“Cô gái hái bom” là biệt danh của bà Võ Thị Xuân. Bà Xuân sinh năm 1939, quê quán xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời. Thời kỳ đánh Mỹ, bà lập nên những chiến công lừng lẫy. Ðịa phương nhiều lần viết bản thành tích, bản báo công đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) cho bà nhưng đều bất thành. Vào năm 2010, tôi được phân công viết bản thành tích, bản báo công để tiếp tục đề nghị tuyên dương danh hiệu anh hùng cho bà.
“Cô gái hái bom” là biệt danh của bà Võ Thị Xuân. Bà Xuân sinh năm 1939, quê quán xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời. Thời kỳ đánh Mỹ, bà lập nên những chiến công lừng lẫy. Ðịa phương nhiều lần viết bản thành tích, bản báo công đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND) cho bà nhưng đều bất thành. Vào năm 2010, tôi được phân công viết bản thành tích, bản báo công để tiếp tục đề nghị tuyên dương danh hiệu anh hùng cho bà.
Lần tiếp cận đầu tiên, bà Xuân trao cho tôi tép tài liệu dày cộm, trong đó có 3 bản báo công và bài báo ca ngợi chiến tích “cô gái hái bom”… Xem qua nhiều tài liệu nói về bà khiến tôi lúng túng, vì mấy anh chị trước đây đã viết bản báo công của bà khá đầy đủ mà cấp trên không chấp thuận. Nay tôi phải viết thế nào đây cho có sức thuyết phục? Cuối cùng, tôi quyết định ngồi nghe bà kể đầu đuôi câu chuyện, ghi chép và chỉnh lý cẩn thận, lấy đó làm bản báo công, đề nghị tuyên dương danh hiệu AHLLVTND cho bà.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Võ Thị Xuân (bìa phải). Ảnh: CHI LĂNG |
Mở đầu câu chuyện, bà Võ Thị Xuân tỏ vẻ ngần ngại: “Tôi 3 lần được địa phương đề nghị tuyên dương nhưng không được. Tôi nghĩ, chắc do thành tích của tôi chưa đủ chuẩn”. Nhưng qua lời động viên của tôi, bà vui lòng kể lại chuyện đánh giặc của mình:
“Mười sáu tuổi, tôi tham gia công tác cách mạng, làm giao liên chuyển thư từ, tài liệu của Văn phòng Tỉnh uỷ và ra vào “cứ” lo việc ăn ở, tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men trị bệnh cho các chú Tỉnh uỷ, trong đó có các chú Thường vụ Tỉnh uỷ như: Tám Sấn, Sáu Già, Mười Kỷ…
Hai mươi tuổi, giặc bắt tôi giam cầm, tra tấn dã man, nhưng tôi luôn luôn giữ vững khí tiết, quyết không khai báo, giữ bí mật tuyệt đối cho Ðảng… Vượt qua được những thử thách này là nhờ các chú cho tôi học tập, cho tôi đọc những cuốn sách nói về những tấm gương anh hùng cách mạng…
Rời nhà tù trở về, tôi được tổ chức tin tưởng tiếp tục giao nhiệm vụ làm giao liên và bảo vệ căn cứ Tỉnh uỷ. Qua nhiều năm tháng trong những chiến dịch tố cộng ác liệt của Mỹ - Diệm, nhưng tôi vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao liên và bảo vệ an toàn khu căn cứ của Tỉnh uỷ.
Lòng trung thành với Ðảng, với cách mạng được thử thách và tôi được tập thể giáo dục, rèn luyện nên sớm trưởng thành. Năm 1962, tôi vinh dự đứng vào hàng ngũ của Ðảng Lao động Việt Nam và nhanh chóng được bầu vào cấp uỷ xã. Tôi được phân công làm cán bộ Xã đội, làm Xã đội trưởng, chỉ huy đơn vị du kích xã Phong Lạc.
Trước nhiệm vụ tưởng như ngoài tầm với, nhưng tôi nhận ra một điều rằng, muốn cho phong trào du kích mạnh, phải xuất phát từ sức mạnh lòng dân và nhất thiết đội du kích xã phải làm nòng cốt phong trào ấy. Từ việc xác định đó mà Ðảng bộ xã Phong Lạc tập trung chỉ đạo tăng cường phát triển mạnh mẽ phong trào chiến tranh Nhân dân trong phạm vi toàn xã, xây dựng trận địa chiến đấu trên các địa bàn…
Thời gian này, bọn Chi khu Rạch Ráng nhiều lần đưa quân càn quét đánh phá vào xã Phong Lạc đều bị du kích chặn đánh. Chúng vướng phải bãi mìn, bãi chông; trực thăng chở quân đến vướng dây, vướng cọc không đáp xuống được…
Năm 1962, một lần bọn Chi khu Rạch Ráng kết hợp với một tiểu đoàn bảo an của Tiểu khu An Xuyên mở cuộc càn quét vào xã Phong Lạc nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ của ta mà từ lâu chúng đưa quân vào đều mang lấy thất bại. Nắm được mật tin này, tôi cho đội du kích xã phối hợp với đơn vị địa phương quân huyện chuẩn bị trận địa và phục kích chờ địch nhiều ngày. Cuối cùng trận đánh diễn ra. Ðội hình hành quân của địch lọt trọn vào trận địa phục kích của ta. Bị đánh bất ngờ, táo bạo, bọn địch hoang mang đối phó yếu ớt, không kịp kêu cứu viện, ta tiêu diệt 150 tên. Số còn sống sót chạy tán loạn về Chi khu Rạch Ráng.
Ngày 2/7/1972, 1 tiểu đoàn thuộc Sư 21 (chủ lực), 1 tiểu đoàn bảo an của tiểu khu, một bộ phận của lữ đoàn biệt động nguỵ đang đóng quân tại Lung Trường, ở Rạch Bần và 1 đại đội của Chi khu Rạch Ráng phối hợp mở cuộc hành quân quy mô lớn đánh vào địa bàn xã Phong Lạc. Với ý đồ dừng chân lại đây lâu ngày, đẩy lùi lực lượng ta, làm chỗ dựa, làm áp lực để chúng dựng thêm đồn bót. Ðơn vị du kích xã phối hợp với đơn vị địa phương quân huyện, tôi thay mặt Xã đội, trực tiếp chỉ huy đánh dai dẳng trong nhiều tháng.
Ban ngày chống càn, bắn tỉa, có những ngày diễn ra 3-4 trận đánh như thế. Ban đêm, quân ta tổ chức pháo kích, phóng thanh kêu gọi binh sĩ bỏ hàng ngũ giặc quay về với cách mạng. Thời gian cánh quân này đồn trú trên địa bàn xã Phong Lạc, bị quân ta tấn công gần trăm trận, trong gần ngàn tên địch, một số khá lớn bị tiêu diệt, bị thương, có một số tên đào ngũ, số còn sống sót bỏ chạy khỏi địa bàn xã Phong Lạc. Với cuộc hành quân quy mô lớn, đánh nhiều ngày, chẳng những địch không thực hiện được ý đồ bình định đóng đồn bót, lập ấp chiến lược mà quân, dân xã Phong Lạc thừa thắng xông lên tiêu diệt đồn lính dân vệ vàm Ông Tự, đồn vàm Cái Bát và giải phóng hoàn toàn xã Phong Lạc.
Năm 1963, tôi được bầu vào cấp uỷ của Ðảng bộ xã Phong Lạc. Ðó là sự tin tưởng và ủng hộ của tập thể, tạo điều kiện tiến bộ cho tôi và giúp cho tôi phát huy khả năng của mình trong cuộc chiến đấu. Năm này tôi 25 tuổi.
Phát huy ưu thế xã nhà hoàn toàn giải phóng, Ðội Du kích xã Phong Lạc chúng tôi chi viện cho huyện Cái Nước bao vây cứ điểm quân sự Vàm Ðình và cùng với huyện nhà bao vây Chi khu Rạch Ráng.
Năm 1965, Chi khu Rạch Ráng rút chạy, chúng tôi nhận lệnh chuyển qua bao vây yếu khu Sông Ðốc. Trong thời gian này, đơn vị chúng tôi được phối hợp với đơn vị địa phương quân huyện và Tiểu đoàn U Minh chặn đánh chìm 1 chiếc tàu mặt dựng và bị thương nặng 2 chiến tàu khác, làm chết, bị thương và bắt tù binh gần 300 tên địch.
Tháng 4/1965, yếu khu Sông Ðốc chịu áp lực lớn bởi quân, dân huyện Trần Văn Thời tập trung bao vây đánh lấn cả ngày lẫn đêm. Ðể bảo vệ yếu khu Sông Ðốc, bọn Tiểu khu An Xuyên kết hợp với Bộ Tư lệnh Vùng IV chiến thuật rải vô số các loại bom nổ chậm, bom bươm bướm, bom miểng, bom na-pan dọc 2 bờ sông Ông Ðốc, trên đoạn dài khoảng 20 cây số, từ bờ rào yếu khu Sông Ðốc trở ra. Hầu hết Nhân dân trên địa bàn địch rải bom đều bỏ ruộng vườn, nhà cửa di tản vào vùng an toàn.
Trước tình hình đó, việc triển khai lực lượng bao vây đánh lấn yếu khu Sông Ðốc nảy sinh nhiều khó khăn. Một là, không còn quần chúng trên địa bàn để ta dựa. Hai là, một bãi bom kéo dài và dày đặc trở thành hàng rào lửa là mối nguy hiểm gây thương vong cho lực lượng ta bất cứ lúc nào. Thế nên, vấn đề đặt ra là phải làm trong sạch địa bàn, trong sạch hành lang đường, đưa quân ra bao vây, đánh lấn yếu khu Sông Ðốc.
Trong tình thế bế tắc, mặc dù lãnh đạo kêu gọi nhiều lần nhưng trong cán bộ, chiến sĩ chưa ai tình nguyện dọn dẹp bãi lửa vô cùng nguy hiểm này. Mặc dù lúc đó mang thai nhưng trong lòng tôi trào dâng cơn bức xúc. Thật tình lúc đó tôi chưa hình dung được cách gỡ bom như thế nào. Nhưng trong một cuộc họp rất đông đảo cán bộ, chiến sĩ, bất giác tôi đưa tay lên xin tình nguyện gỡ bom.
Thế là tôi quên sự hiểm nguy lao vào gỡ bom liên tiếp 5 ngày được 400 quả bom bươm bướm và vô hiệu hoá hàng loạt các loại bom khác trên đường. Qua việc làm này của tôi, được lãnh đạo họp rút kinh nghiệm, phổ biến kinh nghiệm trong cán bộ, chiến sĩ. Sau đó việc gỡ bom, vô hiệu hoá các loại bom trên địa bàn Sông Ðốc không còn đơn độc một mình tôi mà có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ tham gia. Chỉ trong thời gian ngắn, tuyến hành lang tấn công yếu khu Sông Ðốc trở nên sạch sẽ, an toàn. Qua việc gỡ bom này, tôi được anh em cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân và báo chí đặt cho biệt danh: “Cô gái hái bom”.
Hành lang được khai thông, lực lượng vũ trang và quần chúng mở các mũi tiến vào gần đến đường hào yếu khu Sông Ðốc. Mặt trận Sông Ðốc diễn ra ác liệt cả ngày lẫn đêm, giành nhau từng tấc đất giữa lực lượng ta tấn công vào bắn tỉa với lực lượng địch “nống” ra đánh chặn, cố đẩy lùi lực lượng ta để phá vỡ vòng vây của ta mỗi lúc càng siết vào. Có 1 đêm, 2 chiến sĩ giữ mũi của ta trúng đạn cối của bọn yếu khu hy sinh. Mặc dù đang mang thai nhưng suốt đêm đó tôi lội tìm kiếm 2 chiến sĩ. Khi tìm được, tôi tổ chức chuyển về tuyến sau truy điệu và chôn cất chu đáo…
Cuộc bao vây đánh lấn yếu khu Sông Ðốc đi vào cao điểm. Các mũi trọng điểm ta tăng cường thêm lực lượng, đặc biệt có trang bị súng đại liên 20 ly. Bọn địch phát hiện các mũi của ta mỗi lúc nhích càng gần bờ tường nên chúng đánh trả thường xuyên hơn bằng hoả lực mạnh. Bữa nọ, khi trời sắp đâm mây ngang, một toán địch khá đông ẩn ẩn hiện hiện trong màn trời tranh tối tranh sáng, im lặng tiến đến với vẻ thận trọng, bí mật…
Trong lúc đó, tại mũi này chỉ có 1 chiến sĩ trực mũi với tôi, vũ khí có khẩu trọng liên 20 ly và khẩu tiểu liên. Ðến lúc tôi có cảm giác toán lính sắp tiếp cận tới mũi, tôi bảo nhỏ với cậu chiến sĩ: “Cậu làm nhiệm vụ nạp đạn cho tôi”. Bọn giặc nghe giọng nói “con gái” của tôi, trong toán lính có tiếng hí hửng, tôi nghe rõ mồn một: “Nó là con gái, mau lên tụi bây, bắt sống nó”. Tôi nhanh như chớp, ngắm vào mục tiêu siết cò khẩu trọng liên 20 ly. Cậu chiến sĩ làm nhiệm vụ nạp đạn rất thành thạo nên khẩu 20 ly trên tay nổ liền lạc thành một tràng dài.
Khi khẩu 20 ly của tôi ngưng nổ thì nghe tiếng súng của các mũi quanh trận địa bao vây yếu khu Sông Ðốc nổ râm ran yểm trợ mũi chúng tôi và cũng để đánh chặn bọn địch trong yếu khu “nống" ra hòng đẩy lùi lực lượng bao vây của ta. Ðiều khiến tôi ngạc nhiên là khi khẩu 20 ly của tôi nổ thì phía giặc cũng im bặt tiếng súng. Sáng ra, chúng tôi đếm được tại hiện trường 28 xác giặc nằm ngổn ngang. Sau trận đánh này 3 ngày, bọn yếu khu Sông Ðốc im lặng, cố thủ, mặc cho 28 tử thi lính phơi mưa, phơi nắng. Vì lòng nhân đạo, chúng tôi phát loa vào đồn, nội dung là cho phép chúng lấy thây, cách mạng không nổ súng.
Ðể cứu nguy cho yếu khu Sông Ðốc đang có nguy cơ bị quân, dân ta tiêu diệt, một mặt chúng tập trung quân của yếu khu từ trong phản kích ra, mặt khác chúng đưa nhiều phi đội đến ném bom, rải đạn liên tục và chúng cho pháo binh, tàu chiến yểm trợ suốt ngày đêm. Lực lượng bao vây đánh lấn yếu khu Sông Ðốc đứng trước thử thách vô cùng ác liệt. Nhưng các mũi của ta vẫn đứng vững và chủ động tấn công địch trên toàn mặt trận, sức chiến đấu của quân, dân ta càng dũng cảm, ngoan cường hơn: tiêu diệt gần 300 tên địch (quân của yếu khu và quân bảo an của tiểu khu do trực thăng mang tới), bắn rơi 1 trực thăng HU1A. Trong phong trào bao vây đánh lấn, Ðội Du kích xã Phong Lạc 3 năm liền được cấp trên cấp cờ luân lưu.
Ngày 21/1/1971 là 1 ngày thử thách cam go với tôi: Ðó là thời điểm Mỹ - nguỵ mở chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh” đánh phá dữ dội không riêng ở Sông Ðốc mà cả vùng U Minh Hạ. Bom đạn đầy trời suốt ngày đêm, cho nên yêu cầu đánh giặc đặt ra cấp bách hơn lúc nào hết. Vấn đề đặt ra là, ra chiến trường phải nhiều ngày nên 3 đứa con còn quá nhỏ của tôi (có 1 cháu còn bú) không thể nhờ người thân đến nhà trông coi giùm 5-7 ngày như những lần trước đây. Cuối cùng, tôi quyết định mang 3 cháu đến nhờ dì, dượng chúng nuôi giùm.
Ðó cũng là ngày tôi nhận tin chồng hy sinh. Tôi nhận giấy báo tử của chồng cùng ngày tôi nhận quyết định của cấp trên phân công tôi chức vụ Huyện đội phó (phụ trách tác huấn và tác chiến). Ðó là ngày 21/1/1971. Lúc bấy giờ trong lòng tôi ngổn ngang... Nhưng khi tôi đặt chân tới cơ quan, Huyện đội, các anh chị chia buồn, an ủi, động viên. Và các anh liền phân công tôi chỉ huy trận đánh diệt ác, phá kềm trên tuyến hành lang bao quanh Chi khu Rạch Ráng.
Trận đánh này, ta tiêu diệt 4 tên tay sai ác ôn: Trầm, Ðế, Khôi, Ðường, phát động quần chúng nổi dậy san bằng 1 ấp chiến lược. Hàng trăm gia đình trở về vườn ruộng và kết hợp “nội công ngoại kích” tiêu diệt 3 đồn trên tuyến hành lang này, thu nhiều súng ống, đạn dược trang bị cho du kích các xã trong huyện.
Thế trận du kích chiến tranh của huyện Trần Văn Thời đã phát triển đều khắp tới đỉnh cao, biến thành phong trào toàn dân đánh giặc. Năm 1973, huyện Trần Văn Thời giải phóng hoàn toàn 7 xã. Năm 1974, huyện tiêu diệt yếu khu Sông Ðốc và đồn Thị Kẹo, chỉ còn Chi khu Rạch Ráng địch đóng giữ 700 quân. Với quyết tâm tự lực tự cường giải phóng huyện nhà, dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, sự nỗ lực của toàn quân dân, với sự chỉ đạo, chỉ huy sáng suốt, năng nổ, tích cực của tập thể Huyện đội, trong đó có phần đóng góp nhỏ bé của tôi trong vai trò Huyện đội phó phụ trách tác huấn - tác chiến, toàn quân, toàn dân huyện Trần Văn Thời tập trung cao độ sức lực và trí tuệ bao vây đánh lấn tiêu diệt Chi khu Rạch Ráng - cứ điểm quân sự cuối cùng của Mỹ - nguỵ tồn tại xứ sở thân yêu này 20 năm gây biết bao tội ác với đồng bào”.
Bà Võ Thị Xuân kể chuyện công tác, chuyện đánh giặc của mình. Tôi làm nhiệm vụ ghi chép và có đôi chút chỉnh lý, hệ thống lại thành bản báo công được thông qua và đề nghị tuyên dương danh hiệu AHLLVTND cho bà. Và từ bản báo công này, ngày 30/1/2011, bà Võ Thị Xuân được Chủ tịch nước ký quyết định tuyên dương danh hiệu AHLLVTND./.
Phạm Văn Tri