ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 1-11-24 06:51:08
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xuôi dòng sạt lở

Báo Cà Mau (CMO) Chợ, khu dân cư sầm uất dọc theo các ngã ba, ngã tư sông từ lâu đã hình thành nét văn hoá đặc trưng của người dân vùng sông nước ÐBSCL nói chung, Cà Mau nói riêng. Thế nhưng hiện nay, không ít nơi đời sống người dân ở những khu vực này đang bị đe doạ trước tình trạng sạt lở ven sông ngày một nghiêm trọng; đã có không ít hộ dân trở nên trắng tay chỉ sau một đêm.

Cũng như nhiều khu chợ khác trên địa bàn tỉnh, chợ xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi được hình thành tại khu vực ngã ba sông, nơi giao nhau giữa sông Ðầm Chim và Ông Bụt từ những ngày đầu khi bà con về đây khai hoang lập ấp. Thế nhưng, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, cuộc sống yên bình và nhộn nhịp nơi đây đã không còn như trước. Người dân khu vực chợ xã Tân Tiến luôn sống trong thấp thỏm âu lo vì sạt lở. Nỗi lo ấy ngày một chất chồng hơn khi tình trạng sạt lở đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường.

Tuyến sông Ðầm Chim, thuộc khu vực ấp Thuận Thành, xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi. (Ảnh chụp ngày 21/7).

Chúng tôi tìm đến khu vực chợ xã Tân Tiến trong những ngày mưa dầm do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2. Người bán vẫn vậy, nhưng người mua đã giảm đi rất nhiều do nhiều đoạn trong khu vực chợ đã bị chia cắt đường xe bởi sạt lở. Các tiểu thương nơi đây cho biết, hiện nay chủ yếu là người quen mới tìm đến mua ủng hộ.

Cách đây 5 năm, rời quê hương xã Tân Thuận, anh Phạm Văn Mới và vợ dắt 3 con nhỏ về chợ Tân Tiến thuê nhà để mua bán nước đá và chạy đò nuôi con ăn học. Thế nhưng, cuộc sống ổn định chưa được bao lâu thì toàn bộ căn nhà mà gia đình thuê để tá túc và mưu sinh đã bị sạt lở hoàn toàn xuống sông Ðầm Chim, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 vừa qua.

Anh Mới bộc bạch, căn nhà gần như bị thiệt hại hoàn toàn, còn tài sản trong nhà thì thất thoát khoảng một nửa. Ðã sợ và bỏ hơn 10 triệu đồng để gia cố nhưng rồi cũng không tránh khỏi. Cuộc sống vốn đã khó, giờ đây lại càng khó khăn hơn.

Không chỉ có khu vực chợ, từ Tân Tiến về trung tâm xã Nguyễn Huân, dọc theo tuyến kênh Ðầm Chim, những vụ sạt lở liên tục xảy ra làm thiệt hại nhiều công trình giao thông. Mới đây, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã làm hư hỏng hoàn toàn một đoạn của tuyến đường này, khiến giao thông bị chia cắt. Việc đi lại, lưu thông hàng hoá của người dân vì thế gặp rất nhiều khó khăn.

Có nhà ở ngay khu vực sạt lở, ông Huỳnh Văn Nhẹ, ấp Thuận Thành, xã Tân Tiến, nhớ lại: Khoảng 2 giờ, nghe căn nhà bị rung rinh, bước ra kiểm tra thì thấy một đoạn lộ đã bị sạt lở, sụp thẳng xuống sông. Vụ sạt lở đã chia cắt giao thông, gia đình phải hiến phần đất trước nhà cho chính quyền làm đường tạm cho bà con lưu thông bằng xe máy. “Tích góp nhiều năm mới xây được căn nhà kiên cố cách đây vài năm, giờ thấy cảnh này, sợ lắm”, ông Nhẹ lo lắng.

5 m là độ sâu mà nhân viên kỹ thuật của Chi cục Thuỷ lợi đo được tại nơi sạt lở trên sông Ðầm Chim, khu vực ấp Thuận Thành, xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi.

Ông Ðoàn Chí Linh, Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 11 vụ sạt lở đất ven sông, ảnh hưởng đến 3 công trình, đặc biệt là tuyến về trung tâm xã. Năm nay, số vụ sạt lở tăng lên gấp đôi so với năm trước, trong đó có 7 điểm sạt lở nguy hiểm, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, đặc biệt là khu vực chợ.

Bất an, lo lắng là tâm trạng chung của nhiều hộ dân sống ven các tuyến sông không chỉ trên địa bàn xã Tân Tiến hay huyện Ðầm Dơi, mà còn nhiều địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh. Bởi, tình trạng sạt lở đang diễn ra ngày một nghiêm trọng, khó lường. Tính từ đầu mùa mưa đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 vụ sạt lở. Ðồng thời, qua khảo sát, toàn tỉnh hiện có khoảng 420 km bờ sông, kênh rạch đang trong tình trạng bị sạt lở và có nguy sạt lở. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Ðầm Dơi, từ đầu năm đến nay đã có trên 140 điểm sạt lở. Trong đó, riêng lộ giao thông nông thôn, ảnh hưởng đến hơn 2.000 m. Dọc theo tuyến sông Ðầm Dơi, đoạn đi qua địa bàn xã Tân Dân và thị trấn Ðầm Dơi, thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhà ở và công trình lộ giao thông. Hay như tuyến sông Trưởng Ðạo, thuộc khu vực xã Ngọc Chánh, cũng đã xuất hiện nhiều vụ sạt lở, làm thiệt hại hàng trăm mét lộ.

  Sạt lở đã làm thiệt hại nhà của người dân khu vực chợ xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi.
 

Ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, phân tích, do ảnh hưởng của triều biển Ðông; đặc biệt là khi nước kiệt trong mùa khô không còn phản áp, đất bị khô, nhót, đến mùa mưa đất rã, cộng thêm dòng chảy dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Minh chứng là các huyện phía Ðông như Ðầm Dơi, Năm Căn và Ngọc Hiển sạt lở mạnh nhất.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cùng các địa phương khảo sát để có giải pháp ứng phó. Theo đó, tinh thần là nơi nào ảnh hưởng đến dân cư ven sông, vận động người dân di dời. Nơi nào có thể bảo vệ được thì bảo vệ tại chỗ; nếu không thì tiến hành dịch chuyển vào sâu bên trong cho an toàn.

Người dân sống tại chợ xã Tân Tiến, huyện Ðầm Dơi sửa chữa nhà bị hư hỏng do sạt lở. (Ảnh chụp ngày 21/7).

Giải pháp là vậy nhưng để triển khai các giải pháp này không hề đơn giản, do nguồn kinh phí dự phòng của địa phương hiện đã không còn. Ông Nam chia sẻ, để khắc phục tình trạng sạt lở, toàn tỉnh cần hơn 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh đã hết, hiện nay chủ yếu chỉ là xử lý tạm. Tỉnh đang kêu gọi hỗ trợ từ các nguồn vốn Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trước mắt, Sở cũng đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn rà soát và cắm biển cảnh báo ở những nơi có khả năng xảy ra sạt lở... Hiện nay, nhiều khu vực chợ có nguy cơ sạt lở nhưng vẫn còn hiện tượng người dân tập trung buôn bán vào ban ngày, nguy cơ thiệt hại tài sản của bà con rất lớn khi xảy ra sạt lở, sụt lún.

 Dù đã chủ động gia cố, nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn ra trên đoạn lộ về trung tâm xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi. 

Ðể hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân và chính quyền, các lực lượng tại chỗ ở cơ sở.

"Ngay từ đầu năm, xã Tân Tiến đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân trên toàn xã, đặc biệt là các tuyến sông, các ấp ven biển nắm chặt tình hình khi có thuỷ triều dâng cao, để có ý thức di dời. Chúng tôi cũng đã thành lập, củng cố ban chỉ đạo và các tổ công tác để hỗ trợ người dân trong tình huống cấp bách", ông Ðoàn Chí Linh cho biết./.

 

Nguyễn Phú - Trầm Nghĩ

 

Sẵn sàng hỗ trợ người dân

Mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất, xâm nhập mặn... là những loại hình thiên tai được dự báo sẽ có nguy cơ diễn ra từ nay đến cuối năm và sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, nhất là sản xuất của người dân. Trước dự báo này, người dân cần chủ động bảo vệ sản xuất, tài sản.

Vất vả nghề bám biển

Vất vả và luôn phải đối diện với hiểm nguy, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà ngư dân phải đối mặt trong hành trình mưu sinh trên biển. Quá trình lao động nơi đầu sóng của những ngư dân, đôi lúc phải đánh đổi bằng cả tính mạng, nhất là đối với các phương tiện nhỏ.

Sẵn sàng nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai

Theo nhận định của Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm 2024 còn khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) trên biển Ðông, trong đó khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai khác như: gió mạnh trên biển, mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất ven sông, ven biển.

Chủ động ứng phó thiên tai trên biển

Công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trên biển đang được sự quan tâm đặc biệt, khi thời tiết biến đổi liên tục và thất thường. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, có buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Cà Mau về nhiều phương án phòng chống thiên tai và hỗ trợ ngư dân trên biển trong tình hình biến đổi khí hậu (BÐKH).

Bảo vệ nhà ở và sản xuất trước thiên tai

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân, mưa dông, lốc xoáy làm sập, tốc mái 24 căn nhà (sập hoàn toàn 5 căn, tốc mái 19 căn); chìm 3 tàu cá, hư hỏng 2 cụm pa nô, tổng thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Nhiều khó khăn trong thu quỹ Phòng, chống thiên tai

Quỹ Phòng, chống thiên tai (PCTT) được xác định là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, tại huyện U Minh, nhiều năm qua việc thu quỹ PCTT luôn đạt thấp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang chậm trễ trong việc nộp quỹ.

Kiểm soát chặt, thích ứng nhanh

Những tháng cuối năm, vùng biển phía Nam là nơi thường xuyên xuất hiện bão, mưa lớn và gió mạnh. Ðể đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ra khơi, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp an toàn, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn ngư dân trang bị những thiết bị cần thiết trên tàu cá.

Sạt lở ven sông chưa có điểm dừng

Những ngày qua, tình trạng sạt lở đất ở khu vực ven sông trên địa bàn huyện Năm Căn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Ðã có nhiều công trình lộ giao thông và nhiều căn nhà bị sụp xuống lòng sông; hiện tại, nhiều hộ dân sống ven sông vẫn đang thấp thỏm lo âu.

Chủ động phòng, chống thiên tai theo phương châm “ 4 tại chỗ”

Theo báo cáo của UBND huyện U Minh, những tháng đầu năm 2024, khô hạn đã làm cho 1.057 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, sạt lở, sụp lún 36 đoạn đê ven song với chiều dài trên 1 km, đã khắc phục 353 m, còn 711 m đang tiếp tục khắc phục; dông lốc làm sập và tốc mái 34 căn nhà, ước thiệt hại gần 1,7 tỷ đồng.

Chủ động hơn khi mưa bão kéo dài

Theo dự báo, từ nay đến tháng 11, trên biển Ðông có khả năng xuất hiện từ 5-7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ), trong đó có khoảng 3-4 cơn đổ bộ vào đất liền và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Cùng với đó, dự báo đỉnh triều ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Sự kết hợp của 2 hiện tượng thời tiết này sẽ tạo ra nguy cơ gây ngập úng, sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất, tài sản của người dân và Nhà nước, nhất là ở các vùng trũng.