(CMO) Bánh ú lá tre (bánh ú nước tro) - một loại bánh truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch). Để làm ra được bánh ú tro đòi hỏi những người thợ phải tỉ mỉ qua nhiều công đoạn.
Chính vì thế, các lò bánh ú phải chuẩn bị nguyên liệu từ khá sớm. Mỗi người một việc, tất cả đều tất bật, khẩn trương để có những chiếc bánh ngon sớm phục vụ Tết Đoan ngọ gần kề.
Thợ gói bánh được “chiêu mộ” từ các huyện, xã, giúp họ có thêm khoản thu nhập kha khá nhờ vào việc gói bánh ú.
Ngoài nếp, đậu, đường thì lá tre và lạt nuột rất quan trọng trong việc định hình ra dáng bánh, màu sắc, hương vị. Để có lượng lớn lá tre, các chủ thầu bánh phải gom mua từ các tỉnh thành khác như: Bến Tre, Hậu Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ...
Việc gói bánh bắt đầu từ mùng 1 và kéo dài cho đến tối mùng 4. Mỗi nhà thầu bánh có 10-15 nhân công để hoàn thiện các công đoạn từ xào nhân, ngâm nếp, rửa lá, vo nhân, gói bánh, hấp bánh...
Thợ gói bánh được “tuyển chọn” từ vùng nông thôn, đa phần là những bà nội trợ. Để có thể gói được nhiều bánh, nhiều người tranh thủ thức trắng đêm. Những ngày này, tất cả nhân công ở xa đều ngủ, nghỉ và ăn uống tại nhà chủ thầu bánh.
Việc gói bánh ú nhân dịp Tết Đoan ngọ tuy chỉ diễn ra vài ngày ngắn ngủi nhưng đã tạo nguồn thu nhập khá cho các thợ gói bánh. Trung bình mỗi thợ sau mỗi mùa gói sẽ “bỏ túi” từ 3-4 triệu đồng.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, mỗi chủ thầu bánh sẽ chuẩn bị từ 1-2 tấn nếp khi vào mùa. Nhân được vo viên và để trong một cái khiêng, cứ một lượt khiêng nhân là 2.500 viên, được những người thợ khéo tay gói trong 1 ngày.
Bánh sau khi được gói sẽ chuyển đi cắt lá dư và bện thành chùm 10 cái, sau đó đưa đến lò nấu trong 3 tiếng sẽ cho ra mẻ bánh ú xanh mướt.
Bánh thành phẩm được đem tiêu thụ tại các chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh, một số cung ứng thị trường trong tỉnh.
Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận trong những ngày tất bật gói bánh ú chuẩn bị Tết Đoan ngọ:
Trung bình mỗi thợ gói từ 1.000-2.500 cái bánh/ngày.
Bánh ú lá tre được gói bằng nhân ngọt để giúp bánh có thể bảo quản lâu hơn.
Lạt buộc được treo trên một đòn cây hoặc cố định trên cao để tiện cho người gói bánh “có thế” siết chặt bánh.
Những lò bánh được nổi lửa liên tục trong những ngày cận Tết Đoan ngọ.
Hộ ông Nguyễn Văn tính có gần 10 năm kinh nghiệm trong việc gói bánh ú. Dịp này gia đình ông chuẩn bị 1,5 tấn nếp phục vụ thị trường Tết Đoan ngọ.
Những mẻ bánh sau khi luộc chín được nhúng ngay vào nước lạnh và treo lên cao cho ráo nước.
Những chiếc bánh ú trong ngần, vàng ươm với vỏ ngoài xanh mướt rất bắt mắt thực khách.
Ngô Yến Nhi