(CMO) Tính từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2021, Sở GD&ĐT đã chi hơn 838 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp. Báo cáo về việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn sự nghiệp; mua sắm tài sản phục vụ hoạt động của đơn vị với đoàn giám sát của HĐND tỉnh Cà Mau, do Phó chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Dương Huỳnh Khải làm Trưởng đoàn, vào sáng 19/10, đại diện Sở GD&ĐT có nhiều kiến nghị, trong đó đề xuất xem xét bổ sung kinh phí hoạt động cho các trường mới thành lập, trường ở xa trung tâm, trường ít học sinh.
Ông Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, phát biểu trong buổi giám sát việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn sự nghiệp; mua sắm tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tại Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau. |
Theo báo cáo từ Sở GD&ĐT, kinh phí được giao cho ngành giáo dục trong năm 2019 trên 398 tỷ đồng, năm 2020 là trên 330 tỷ đồng, năm 2021 là trên 354 tỷ đồng. Đơn vị đã chi hơn 838 tỷ đồng, trong đó, năm 2019, đơn vị chi hơn 331 tỷ đồng; năm 2020, chi gần 327 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2021, đã chi hơn 180 tỷ đồng.
Sở GD&ĐT thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, thanh toán các nguồn vốn; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn tại các đơn vị trực thuộc để có những chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời.
Công tác lập dự toán, quy trình lập hồ sơ dự án, hạng mục, công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định. Việc phân bổ kinh phí thực hiện hợp lý kịp thời, các cơ quan phối hợp rất tốt trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trình tự, thủ tục thực hiện mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động thường xuyên của cơ quan thực hiện theo quy định. Việc mua sắm tài sản công và mua sắm tài sản theo phương thức tập trung trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, đáp ứng nhu cầu tối thiểu về trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Trong năm 2019, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau thực hiện mua sắm tập trung 2 gói thầu máy tính để bàn và bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại buổi giám sát, đại diện Sở GD&ĐT cũng đã nêu lên những khó khăn, hạn chế, những quy định chưa phù hợp. Cụ thể, về kinh phí hoạt động, Nghị quyết áp dụng giao kinh phí hoạt động cho các đơn vị dựa trên tiêu chí học sinh nên các trường mới thành lập, trường ở xa trung tâm, trường ít học sinh... sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học mới chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Bên cạnh đó, hiện, các trường vẫn phải tự cân đối kinh phí chi trả chế độ nâng lương thường xuyên, nâng thâm niên cho giáo viên, dẫn đến tình trạng một số trường bị mất cân đối.
Để khắc phục khó khăn, Sở GD&ĐT cho biết, việc cấp kinh phí theo biên chế là đúng quy định hiện hành, tuy nhiên trong thực tế các cơ sở giáo dục phải chi trả một khoản tiền tương đối lớn cho giáo viên dạy tăng giờ, giáo viên thỉnh giảng do biên chế được giao thấp hơn định mức hệ số giáo viên; đối với các trường mới thành lập, trường ở xa trung tâm, trường ít học sinh cần được xem xét bổ sung kinh phí hoạt động cho phù hợp với hoạt động của đơn vị; kinh phí xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học của ngành giáo dục nên đưa vào kế hoạch năm ngân sách bằng Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Ông Dương Huỳnh Khải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, khẳng định, thông qua buổi giám sát, đoàn công tác nắm được tình hình đơn vị tuân thủ quy định, Nghị quyết của HĐND tỉnh trong việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp, những khó khăn, vướng mắc của đơn vị khi nhận và chi nguồn vốn. Từ đó, tìm cách tháo gỡ khó khăn, nhằm bảo đảm quy định, phù hợp tình hình thực tế để phục vụ sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà trong tình hình mới ngày càng tốt hơn./.
Quỳnh Anh