ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 1-12-23 13:39:40

Xây dựng nông thôn mới nâng cao - Khó chồng thêm khó

Báo Cà Mau (CMO) Khi áp dụng Bộ Tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, thực tiễn tại các địa phương ở Cà Mau cho thấy nhiều khó khăn, vướng mắc. Thông tin từ ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chánh Văn phòng Ðiều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Cà Mau: “Cà Mau có 55 xã đạt chuẩn NTM, nhưng nếu áp dụng theo tiêu chí mới, chỉ có 4 xã là đảm bảo, còn lại 51 xã thì hụt, tụt chuẩn so với quy định”. NTM ở Cà Mau khó chồng khó, khi đồng thời phải nâng các tiêu chí theo cách đánh giá mới, đồng thời phấn đấu cho mục tiêu xây dựng NTM nâng cao.

Là 1 trong 4 xã chỉ đạo điểm của tỉnh Cà Mau về xây dựng NTM, xã Trí Lực (huyện Thới Bình) được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015. Chất lượng các tiêu chí NTM của Trí Lực cũng được đánh giá cao, tiếp đà đó, nghị quyết của Ðảng bộ Trí Lực đề ra nhiệm vụ xây dựng xã NTM nâng cao vào năm 2025.

Ông Hà Minh Sữa, Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực, cho biết: “Khi áp dụng bộ tiêu chí mới, xã chỉ đạt 14/19 tiêu chí lớn, 47/57 tiêu chí thành phần theo chuẩn NTM. Còn kết quả NTM nâng cao chỉ đạt 6/19 tiêu chí lớn, 55/75 tiêu chí thành phần”.

Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 không chỉ yêu cầu cao hơn mà còn có nhiều tiêu chí thành phần bổ sung, theo ông Sữa: “Các tiêu chí thành phần mới cần phải có thời gian, nguồn lực, quyết tâm thực hiện mới có kết quả. Tỉnh Cà Mau ban hành bộ tiêu chí mới vào tháng 8/2022, địa phương dù rất nỗ lực nhưng vẫn phải rượt đuổi để theo kịp quy định”.

Chợ Trí Lực vẫn cần cơ chế, hình thức đầu tư phù hợp, để thúc đẩy thương mại nông thôn theo Bộ Tiêu chí mới xây dựng NTM nâng cao.

Nhiều vấn đề nảy sinh khi áp dụng bộ tiêu chí NTM tại Trí Lực. Lấy tiêu chí thành phần về tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn NTM nâng cao, ông Sữa thông tin: “Quy định là từ 55% hộ dân trở lên sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Thực tế, toàn xã chỉ có 1 công trình cấp nước tập trung được xây dựng từ 10 năm trước, chỉ đáp ứng được hơn 100 hộ dân, mà dân số toàn xã là hơn 1.700 hộ. Ðó là chưa kể công trình cấp nước đầu tư lâu năm, xuống cấp, khó đảm bảo chất lượng nước”. Nhưng vấn đề khó hơn chính là do đặc điểm phân bố dân cư của địa bàn nông thôn như Trí Lực rất phân tán. Nếu đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước tập trung mới thì phải tốn kém ngân sách lớn, trong khi đó, hiệu quả và lợi ích mang lại rõ ràng không tương xứng.

Công trình cấp nước tập trung, cấp nước sạch cho hơn 100 hộ dân tại trung tâm xã Trí Lực, huyện Thới Bình đã đầu tư 10 năm, nay trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Về quy định tỷ lệ sử dụng hình thức hoả táng của người dân theo chuẩn NTM nâng cao là từ 10% trở lên, ông Sữa trăn trở: “Do phong tục, tập quán nên trên địa bàn xã chưa có ai thực hiện hình thức hoả táng, địa phương cũng chưa có cơ sở hoả táng. Thực tế, rất khó áp dụng tiêu chí thành phần này tại địa bàn”.

Nghĩa trang tập trung của Trí Lực hầu như không được sử dụng. Hình thức hoả táng chưa có người dân nào thực hiện và địa phương cũng chưa có cơ sở hoả táng để đáp ứng theo Bộ Tiêu chí mới NTM nâng cao.

Một số tiêu chí thành phần khác cũng được ông Sữa đề cập. Ðó là việc lắp đặt các dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời ở điểm công cộng; triển khai quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương; tỷ lệ sản phẩm chủ lực của địa phương được bán qua kênh thương mại điện tử...

Theo phân tích của ông Sữa: “Không phải nơi nào cũng có tài nguyên du lịch để phát triển du lịch gắn với công tác quảng bá. Còn việc lắp đặt các dụng cụ thể dục, thể thao, đồng ý là sẽ có tác dụng, nhưng cần phải so sánh về chi phí và tính hiệu quả, nếu không rất dễ lãng phí. Việc tiêu thụ nông sản của người dân hiện nay đa phần là trao đổi, mua bán trực tiếp, việc tiếp cận và sử dụng các kênh thương mại điện tử thì quá mới mẻ. Trong khi đó, thành phần kinh tế tập thể cũng chưa đảm đương, hỗ trợ được nhiều trong quảng bá, phân phối nông sản của nông dân”.

Thời hạn về đích NTM nâng cao của Trí Lực không còn nhiều. Ðề xuất từ quá trình thực hiện của địa phương, ông Sữa tâm huyết: “Ví dụ như, khu vực đô thị thì có mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, nông thôn là xã NTM. Ðặc điểm của từng vùng, miền, địa phương là rất khác biệt, nếu áp chung vào cùng một bộ tiêu chí thì vô cùng khó. Như Cà Mau, hiện có vùng gắn với kinh tế biển, vùng kinh tế ngọt, vùng kinh tế mặn - lợ, mỗi nơi có những đặc điểm riêng, thực hiện như nhau các tiêu chí NTM nếu không nơi này thì nơi khác sẽ gặp vướng. Ðề xuất của địa phương là các cấp, ngành nghiên cứu bộ tiêu chí NTM phù hợp và quan trọng nhất là khả thi để áp dụng triển khai”.

Riêng về chủ thể người nông dân trong xây dựng NTM, ông Sữa trăn trở: “Hiện người dân vẫn chưa có những cơ chế hỗ trợ tương xứng. Song hành với đó là những quy định ràng buộc, để đảm bảo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra giám sát, dân thụ hưởng", trong quá trình xây dựng NTM”.

Lấy ví dụ từ địa phương, người nông dân Trí Lực với thế mạnh nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ (tôm đạt chứng nhận ASC châu Âu, lúa hữu cơ được cấp mã vùng trồng) đã xây dựng được thương hiệu, uy tín. Tuy nhiên, người nông dân vẫn chưa nhận được nhiều lợi ích. “Người dân trực tiếp sản xuất ra nông sản sạch, chủ thể xây dựng các vùng nguyên liệu, nếu không gắn với lợi ích song hành cùng sự ràng buộc, nguy cơ phá vỡ quy hoạch sản xuất, xa hơn là chiến lược phát triển của địa phương là hiện hữu”, ông Sữa chia sẻ.

Trong giai đoạn mới, việc “lấy dân làm gốc” chính là nền tảng, nguồn lực, động lực lâu dài cho NTM. Tuy nhiên, cùng với đó là phải “khoan thư sức dân”, nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Xét đến cùng, NTM, NTM nâng cao hay NTM kiểu mẫu và các quy định về tiêu chí NTM vẫn có một mục đích chung là vì cuộc sống giàu đẹp, hạnh phúc của Nhân dân. Ðể đạt được mục tiêu ấy, người dân phải thật sự thông suốt, đồng thuận, đồng hành trong xây dựng NTM. NTM không phải là điểm dừng, là cái đích cơ học, vật lý, trong quá trình ấy, việc lắng nghe những ý kiến phản biện, đóng góp, từ đó có những điều chỉnh sát hợp, những giải pháp hữu hiệu, khả thi là hết sức cần thiết, để NTM thật sự là của dân, do dân và vì dân./.

 

Phạm Hải Nguyên

 

Cỏ Mỹ - ma dược có thể giết người

Cỏ Mỹ là dạng ma tuý, đang được rao bán công khai trên các trang mạng xã hội, mức độ mà nó gây nguy hiểm cho sức khoẻ và tinh thần của người sử dụng là đáng báo động.

Góc dân gian trong trường mầm non

Để làm mới các góc học tập, vui chơi, nhiều điểm trường mầm non, mẫu giáo tích cực đưa trò chơi dân gian vào các hoạt động ngoại khoá, giờ lên lớp để giáo dục truyền thống văn hoá cho các em. Ðây cũng là phương pháp học tập mới, giúp trẻ phát huy sức sáng tạo, tăng khả năng vận động ngoài trời, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.

Góp sức vì quê hương

Thời gian qua, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện U Minh thu hút sự tham gia tích cực từ phía người dân. Ông Nguyễn Cảnh Toàn, Ấp 10, xã Khánh An là một điển hình.

Ðồng hành giúp phụ nữ vươn lên

Từ sự quan tâm, tìm hiểu hoàn cảnh, nguyện vọng của hội viên rồi hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách thức làm ăn, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa giúp nhiều phụ nữ hoàn cảnh nghèo khó vươn lên ổn định cuộc sống.

Gỡ khó thanh toán BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018, Nghị định số 75/2023 đã bãi bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT), thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo phương thức thanh toán theo giá dịch vụ. Quy định này được đánh giá có tính đột phá, tháo gỡ các vướng mắc về thanh toán chi phí KCB BHYT giữa cơ sở KCB và cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH). Qua đó, tạo thuận lợi cho công tác KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.

Tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái

“Muốn xoá bỏ bạo lực gia đình, chấm dứt nạn bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em gái cần xoá bỏ bất bình đẳng giới để tạo nên sự bình đẳng giữa nam và nữ”, đó là lời kêu gọi của ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, nhân lễ phát động Tháng Hành động vì bình đẳng giới năm 2023.

Hoa đẹp học đường

Ðam mê, chăm chỉ học tiếng Anh từ bé, dù mới học lớp 4 nhưng cô học trò nhỏ Ngô Nhã Trâm (học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học Quang Trung, Phường 5, TP Cà Mau) đã gặt hái nhiều thành tích đáng khâm phục.

Cô giáo nặng tình với quê hương

Là người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất Dớn Hàng Gòn (thuộc Ấp 2, xã Khánh Lâm, huyện U Minh), cô giáo Trịnh Hà Giang, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Khánh Lâm, luôn dành tình yêu đặc biệt cho quê hương.

Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao học bổng cho học sinh; trang thiết bị cho Trung tâm Bảo trợ xã hội

Sáng 25/11, thực hiện Chương trình “Nghĩa tình dầu khí”, Công đoàn Dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) đã trao học bổng cho học sinh lớp 12 các trường THPT thuộc diện gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn; thăm tặng quà và hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau.

Các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ

Thông thường căn bệnh đột quỵ sẽ có những dấu hiệu dự báo trước khoảng 1 tuần, trước khi xảy ra. Việc nhận biết được các dấu hiệu này có thể sẽ giúp cho chính người bệnh hoặc cho người thân có các biện pháp phòng ngừa một cách hiệu quả, tránh được nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.