(CMO) Ðê biển Tây bảo vệ vùng trồng lúa, sản xuất của hơn 26 ngàn người dân sống ven biển huyện U Minh và vùng ngọt hoá huyện Trần Văn Thời. Những năm gần đây, tuyến đê được đầu tư gia cố, tuy nhiên, trước tác động ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… , vẫn cần nhiều hơn nữa những giải pháp kịp thời.
Tuyến đê biển Tây trên địa bàn huyện Trần Văn Thời thuộc xã Khánh Hải và xã Khánh Bình Tây, riêng đoạn qua xã Khánh Bình Tây khoảng 8 km. Những đoạn xung yếu hiện nay là bờ Bắc Kinh Mới, đoạn đầu Kinh 8, khu vực kè trước cửa biển Ðá Bạc.
Ông Nguyễn Cảnh Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Tây, lo lắng: “Ở một số đoạn, rừng phòng hộ mất dần, uy hiếp thân đê. Ðã qua, địa phương cũng được cấp trên đầu tư kè phía ngoài, tuy nhiên, vẫn chưa phát huy hết tác dụng”.
Tại ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, hệ thống kè trong đã được thực hiện, do Chi cục Thuỷ lợi tỉnh làm chủ đầu tư. Công trình triển khai khoảng một tháng nay. Ông Nguyễn Hoàng Giang, quản lý công trình, thông tin: “Công trình khẩn cấp chống sạt lở kè bờ Vàm Ðá Bạc dài khoảng 300 m, dự kiến hoàn thành trong 3 tháng”.
Phóng viên báo Cà Mau ghi nhận hình ảnh thi công công trình chống sạt lở kè bờ Vàm Ðá Bạc, ngày 4/5/2023.
Ðê biển Tây của tỉnh Cà Mau đi qua 2 huyện: U Minh và Trần Văn Thời. Hệ thống rừng phòng hộ có vai trò quan trọng và cấp thiết trong việc bảo vệ đê trước tác động của thời tiết cực đoan.
Công trình khẩn cấp chống sạt lở kè bờ Vàm Đá Bạc góp phần bảo vệ đê trong. Thân kè được đổ bê tông cốt thép vững chắc.
Bê tông được trộn với quy mô lớn, đảm bảo tối đa công suất hoạt động của công trình.
Ðá được xếp để giữ ổn định kè đê.
Hàng trăm tấm ván được kết nối lại với nhau làm khuôn đổ bê tông thân kè.
Để hoàn thành công trình kè đê, nhân công phải làm việc bất kể thời tiết để kịp tiến độ.
Nhật Minh thực hiện