ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 27-9-24 22:23:22
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xuân về trên phố biển

Báo Cà Mau ​​​​​​​(CMO) Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Vào những ngày này, ở cửa biển sầm uất Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, không khí đón xuân của người dân rộn ràng. Người người, nhà nhà đều tất bật trang hoàng nhà cửa, mua sắm tết; ngư dân cũng tràn đầy hy vọng chuyến biển cuối năm bội thu.

Với công việc đặc thù của nghề đánh bắt thủy sản, nhiều ngư dân chọn cách ăn Tết trên biển trong dịp cuối năm để mong mang về những mẻ cá, tôm đầy ắp. Ông Trần Minh Đặng, chủ ghe câu mực (ngụ Khóm 7, thị trấn Sông Đốc) cho biết: “Ghe nhà tôi năm nào cũng đi chuyến biển cuối năm. Ghe ra hôm 20/12 (âm lịch), đến khoảng mùng 10 tháng Giêng mới vô".

Mong tôm cá đầy khoang

Ông Trần Minh Đặng lý giải, do vào dịp cuối năm, lượng ghe đi đánh bắt ít hơn ngày thường nên ông rất hy vọng chuyến biển này gặp mưa thuận, gió hòa đánh bắt được nhiều tôm, cá hơn thời điểm khác. "Lúc trước tôi đi tài công, giờ già mới nghỉ. Ăn tết ngoài biển tuy xa gia đình nhưng có bạn bè, anh em bên cạnh cũng ấm áp lắm. Nhất là vào đêm 30 Tết, những ghe đánh bắt gần nhau, cặp mạn lại, rồi cùng nhau ăn uống, ca hát”, ông Trần Minh Đặng hồi tưởng.

Không phải ghe nào cũng ăn Tết trên biển. Các ghe làm nghề cào lỡ thì đậu nghỉ đến qua Tết mới tiếp tục công việc. Đây là lúc họ nghỉ ngơi, lấy lại sức để chuẩn bị cho chuyến biển vào đầu năm mới.

Ông Nguyễn Văn Ne, là chủ của 5 chiếc ghe cào lỡ ở Khóm 1, thị trấn Sông Đốc, bộc bạch: “Chuyến biển vừa rồi tuy sản lượng đánh bắt thấp nhưng giá cả các mặt hàng thủy sản ổn định, chi phí xăng dầu giảm nhiều nên thu nhập cũng khá. Hy vọng sang năm mới mưa thuận gió hòa, những người làm nghề biển chúng tôi sẽ gặp nhiều may mắn. Tết này nhà tôi ăn tết theo tinh thần tiết kiệm nhưng ấm áp. Tôi dự định sẽ tổ chức một bữa cơm cho anh em ngư phủ họp mặt trước khi về quê”.

Đánh bắt thủy sản là ngành nghề chính của đa số người dân sống ở cửa biển Sông Đốc. Thế nên cá khô, mực khô, tôm khô cũng là đặc sản của nơi đây. Bà Nguyễn Kiều Nương, chủ sạp khô Kiều Nương, Khóm 7, thị trấn Sông Đốc, cho biết: “Tết này các mặt hàng khô như: tôm khô, mực khô, khô cá khoai, khô cá mối… là bán chạy nhất. Dù cận Tết nhưng giá các mặt hàng khô (trừ khô mực) vẫn ổn định, không tăng so với thời điểm trước tết. Còn giá khô mực tăng cao là do năm nay sản lượng đánh bắt mực giảm hơn năm trước. Năm nay tôi buôn bán cũng khá, tuy không bằng năm trước nhưng hy vọng sang năm mới buôn may bán đắt hơn”.

Các mặt hàng cá khô là đặc sản của thị trấn Sông Đốc.

Để mọi người cùng có Tết

Tết sẽ trọn vẹn hơn khi mọi người đều được hưởng một mùa xuân no ấm, hạnh phúc bên gia đình. Hiểu được điều đó, Tết Đinh Dậu này, UBND thị trấn Sông Đốc phối hợp với tỉnh, huyện đến thăm và trao tận tay những phần quà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thị trấn.

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc cho hay đã trao tặng 554 suất quà cho hộ nghèo, mỗi suất trị giá 400 ngàn đồng; 111 suất quà cho hộ cận nghèo, mỗi suất 350 ngàn đồng; 22 suất quà cho gia đình chính sách, mỗi suất 300 ngàn đồng. Ngoài ra, UBND thị trấn còn vận động Ban thiện nguyện Ánh Đạo Sông Đốc tặng 21 suất quà cho người khuyết tật, mỗi suất trị giá 200 ngàn đồng. Phần quà tuy không lớn nhưng thể hiện sự quan tâm của chính quyền các cấp dành cho người dân địa phương với mong muốn mọi người dân Sông Đốc đều được hưởng một cái Tết đầm ấm, vui tươi.

Bà Nguyễn Thị Năm Nhỏ, là hộ nghèo ở Khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất vui, rất ấm áp khi được chính quyền địa phương quan tâm. Cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn. Phần quà Tết này giúp tôi có tiền mua thức ăn cúng đưa đón ông bà trong những ngày tết. Tôi mừng lắm”.

Ngoài khơi xa, vẫn còn những ngư dân kề vai sát cánh bên bạn chài kéo mẻ lưới cuối năm, đón xuân. Trong đất liền, vẫn còn những gia đình còn khó khăn như bà Năm Nhỏ. Thế nhưng, với sự cộng đồng trách nhiệm, mọi người vẫn có một cái tết chan chứa nghĩa tình. Xuân đang về trên phố biển, sắc xuân tràn ngập cả thôn xóm...

Là lực lượng túc trực 24/24 bảo đảm an ninh trật tự để ngư dân yên tâm bám biển, vào những ngày này, Bộ đội Biên phòng ở cửa biển Sông Đốc tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương tuần tra bảo vệ an ninh trật tự trên điạ bàn biên phòng và trên biển. Thượng tá Nguyễn Văn Việt, Chính trị viên Đồn Biên phòng 692 Sông Đốc, thông tin: “Chúng tôi tăng cường tuyên truyền để bà con đánh bắt trên biển đảm bảo an toàn và giữ gìn an ninh trật tự. Còn đối với khu vực địa bàn biên phòng, ngoài tuyên truyền chúng tôi còn phối hợp với công an thị trấn tuần tra bảo vệ địa bàn, bảo vệ an toàn tuyệt đối để nhân dân hưởng một mùa xuân trọn vẹn. Ngoài ra, chúng tôi trích quỹ của đơn vị tặng bà con nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn 20 suất quà, giúp bà con được hưởng cái Tết ấm áp hơn”.

Bài và ảnh: Kiều Oanh

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

Trao 500 triệu đồng tạo sinh kế cho người khuyết tật

Sáng nay (24/9), tại Khách sạn Ánh Nguyệt, Doanh nghiệp xã hội Đời Rất Đẹp (DRD) phối hợp với Hội trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH); Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tổ chức Lễ trao vốn sinh kế cho 50 người khuyết tật thuộc Dự án “Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật” trên địa bàn tỉnh.

Hạnh phúc từ những điều không hoàn hảo

Dù bị mất một phần cánh tay phải, nhưng anh Trần Ðông Triều (44 tuổi, ngụ ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) vẫn có thể hoàn thành tác phẩm bonsai và giành giải Ðồng trong Hội thi Tay nghề cấp huyện lần thứ I, do Hội Sinh vật cảnh (SVC) huyện Năm Căn tổ chức.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

Tăng cường lập lại trật tự đô thị

Thời gian qua, công tác quản lý, sắp xếp trật tự mua bán, vệ sinh môi trường tại các điểm chợ trên địa bàn các xã, phường thuộc TP Cà Mau được triển khai quyết liệt, chuyển biến tích cực, hiệu quả nhằm duy trì thường xuyên, trở thành nền nếp và nâng cao nhận thức của người dân. UBND thành phố phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra công tác sắp xếp trật tự mua bán, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy...

Xã Lý Văn Lâm trên đường về đích nông thôn mới kiểu mẫu

Theo kế hoạch, những tháng cuối năm 2024 xã Lý Văn Lâm sẽ hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM). Ðây là một trong những công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ TP Cà Mau nhiệm kỳ 2025-2030.

Tình thương tiếp sức đường học vấn

Sự tâm huyết và yêu thương của các thầy cô Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau được hiện thực hoá bằng những suất học bổng, phần quà như gạo, quần áo... dành tặng sinh viên nghèo vượt khó, giúp nhiều bạn trẻ viết tiếp ước mơ học vấn.

Ấm lòng người khó khăn

Những ngày này, đi qua tuyến đường Châu Văn Ðặng, Phường 5, TP Cà Mau, thấy thật ấm lòng khi bắt gặp thêm một địa chỉ giúp đỡ người khó khăn với mô hình “bánh bao treo”.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Đổi thay nhờ Dự án 8

Xã Tân Phú là 1 trong 6 xã của huyện Thới Bình triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi”, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.