(CMO) Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” giai đoạn 2000-2018 diễn ra sáng 21/9.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, phong trào đã thực sự tạo sức lan toả, đi vào chiều sâu, xây dựng được nền móng vững chắc của con người mới, văn hoá mới nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Từ phong trào, những gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến… đã được phát hiện và nhân rộng trong toàn xã hội. Chính phong trào đã một lần nữa khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tôn vinh những giá trị tư tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp, gây dựng và trao gởi lại thế hệ hôm nay.
Qua 18 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, đã có nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả được phổ biến, nghiên cứu, học tập, nhân rộng. Qua các giai đoạn sơ, tổng kết Phong trào đã có trên 1.200.000 gương người tốt, việc tốt; hơn 19 triệu/22,2 triệu gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; hơn 69.000/106.000 hiện được công nhận làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hoá; gần 85.000/115.000 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hoá. Nhiều cá nhân, tập thể đã có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước, Chính phủ khen thưởng động viên kịp thời.
Tại Cà Mau, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã làm thay đổi diện mạo, tạo được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, xây dựng thế và lực mới cho Cà Mau vững bước phát triển. Đến nay, Cà Mau có 29/82 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 558/949 khóm, ấp được công nhận đạt chuẩn văn hoá; hơn 223.000/285.000 hộ gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hoá, trong đó có trên 49.000 gia đình đạt danh hiệu văn hoá tiêu biểu.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị tổng kết cũng thẳng thắn nhìn nhận phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Nhận thức về mục đích, ý nghĩa xây dựng phong trào của một số cấp ủy và chính quyền địa phương chưa sâu sắc, chưa toàn diện, nhất là gắn với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước. Bình xét các danh hiệu văn hoá ở một số địa phương còn dễ dãi, không thực hiện đúng văn bản hướng dẫn, quy định của Trung ương.
Hội nghị dành một phần lớn thời lượng cho 11 báo cáo tham luận của các đại biểu Trung ương và các đầu cầu địa phương. Qua đó, nhiều cách làm hay, những điển hình tiêu biểu và cả những thách thức, tồn tại của phong trào được biểu hiện sinh động, đầy đủ. Tất cả các tham luận đều thống nhất ở điểm, phong trào cần phải tránh được xu hướng hành chính hoá, thành tích hoá, hình thức hoá. Phong trào cần đi vào chiều sâu, vào những vấn đề thực chất. Xây dựng đời sống văn hoá cũng chính là đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, góp phần vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển Tổ quốc.
Tổng kết hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tổng kết phong trào không có nghĩa là dừng lại, là kết thúc mà đây là một giai đoạn mới để xây dựng con người mới, văn hoá mới của đất nước Việt Nam một cách tự giác hơn, toàn diện hơn và bền vững hơn.
Đề nghị, các cấp, các ngành tiếp tục khắc phục khó khăn, thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm để sẵn sàng cho chặng đường mới, bối cảnh mới của nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá, con người văn hoá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 5 nhóm vấn đề cần tập trung thực hiện trong thời gian tới của sự nghiệp xây dựng văn hoá là: Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng kế hoạch phối hợp và triển khai đồng bộ với các cấp, ngành, địa phương, thực hiện nhiệm vụ phải thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm; Tăng cường công tác tuyên truyền; Thực hiện nghiêm các quy định, hành lang pháp lý về danh hiệu văn hoá; Xã hội hoá công tác xây dựng và hoạt động văn hoá; Toàn hệ thống chính trị dành nguồn lực, thời gian quan tâm đến nhiệm vụ bảo vệ, chăm bồi, xây dựng và phát triển văn hoá./.
Phạm Quốc Rin