, đều cần, vì vậy phải thực hiện từng bước, thực chất, hiệu quả và rất cần sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, của toàn xã hội”.

 

Hải Nguyên

 

Liên kết hữu ích

Ươm mầm mơ ước con trẻ

Chủ đề “Nghề nghiệp” là 1 trong 9 chủ đề thú vị được đưa vào chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Thông qua các hoạt động trải nghiệm, trẻ được khám phá thế giới nghề nghiệp, hiểu hơn về đặc thù công việc, những vất vả cũng như giá trị mà mỗi nghề mang lại cho xã hội.

214 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2024-2025

Sau gần một tháng diễn ra, Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học tỉnh Cà Mau, năm học 2024-2025 đã kết thúc thành công tốt đẹp.

Hơn 150 triệu đồng hỗ trợ Trường Tiểu học Hoà Mỹ 2

Sáng 11/4, tại Trường Tiểu học Hoà Mỹ 2, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với chính quyền địa phương và nhà tài trợ tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” nhằm trao tặng học bổng và trang thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Sáng nay (11/4), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau đã triệu tập hội nghị triển khai các văn bản liên quan và tập huấn phần mềm quản lý thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Cà Mau. 

416 học sinh đạt giải học sinh giỏi THCS cấp tỉnh

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau, Kỳ thi học sinh giỏi THCS cấp tỉnh năm học 2024-2025 có 416 em đạt giải ở 7 môn thi.

Giúp học sinh nhận thức đúng về giới tính

Ở lứa tuổi vị thành niên, các em còn hạn chế hiểu biết, kiến thức về giới tính cũng như chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Ðể giúp các em hình thành những quan điểm đúng đắn về sức khoẻ sinh sản và cung cấp thêm kiến thức để bảo vệ bản thân, giáo dục giới tính cho học sinh là điều hết sức cần thiết trong môi trường học đường.

Ðể con em đồng bào tiếp cận giáo dục

Ðể đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thời gian qua, tỉnh Cà Mau có nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế. Trọng tâm là tuyên truyền vùng đồng bào dân tộc để người dân hiểu hơn về vai trò của giáo dục trong thời kỳ mới, từ đó thay đổi nhận thức, chủ động đưa con em đến với nền giáo dục chính quy, hiện đại, đúng độ tuổi.

Ưu tiên đầu tư nâng cấp Trường THCS - THPT Tân Bằng

Sáng 2/4, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân có chuyến khảo sát thực tế tại 2 trường THCS - THPT trên địa bàn huyện Thới Bình để đầu tư nâng cấp hướng đến đạt chuẩn quốc gia.

Thiết thực chính sách nội trú, miễn giảm học phí

Ðối với sinh viên vùng sâu, vùng xa như tỉnh Cà Mau, các chính sách ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc, giúp các em giảm bớt khó khăn về chi phí học hành, thêm điều kiện thực hiện ước mơ tri thức.

Giáo dục Cà Mau khẳng định vị thế

Kết quả đạt được trong phát triển giáo dục mũi nhọn của tỉnh thời gian qua khẳng định hướng đi đúng trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi (HSG) - “hạt nhân” tương lai của tỉnh, đất nước. Ðó là cơ sở, nền móng vững chắc, góp phần xây dựng tỉnh Cà Mau phát triển nhanh và bền vững. “Với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh, những năm qua, ngành giáo dục chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Qua đó, góp phần khẳng định vị thế trong sự nghiệp “trồng người””, Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), khẳng định.