(CMO) Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, đã tạo được nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần nâng cao đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của người dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định điều trên khi thông tin với Đoàn công tác Bộ Công an do Đại tá Nguyễn Thế Chi, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Cục V05) làm Trưởng đoàn đến kiểm tra kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” tại tỉnh Cà Mau vào chiều ngày 13/12. Cùng dự buổi làm việc có ông Trần Hiếu Hùng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Thế Chi, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Cục V05) nhấn mạnh việc định hướng cho nhân dân hoạt động văn hóa tín ngưỡng lành mạnh, bài trừ mê tín dị đoan. |
Theo ông Nguyễn Chí Công, kết quả thực hiện 5 nội dung của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trong đó liên quan đến đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, ngày càng có sự chuyển biến tích cực. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” được các cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện, góp phần vào công tác giảm nghèo, phát triển bền vững.
Về xây dựng môi trường văn hóa, đến nay có 9 phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được công nhận danh hiệu "Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được tổ chức ngày càng tiến bộ, tiết kiệm và lành mạnh; các quy ước của ấp, khóm được thực hiện tốt; hoạt động khuyến học đã góp phần đẩy mạnh phong trào khuyến học của các gia đình, dòng họ và toàn xã hội.
Trên địa bàn tỉnh có 12 di tích quốc gia và 37 di tích cấp tỉnh, phục vụ cho khách tham quan, nghiên cứu học tập và giáo dục truyền thống.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần nâng cao đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của người dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. |
Xây dựng và nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, đến cuối năm 2021 toàn tỉnh có 262.443/296.697 hộ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", chiếm tỷ lệ 88,45%. Thường xuyên biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, các gương điển hình trong tham gia các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; xây dựng ấp, khóm văn hóa, xã văn hóa NTM; xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị…
"Thời gian qua, công tác tuyên truyền được phát huy khá tốt, truyền tải lượng thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đại đa số các tầng lớp nhân dân, đã làm thay đổi nhận thức, tạo sự nhiệt tình ủng hộ, hưởng ứng của người dân; góp phần làm giảm tiêu cực trong đời sống xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn xã hội; ý thức chấp hành pháp luật được cải thiện rõ nét; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, tang lễ; đặc biệt là rút gần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn", ông Nguyễn Chí Công phấn khởi.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết công tác tuyên truyền được phát huy khá tốt, đã làm thay đổi nhận thức, tạo sự nhiệt tình ủng hộ, hưởng ứng của người dân. |
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện và cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện phong trào của tỉnh Cà Mau, Đại tá Nguyễn Thế Chi, Phó Cục trưởng Cục V05 đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả những nội dung của Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; chỉ đạo thực hiện phong trào những tháng cuối năm 2022 gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Đưa nhiệm vụ phát triển đầu tư cho văn hóa vào Nghị quyết của Đảng bộ, gắn phát triển văn hóa với phát triển nông thôn mới; lựa chọn những gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong các lĩnh vực để truyền thông sâu rộng, tạo sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội.
"Bên cạnh đó, đầu tư các khu vui chơi, thể thao, giải trí; bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn gắn với giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước; định hướng cho nhân dân hoạt động văn hóa tín ngưỡng lành mạnh, bài trừ mê tín dị đoan. Nâng cao chất lượng bình xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Nghiên cứu đầu tư xây dựng các trung tâm văn hóa, thể thao phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt", Đại tá Nguyễn Thế Chi nhấn mạnh./.
Kim Cương