(CMO) Thành phố Cà Mau là địa phương có số lượng doanh nghiệp lớn, với hơn 1.040 doanh nghiệp, hơn 25 ngàn lao động, trong đó có nhiều loại hình doanh nghiệp như: doanh nghiệp nhân doanh chiếm 97,80%; doanh nghiệp FDI chiếm 0,28%; doanh nghiệp dưới 10 lao động chiếm 66,85%. Số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn cơ sở là 59.
TP Cà Mau có 1.047 doanh nghiệp, hơn 25 ngàn lao động. Thời gian qua, việc chấp hành pháp luật về việc làm, lao động được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc.
Ông Lê Thành Nơi, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cà Mau, cho biết, nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích giữa đối tượng sử dụng lao động và người lao động, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều cách làm, từ việc nắm tình hình, kiểm tra và xử lý vi phạm. Ðồng thời, địa phương đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền để các bên hiểu và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về việc làm, lao động cũng như các quy định khác có liên quan. Với góc nhìn tổng thể, đã qua, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện đúng quy định pháp luật về việc làm và lao động.
Theo đó, quyền của các bên được pháp luật quy định hoặc theo các thoả thuận song phương được tôn trọng và thực hiện. Xây dựng cơ chế để nâng cao hiệu quả tham gia của người lao động và các bên có quyền lợi liên quan vào quá trình quản trị doanh nghiệp, họ được tiếp cận với thông tin phù hợp, đầy đủ và đáng tin cậy một cách kịp thời, thường xuyên.
Các bên có quyền lợi liên quan, bao gồm cả người lao động và tổ chức đại diện cho họ (Công đoàn), được tự do truyền đạt những mối quan ngại của họ về việc làm trái luật, trái nội quy hoặc không phù hợp đạo đức đến cơ quan có thẩm quyền và việc này không được phép ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của họ. Việc ký kết hợp đồng lao động thử việc; tạm hoãn hợp đồng lao động; chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ đối với người lao động, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, ngừng việc được doanh nghiệp thực hiện đúng quy định khi có tình huống xảy ra.
Thời gian qua, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lực lượng lao động tại địa phương để đào tạo và sử dụng hiệu quả nhất. Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hầu hết đều được thực hiện đúng quy định, bảo đảm quyền tham gia của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động.
Mặc dù Luật Việc làm được triển khai thực hiện đã tạo khung hành lang pháp lý quan trọng nhưng thực tế ghi nhận một số hạn chế nhất định. Cụ thể, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm chủ yếu thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội, chưa quy định cụ thể nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội thúc đẩy cho vay, giải quyết việc làm. Thiếu quy định khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo và tuyển dụng lao động nông thôn đã qua đào tạo, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với việc làm, nhất là việc làm tại chỗ cho lao động ở khu vực nông thôn.
Thời gian tới, Cà Mau đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền về những quy định pháp luật về việc làm, lao động, cũng như tạo nguồn lao động, giải quyết việc làm ổn định cho mọi đối tượng.
Bên cạnh đó, đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ tập trung 5 nhóm đối tượng chính sách. Trong khi một số đối tượng khác cũng cần được nghiên cứu, xem xét, bổ sung. Ðồng thời, chưa có quy định khung nhằm tạo cơ hội tiếp cận chính sách tín dụng học nghề cho lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, chưa có quy định về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể tham gia thị trường lao động cho các đối tượng yếu thế đặc thù.
Ðể mở rộng những chính sách khuyến khích, tạo việc làm ổn định cho nhiều nhóm đối tượng trong cuộc sống, cũng như tạo hành lang pháp lý quan trọng, đảm bảo hài hoà lợi ích, thì việc xem xét và điều chỉnh cho phù hợp là điều cần thiết.
Với góc độ địa phương, thời gian tới, nhằm tiếp tục đưa Luật Việc làm đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất, ngành lao động sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền cho doanh nghiệp và công nhân lao động trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước về các văn bản luật, các chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến người lao động, đặc biệt là tập trung tuyên truyền Luật Việc làm, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn; các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện; Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế; Luật Thi đua, khen thưởng; Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư...
Từ đó, tạo nền tảng để xây dựng quan hệ lao động trong các doanh nghiệp hài hoà, ổn định, cũng như tạo nguồn lao động, giải quyết việc làm ổn định cho mọi đối tượng trong cuộc sống...
Văn Ðum