Trong bối cảnh kinh tế và đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân còn rất nhiều khó khăn, nhất là dân lao động phổ thông và nông dân, việc tiết kiệm chi tiêu là vấn đề cần sự chú ý đặc biệt. Một trong những gánh nặng cho nhiều gia đình có thu nhập thấp là việc chuẩn bị cho con em vào năm học mới, trong đó có việc mua sách giáo khoa.
Năm học mới này, toàn tỉnh Cà Mau có trên 201 ngàn học sinh từ tiểu học đến THPT, theo đó phụ huynh phải mua trên 201 ngàn bộ sách giáo khoa cho con em vào đầu năm học mới. Bình quân chung một bộ sách giáo khoa bậc THPT hiện nay dao động từ 250 đến 300 ngàn đồng, chưa kể đến sách tham khảo và sách bài tập theo nhà xuất bản bán ra. Nếu tính tiền mua sách giáo khoa bình quân chung một bộ 250 ngàn đồng, thì năm học này phụ huynh học sinh ở Cà Mau phải bỏ ra số tiền trên 50 tỷ đồng để mua sách giáo khoa cho con em học tập.
Bộ sách giáo khoa lớp 3 dùng một lần rồi bỏ đi sau một năm học có giá bìa gần 500 ngàn đồng.
Mua sách giáo khoa để học là việc bình thường, không thể thiếu khi đến trường đối với tất cả học sinh. Nhưng điều không bình thường là trong suốt 4 năm qua từ khi thực hiện cải cách chương trình giáo dục phổ thông đến nay, những bộ sách giáo khoa in ra chỉ sử dụng một lần rồi bỏ thay vì sử dụng nhiều năm như trước đó đã gây ra bức xúc trong xã hội và gây khó khăn cho nhiều học sinh nghèo, thậm chí mất cơ hội học tập.
Đối với một tỉnh vùng sâu như Cà Mau, số tiền mua sách giáo khoa sử dụng một lần rồi bỏ đã tiêu tốn trong 4 năm học qua khoảng 200 tỷ đồng, trong khi con số lãng phí từ sách giáo khoa dùng một lần trong cả nước mỗi năm phải bỏ đi hàng ngàn tỷ đồng. Nhìn vào con số đó thật xót xa; nếu số tiền đó tiết kiệm được, không lãng phí, thì sẽ giúp được hàng ngàn em học sinh khó khăn có được nguồn học bổng ổn định để đến trường, giúp hàng ngàn gia đình khó khăn có điều kiện cho con đến lớp, đầu tư cải thiện điều kiện học tập tốt hơn cho con em ở những vùng khó khăn.
Ngoài việc lãng phí tiền của người dân trong việc mua sách giáo khoa sử dụng một lần, việc in sách giáo khoa sử dụng một lần rồi bỏ đã góp phần gây tác hại cho môi trường sống khi mỗi năm phải khai thác nguyên liệu từ tự nhiên để làm giấy in sách và tiêu tốn tiền không đáng có để xử lý, tiêu huỷ sách giáo khoa thành rác thải.
Sách giáo khoa sử dụng một lần rồi bỏ là một sự lãng phí nghiêm trọng tiền của nhà nước và nhân dân, trong khi ở nhiều vùng nông thôn, vùng sâu, vùng miền núi, điều kiện học tập của học sinh còn rất khó khăn, nhiều em học sinh không có đủ sách để đến trường. Lãng phí đó là một sự bất công trong hệ thống giáo dục, tạo khoảng cách ngày càng lớn giữa giáo dục ở thành thị và những nơi khó khăn như vùng sâu, vùng miền núi, hải đảo…
Học sinh ghi trực tiếp vào sách giáo khoa khi học một lần rồi bỏ.
Mỗi năm cứ bước vào mùa khai giảng lại thấy xót xa khi hàng ngàn tỷ đồng sẽ thành phế thải sau 9 tháng tựu trường, trong khi nhiều nơi, nhiều tổ chức đoàn thể và cả cộng đồng đi vận động các nhà hảo tâm, nhà tài trợ từng đồng học bổng, từng cuốn tập, chiếc cặp,… để giúp đỡ cho hoàn cảnh học sinh nghèo đến trường.
Đất nước mình chưa phải đã giàu, dân mình còn nhiều người nghèo, còn nhiều cảnh đời khốn khổ thì Ngành giáo dục, những người có trách nhiệm cần thấy sự xót xa trước việc lãng phí hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm của sách giáo khoa dùng một lần. Cải cách là để tiến bộ để tốt hơn, hiệu quả hơn và nhân văn hơn và quan trọng hơn là để phát triển bền vững.
Sinh thời Bác Hồ từng nhấn mạnh:“Lãng phí là một căn bệnh, là tội lỗi với Đảng, với Nhà nước và nhân dân. Sự lãng phí gây ra rất nhiều tác hại trước mắt và hậu quả lâu dài”. Bài học chống lãng phí thật sự phản cảm ngay trong trường phổ thông hiện nay đó là sự lãng phí của sách giáo khoa dùng một lần. Chống lãng phí thật sự phải là bài học về nhận thức và hành động cho thế hệ tương lai của đất nước ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là bài học không thể xem nhẹ cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới này.
Nguyễn Ngọc