Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều video nói về tình trạng một số lao động Việt Nam vì tin tưởng mà nhận lời sang các nước trong khu vực lao động và bị bóc lột, gây hoang mang trong dư luận. Tại Cà Mau, lực lượng chức năng đã tiến hành lập nhiều chuyên án truy xét các đường dây “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”.
- Lãnh 2 năm tù vì tội môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài
- Bộ đội biên phòng Cà Mau đấu tranh thành công Chuyên án CM324
Bị cáo Phạm Văn Nghệ trong phiên toà xét xử lưu động tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tháng 5 vừa qua. Ảnh: HOÀNG TÁ
Theo nội dung vụ việc, thông qua Lê Quốc Khánh, vào khoảng tháng 11/2022, Phạm Văn Nghệ quen biết và kết bạn Zalo với một người tên Trang (Trang là người Việt Nam hiện đang ở Malaysia). Qua trao đổi, Nghệ đồng ý sang Malaysia làm biển thuê (thuyền trưởng tàu cá) cho Trang và tìm thêm 7 thuyền viên để cùng đi Malyasia khai thác hải sản. Sau đó Trang đã chuyển cho Nghệ 35 triệu đồng tiền làm hộ chiếu cho 7 người đi sang Malaysia.
Cũng trong thời gian này, Trang sử dụng mạng Zalo chỉ đạo Khánh phối hợp cùng Huỳnh Văn Lâm (quê ở thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) đi sang ụ tàu Út Nhiều ở xã Vĩnh Hoà Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang gặp Lê Minh Hoàng để nhận tàu KG 94137 TS và làm các công việc chuẩn bị đi sang Malaysia.
Sau đó, Lâm điều khiển tàu cá KG 94137 TS chở Khánh đi từ ụ tàu Út Nhiều trốn ra cửa biển Tắc Cậu của tỉnh Kiên Giang. Khi tàu KG 94137 TS chạy ngang vùng biển huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, Trang chỉ đạo Khánh và Lâm neo đậu tàu ở ngoài khơi cách cửa kênh Quảng Thép, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau khoảng 4 hải lý (không có trạm kiểm soát biên phòng) để Khánh phối hợp cùng Nghệ vận chuyển đồ câu mực, đồ dùng cá nhân của mọi người lên tàu.
Khánh đã liên lạc với Nghệ, Lâm và Tâm thuê đò dọc vận chuyển đồ từ nhà của Khánh ở Khóm 6B, thị trấn Sông Ðốc đi đường kênh Quảng Thép trốn ra biển, để đưa lên tàu KG 94137 TS. Sau khi nhận đồ xong, Lâm và Khánh tiếp tục điều khiển tàu đi ra vùng biển tiếp giáp Việt Nam - Malaysia; đến vùng biển tiếp giáp, Lâm và Khánh sử dụng sơn có sẵn trên tàu để sơn đổi biển số KG 94137 TS thành biển số PAF4860 rồi chạy thẳng sang cảng En Dau (Malaysia). Khi tới cảng, Lâm bàn giao tàu cho Trang rồi lên cảng và đi đâu không rõ, còn Khánh ở lại làm việc đánh bắt hải sản trên tàu. Tuy nhiên, quá trình hoạt động và hợp tác giữa Nghệ và Trang đã xảy ra nhiều vấn đề mâu thuẫn nên Nghệ hỏi ý kiến các thuyền viên, chạy tàu về Việt Nam, cả 6 thuyền viên đều đồng ý.
Ðến ngày 24/4/2023, Nghệ điều khiển tàu cá KG 94137 TS (PAF4860) chở 6 người chạy về Việt Nam, tới vàm cửa Sông Ðốc thì bị lực lượng Ðồn Biên phòng Sông Ðốc tuần tra phát hiện, bắt giữ. Ðến ngày 13/9/2023, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BÐBP) tỉnh Cà Mau ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”, quy định tại Ðiều 349, Bộ luật Hình sự và tiến hành điều tra theo thẩm quyền.
Gần dân, sát dân để tuyên truyền, vận động các quy định của pháp luật về hoạt động, khai thác trên biển để dân được nắm.
Một vụ việc khác, theo thông tin từ Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh, vào ngày 15/1/2024, đơn vị thực hiện Công văn số 351/UBND-NNTN của UBND tỉnh về việc rà soát, xác minh tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (VBNN), kèm theo Công điện số BKO CÐ (HT) 669 của Ðại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan (kèm theo bộ hồ sơ của Thái Lan liên quan đến việc bắt giữ tàu cá CM 99840 TS). Theo hồ sơ dịch thuật, ngày 15/11/2023, lực lượng thực thi pháp luật Thái Lan bắt giữ 1 tàu cá Việt Nam có số hiệu CM 99840 TS, cùng 5 ngư dân. Từ kết quả dịch, xác định vụ việc tàu cá CM 99840 TS/5 ngư dân ta hoạt động khai thác thuỷ sản vi phạm vùng biển Thái Lan bị bắt giữ là có thật.
Xét thấy vụ việc có dấu hiệu làm biển số tàu cá giả và đưa người, tàu cá sang VBNN khai thác thuỷ sản trái phép, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã ban hành Quyết định số 218/QÐ-BCH phê duyệt Kế hoạch đấu tranh Chuyên án CM324.
Qua công tác đấu tranh, thu thập chứng cứ đã xác định, ông Ngô Văn Luận đã chủ động chuẩn bị phương tiện (mua tàu cá KG 90309 TS), câu kết với ông Phạm Văn Dũng bằng hình thức bán lại tàu, rồi hùn vốn làm ăn và giao lại cho ông Dũng chịu trách nhiệm quản lý, điều hành mọi hoạt động của tàu cá KG 90309 TS. Sử dụng các thủ đoạn nguỵ trang, trốn tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng bằng cách thuê thợ sửa chữa tàu, sơn mới, tẩy xoá, kẻ vẽ biển số giả (đổi biển số tàu cá KG 90309 TS thành tàu cá CM 99840 TS), hoạt động không đúng nghề ghi trong giấy phép khai thác thuỷ sản (nghề đăng ký là lưới kéo đôi), không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (theo quy định tàu cá từ 15 m trở lên bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình); chuẩn bị công cụ (khung cào, lồng cào banh lông; nhiên liệu; nhu yếu phẩm cần thiết khác...) và liên hệ thuê 5 ngư dân (Tình, Thiệt, Phương, Khái, Thanh) xuất cảnh trái phép bằng đường biển trên tàu cá KG 90309 TS sang vùng biển Thái Lan khai thác trộm hải sản và bị bắt giữ. Ðồng thời, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 15/11/2023 không làm thủ tục xuất cảnh cho 5 ngư dân nêu trên.
Từ các tài liệu, chứng cứ thu thập, xác định vụ việc này có dấu hiệu tội phạm “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép”, theo quy định tại Ðiều 348, Bộ luật Hình sự và tham khảo tại Ðiều 3, Nghị quyết số 04/2024/NQ-HÐTP, ngày 16/6/2024, của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao về “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thuỷ sản” và Hướng dẫn số 1557/VKSNDTC-V1, ngày 25/4/2021, của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về việc “Hướng dẫn nghiệp vụ áp dụng các điều 347, 348 và 349 Bộ luật Hình sự” liên quan trực tiếp đến các đối tượng có liên quan.
Qua các vụ việc có thể thấy, mặc dù đã được cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng tuyên truyền, nhưng vì lợi ích trước mắt, nhiều đối tượng chọn cách phớt lờ để rồi vướng vào vòng lao lý. Các tổ chức và môi giới đã lợi dụng một bộ phận người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm ổn định, thiếu hiểu biết về pháp luật, cả tin, đưa sang các nước khác để lao động.
Ðể chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng công dân đi lao động trái phép, các địa phương cần chú trọng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác, không để đối tượng xấu lôi kéo đưa ra nước ngoài lao động trái phép.
Lực lượng biên phòng tuyên truyền các quy định của pháp luật cho ngư phủ.
Hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép quy định tại Ðiều 348, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017): Vì động cơ vụ lợi mà tổ chức, môi giới cho người khác từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép chỉ với mục đích đưa người khác qua biên giới thì bị phạt từ 1-15 năm tù.
Kim Cương