ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 19:29:06
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Mùa xuân” của người nhạc sĩ

Báo Cà Mau Đã gần sáu mươi năm từ ngày biết ôm đàn, so dây, nắn phím, trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống và đấu tranh cách mạng, tình yêu âm nhạc vẫn như ngọn lửa chưa bao giờ tắt trong lòng ông – Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà. Và âm nhạc chính là cách ông thể hiện tình yêu đối với quê hương, với dân tộc, thể hiện niềm tin sắt son với Đảng.

Mái tóc bạc phơ, gương mặt hiền hậu vừa đượm nét hồng hào sau cơn bệnh, nhưng đôi mắt ông lấp lánh niềm vui khi cất giọng bài hát vừa sáng tác cả nhạc và lời: Hai mươi năm qua Cà Mau thẳng tiến/Hai mươi năm qua Cà Mau đổi thay từng ngày/ Điện sáng lung linh làng quê khắp khởi...

Ông cho biết, bài này có tựa đề “Hát mừng quê ta”, ông viết để tham dự cuộc thi Sáng tác âm nhạc chào mừng sự kiện 20 năm tái lập tỉnh Cà Mau.

Những bài hát từ trái tim

Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà tên thật là Trần Văn Cấu. Ông sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước. Từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu ca hát nên năm 13 tuổi ông tham gia đội ca múa của xã. 14 tuổi, cái tuổi còn rất đỗi vô tư nhưng ông đã thoát ly gia đình theo cách mạng, tham gia Đoàn thiếu nhi lưu động Ty thông tin Bạc Liêu (biệt danh Đàn Chim Việt).

Hai năm tham gia Đàn Chim Việt, ngón đàn của ông ngày càng điêu luyện, ngọt ngào. Năm 1949, ông được rút về làm Đội trưởng Đội quân nhạc thuộc Tỉnh đội Bạc Liêu, vinh dự được đàn trong các sự kiện quan trọng như lễ trao quân, tiễn bộ đội ra chiến trường…

Giọng nói chậm rãi, hiền từ, Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà trải lòng, sống trong cảnh đất nước loạn ly, tình yêu âm nhạc như dòng máu thấm vào người và ngày càng dâng cao cùng với tình yêu quê hương, đất nước và lòng căm thù giặc.

Trải qua nhiều nơi công tác, từ Tỉnh đội, rồi ngành tuyên huấn, đoàn văn công xã, huyện, tỉnh… ông vẫn không ngừng đấu tranh với kẻ thù trên trận địa tư tưởng, qua lời ca, tiếng đàn của mình.

 Năm 1961, 28 tuổi, bằng những thôi thúc từ con tim, ông bắt đầu sáng tác. Bài hát đầu tiên ra đời mang tên Bác Ba Công, viết về một lão nông bắn rơi máy bay Mỹ, được tuyên dương dũng sĩ. Từng lời hát và điệu nhạc thể hiện rõ sự khâm phục của ông đối với một lão nông anh hùng:

Tôi cất cao bao lời ca/về bác lão nông miền Nam thành đồng/Vì yêu quê hương, vì yêu cuộc sống/ Bác Ba công, người bần nông/Tuổi năm mươi viết nên bài ca chiến thắng…

Bài hát này khi phổ nhạc được mọi người đón nhận, là động lực để ông tiếp tục viết, viết để ngợi ca những người anh hùng, viết để tố cáo tội ác của giặc… Và “đứa con tinh thần” đầu tiên ấy cũng là tác phẩm mang lại cho ông giải thưởng vinh dự Phan Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau lần thứ II (giai đoạn 2006-2011). Sau này, bài nào ông sáng tác cũng hừng hực khí thế đấu tranh:

Đánh là thắng, là phải thắng/Đánh là thắng, là phải thắng/Ta đã chiến thắng/Trên khắp chiến trường/Mỹ nguỵ khiếp kinh/Cái Nước Đầm Dơi/ Quân ta tiến như sóng dâng trào/Cờ vàng sao phất phới vươn cao…

Điều đáng khâm phục là những bài hát ra đời khi ông chưa từng học qua lớp sáng tác âm nhạc nào mà chủ yếu chỉ đệm đàn…

Và cho tới ngày giải phóng đất nước ông đã được học qua 3 lớp nhạc, chủ yếu là học đàn và được đào tạo bài bản tại Trung ương Cục miền Nam. Ông thông thạo cả 3 loại nhạc cụ: ghita, mandolin và accordion (phong cầm). Còn sáng tác thì chỉ được học qua loa… Nhưng với người nghệ sĩ – nhạc sĩ ấy, tinh thần lao động nghệ thuật và cảm thụ âm nhạc thật đáng nể. Từng bài hát khi sáng tác, ông luôn trăn trở, suy nghĩ thấu đáo, tìm ca từ sao cho thật ý nghĩa… Ngày cả khi phổ nhạc, ông cũng chọn những bài thơ thật hay, thật ý nghĩa. Ông bảo, thơ hay thì khi phổ nhạc mới đi vào lòng người. Và người nhạc sĩ phải giỏi thì mới chắp cánh cho thơ…

Tấm lòng với quê hương

Nhà báo Phạm Văn Tri, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau, nói về Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà như một người anh đáng kính: “Lòng nhiệt thành với lĩnh vực văn nghệ trong lòng Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà như sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả cuộc đời. Tôi nhớ, năm 1968, ông bị giặc bắt giam cầm. Trở về ông tiếp tục đứng trong hàng ngũ văn nghệ sĩ chiến đấu cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và từ sau năm 1975, ông tiếp tục đứng trên trận địa này bằng cả niềm tin và tâm huyết của mình".

Nhắc về những ngày tháng bị giặc giam cầm, Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà bình thản kể: Ông bị bắt hai lần, lần đầu năm 1958, bị giam giữ 6 tháng; lần sau năm 1968, bị bắt trong rừng chồi. Chúng lấy hết tài liệu trong người, rồi tra tấn, thẩm vấn nhiều lần. Ông thừa nhận mình là nhạc công nhưng đã nghỉ, và nhất quyết không khai ra tổ chức. Chúng kết tội ông ngoan cố và kêu án ông đúng 1 năm, giam ở Khám Lớn Cà Mau.

Với một người đã đặt trọn niềm tin vào lý tưởng cách mạng thì quãng thời gian bị giam giữ ấy chỉ là một thử thách nhỏ, càng nung nấu thêm ý chí căm thù. Và với người nhạc sĩ, đây sẽ là chất xúc tác, là nguồn cảm hứng dâng trào cho những tác phẩm âm nhạc ra đời.  

Trọn nghĩa vẹn tình

Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà tâm sự, sở dĩ ông có thể sống và cống hiến hết mình cho cách mạng, cho sự nghiệp văn hoá, văn nghệ tỉnh nhà, là bởi ông có được một hậu phương vững chắc. Đó chính là người đã cùng ông đi suốt chặng đường hơn 60 năm qua.

Bên cạnh những cống hiến hết mình cho âm nhạc, Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà còn có một mối tình thuỷ chung, son sắt với bà Võ Ngọc Sương khiến nhiều người ngưỡng mộ và mơ ước.

Hôm đến nhà thăm ông, vô tình nghe được lời bà nói với ông, lòng tôi cảm thấy bồi hồi đến lạ: “Mình à, em vừa sáng tác xong một bài thơ, em đọc cho mình nghe để mình góp ý dùm em”.

… Đã hơn 60 năm rồi cách xưng hô của ông bà vẫn không thay đổi, dù hiện tại cả hai đã ngoài tuổi 80. Từ lúc cưới nhau đến giờ, ông vẫn gọi bà bằng mình, xưng anh, bà cũng gọi ông bằng mình, xưng em ngọt lịm.

Ông là nhạc sĩ, say mê sáng tác âm nhạc, bà cũng làm thơ và đã xuất bản 2 tập thơ… Từ năm 1993 đến nay, bà có gần 200 bài thơ được đăng trên tập san của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh. Cái tên Võ Ngọc Sương không còn xa lại với công chúng yêu thơ Cà Mau, nhất là lớp người cao tuổi. Gương mặt phúc hậu, giọng nói nhẹ nhàng, tác phong mẫu mực, bà đúng là hình mẫu người mẹ hiền, vợ đảm trong gia đình.

Cả cuộc đời bà đã sống trọn vẹn, hy sinh trọn vẹn cho gia đình, hết lòng chăm sóc chồng con, là hậu phương vững chắc cho ông bôn ba theo cách mạng. Với bà, ông không chỉ có tình yêu mà còn có cả sự tôn trọng, nể phục tấm lòng và đức hy sinh. Ít có cặp vợ chồng nào sống hoà thuận với nhau như ông bà: hơn 60 năm chưa từng to tiếng với nhau lời nào…

Ông bảo, dù không nói ra bằng lời nhưng tôi lúc nào cũng nghĩ đến công lao của bà ấy. Thời chiến tranh gian khổ, một mình bà nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ đàn con 8 đứa, trong khi tôi thoát ly theo cách mạng. Không những vậy, bà con làm tốt công tác đảm phụ nuôi quân, gia đình bà hết lòng phục vụ, nuôi chứa cán bộ cách mạng.

Tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất của bà càng khiến ông tự hào về người vợ thân yêu.

Nhớ lại những lần giặc đốt nhà, đánh bom, cả vợ và các con thoát chết trong gang tấc, ông nghe như lòng mình thắt lại. Thương vợ, yêu con nhưng ông đành gác tình riêng mà lo tròn nhiệm vụ. Ngày con trai lớn lấy vợ, lúc ấy ông là Trưởng Đoàn Văn công tỉnh, lại đang trong thời kỳ nguy hiểm nên không thể bỏ đoàn về, đành chịu lỗi với con.

Sau hoà bình, bà công tác trong cơ quan Đảng (Tỉnh uỷ) hơn 10 năm. Cho đến ngày về hưu, bà luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng giao.

8 người con (4 trai, 4 gái) đều được chăm lo chu toàn, có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống tươm tất, trong đó 6 người có trình độ đại học và trên đại học. Ông bà cảm thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng hơn bao giờ hết.

“Đi qua hai cuộc chiến tranh mà cả gia đình vẫn được bình yên, sống bên nhau thế này đã là hạnh phúc lắm, đâu cần cửa rộng, nhà cao… Chúng tôi trân trọng cuộc sống hôm nay và nguyện sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội”, bà tâm sự.

Xuân này nữa nhạc sĩ Trần Thanh Hoà đã 84 tuổi và vợ ông – bà Võ Ngọc Sương cũng bước vào tuổi 82. Thế nhưng, nụ cười tươi tắn, tinh thần lạc quan trước cuộc sống và niềm hạnh phúc đơn sơ của ông bà khiến nhiều người ngưỡng mộ và mơ ước.

Ai đã từng trò chuyện với Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà mới cảm nhận được, đúng như lời Nhà báo Phạm Văn Tri, Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà thật đáng yêu! Những cống hiến của ông cho sự nghiệp văn hoá, văn nghệ thật đáng trân trọng…

Đến nay, Nhạc sĩ Trần Thanh Hoà đã sáng tác 115 tác phẩm, trong đó có khoảng 60 bài nhạc và lời, còn lại là phổ nhạc. Trong số 55 bài nhạc đó có 20 bài ông phổ nhạc từ thơ của bà Võ Ngọc Sương. Những bài do ông sáng tác chủ yếu viết về tình yêu quê hương, đất nước và về những người anh hùng.

Bài và ảnh: Thuỳ Trâm

"Lửa thử vàng" - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương

Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.

Cảm xúc dẫn lối

Từ nhỏ, Nguyễn Hoàng Giang đã yêu thích nghệ thuật. Cơ duyên đưa anh đến với nhiếp ảnh bắt đầu từ tình yêu dành cho cái đẹp và nghệ thuật. Thế nên, tuy từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội, nhưng mảnh đất Hội An đậm chất nghệ thuật lại chính là động cơ thôi thúc, khiến anh quyết định chuyển vào nơi này định cư. Ðến nay, khi đã là chủ một công ty du lịch và sở hữu chuỗi khách sạn, nhà hàng, dù bận rộn, anh vẫn dành thời gian cho nhiếp ảnh.

Dâng hương Tổ nghiệp Sân khấu

Suốt 13 năm qua, Ngày Sân khấu Việt Nam cũng là ngày hướng về Tổ nghiệp của những người hoạt động lĩnh vực sân khấu. Ngày Giỗ Tổ là dịp để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cùng nhau nhắc nhớ về thế hệ tiền nhân đã có công sáng lập, gìn giữ loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Đồng thời cũng là cuộc họp mặt hâm nóng tình nghệ sĩ, tạo sự gắn kết, cùng động viên nhau phấn đấu để mang những cái hay, cái đẹp phục vụ công chúng.

Còn đó những cánh chim không mỏi

Nghe tôi có ý định tìm một địa điểm lý tưởng để khám phá, thưởng thức các loại hình nghệ thuật truyền thống tại mảnh đất được mệnh danh là “thành phố đáng sống”, một người anh đồng nghiệp đang công tác tại Ðài Phát thanh - Truyền hình Ðà Nẵng giới thiệu ngay Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Vậy rồi, qua vài lời kết nối nhiệt tình, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát, liền đích thân mời đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến xem một suất diễn trong ngày gần nhất.

Nối dài tình yêu nước bằng nghệ thuật

Nghệ thuật kết nối quá khứ và hiện tại, là phương tiện giúp gìn giữ, lưu truyền và phát huy văn hoá dân tộc. Với ý nghĩa ấy, các bạn trẻ tại Cà Mau, bằng hoạt động nghệ thuật, đã góp phần lan toả, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước trong những người trẻ và cộng đồng.

Ấm áp chương trình nghệ thuật “Tình ca Đất Mũi”

Nhằm tôn vinh Âm nhạc Việt Nam nói chung, Âm nhạc Cà Mau nói riêng, thể hiện sự tri ân đối với các tác giả có nhiều cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc tỉnh nhà. Tối 3/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm lần thứ 15 Ngày Âm nhạc Việt Nam với chủ đề :“Tình ca Đất Mũi”. Chương trình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp tổ chức.

Sắc màu miền Tây đến với Huế

Những năm qua, mỹ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) có bước phát triển mạnh, tạo được tiếng vang trong khu vực, các vùng miền trong và cả ngoài nước. Câu lạc bộ (CLB) "Sắc màu miền Tây ART" đã có 4 cuộc triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2019-2023.

Khám phá cùng nhiếp ảnh

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Lê Minh Vũ (Quyên Vũ) sinh năm 1974, tại tỉnh Tiền Giang, hiện sinh hoạt tại Hội NSNA Việt Nam, Chi hội Tiền Giang.

Sắc màu văn hoá địa phương hoà quyện trong từng bài ca, điệu múa

Đạo diễn Nguyễn Tiến Dương, Trưởng Ban giám khảo Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Cà Mau lần thứ IX - 2024, đánh giá, một trong những điểm nổi bật của hội diễn là những sắc màu văn hoá của địa phương hoà quyện trong các bài hát, điệu múa, càng làm tăng thêm sự hấp dẫn. So với những hội diễn trước, các đội đã có nhiều sự tiến bộ về ca, múa, âm nhạc và trang phục.

Cho chữ mùa Vu lan

Tôi gặp thầy đang cho chữ tại một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, phường Tân Thành, TP Cà Mau, vào ngày chùa tổ chức lễ Vu lan. Mặc dù bút trên tay đang nắn nót, mắt chăm chú vào con chữ, nhưng được vài nét, khi ngẩng lên chấm mực là thầy nhanh miệng mời gọi mọi người đang đứng túm tụm gần đó: “Viết mấy câu tặng cha mẹ đi chị (cô, chú, anh, em...) ơi!”; “Lại chú cho chữ cầu sức khoẻ, học giỏi nè các con!”; “Cầu tài lộc, sức khoẻ, vạn sự như ý nè anh chị em, cô bác ơi!”... Và bao giờ sau những câu mời gọi, thầy cũng nhấn mạnh “tặng chữ hoàn toàn miễn phí” để khách khỏi đắn đo.