ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 23:45:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

“Ngọc càng mài càng sáng”

Báo Cà Mau (CMO) Lời căn dặn này của Bác, Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Hạnh luôn khắc ghi, xem đó là ngọn đuốc soi đường, là hành trang xuyên suốt hơn 35 năm công tác trong ngành y tế.

Ông cho rằng, y đức không tự nhiên mà có, phải được học tập, rèn luyện lâu dài, phát triển và củng cố. Ðối với ông, dẫu có vinh quang nhưng không tự rèn, tự răn thì sẽ mất uy tín, lòng tin với Nhân dân, mà như thế, danh xưng “Thầy thuốc Ưu tú”, “Thầy thuốc Nhân dân” đâu còn ý nghĩa.

Bác sĩ Hạnh trải lòng, trở thành bác sĩ là mơ ước thuở bé của ông, bởi ông cố, ba đều là thầy lang, thầy thuốc. Không nỗi vui mừng nào bằng chữa trị hết bệnh cho bệnh nhân, nhất là khi lấy lại sự sống cho người thập tử nhất sinh, nên dù biết nghề y vất vả, nhiều áp lực, ông vẫn quyết tâm chọn nghề, say nghề thầy thuốc giúp người, cứu người.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hạnh (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân với sinh viên.

Ông kể, thời vào nghề học y sĩ, ra trường về công tác Khoa ngoại Bệnh viện Ðầm Dơi (tháng 10/1985). Khi đó, cả huyện chỉ có 1-2 bác sĩ, phần lớn là y sĩ. Sau hơn 1 năm công tác, ông được lãnh đạo tin tưởng giao đảm nhận chức vụ Trưởng khoa Ngoại, ông đã tham mưu lãnh đạo xây dựng phòng mổ, hợp tác với Bệnh viện Chợ Rẫy và Trường Ðại học Y dược TP Hồ Chí Minh tổ chức mổ cấp cứu viêm ruột thừa và thai ngoài tử cung vỡ. Là huyện đầu tiên của tỉnh Minh Hải thời đó tổ chức mổ viêm ruột thừa và vỡ thai ngoài tử cung tại huyện, trong điều kiện giao thông miền sông nước, đi lại khó khăn. Việc tổ chức mổ cấp cứu tại huyện đã cứu sống hàng trăm bệnh nhân.

Trong 2 năm đảm trách tại Khoa Ngoại Bệnh viện Ðầm Dơi, ông góp phần cứu chữa hơn 1.600 bệnh nhân điều trị trong lĩnh vực ngoại khoa, trong đó có nhiều ca bệnh viêm ruột thừa cấp và thai ngoài tử cung vỡ.

“Thời bao cấp, phòng mổ thiếu thốn trang thiết bị, không quạt máy, không máy lạnh, vất vả lắm! Mà thời đó cũng không có hộ lý, tôi là y sĩ phụ mổ. Mỗi ca mổ thành công, anh em mừng khôn xiết, như chính bản thân mình được hồi sinh, vậy nên, tình cảm giữa thầy thuốc và dân khăng khít lắm. Dân quý, dân thương, tôn trọng, nên chúng tôi dốc hết trách nhiệm, tình người, sự tôn trọng của xã hội để phục vụ”, ông chia sẻ.

Ðến tháng 4/1987, xã Tân Hùng (nay là xã Thanh Tùng) do không có trạm y tế mà nhu cầu khám chữa bệnh rất đông, đường sá cách trở, Y sĩ Hạnh tình nguyện xin về. Và đây cũng là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm hành nghề đáng nhớ của Bác sĩ Nguyễn Hữu Hạnh. Y sĩ về xã dân quý, kể cả ông bí thư, chủ tịch xã cũng tới lui thăm nom, hỏi han, tạo mọi điều kiện, thế là ông tham mưu UBND xã xây dựng trạm y tế, tổ chức trực 24/24 khám điều trị cho bệnh nhân, nhất là ưu tiên bệnh sốt rét.

“Tôi nhớ có lần bệnh nhân bệnh sốt rét trở nặng, nhưng vì quá khó khăn, họ quyết không chuyển lên huyện, tin tôi là y sĩ có thể chữa được. Dù tôi có giải thích bệnh tình, kể cả cán bộ xã sang vận động, nhưng họ vẫn xin ở lại trạm điều trị và tự viết cam kết. Hồi năm 1987, điều kiện chuyển tuyến rất khó khăn, thương quá nên tôi gật đầu dốc sức cứu chữa và thành công. Niềm vui, hạnh phúc như vỡ oà cho chính tôi và người bệnh”.

Kết mối giao tình cũng kể từ ngày ông Hạnh về nhận công tác tại xã, ông Nguyễn Thanh Khoa, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Tân Hùng (hiện đã về hưu, ngụ xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi) cho biết, từ năm ông Hạnh về làm trạm trưởng trạm y tế xã, trạm luôn hoàn thành các chương trình y tế quốc gia vượt chỉ tiêu. Kết quả thi đua năm 1987, trạm y tế được xếp hạng Nhì, năm 1988 xếp hạng Ba toàn huyện. Ông Hạnh trị bệnh Nhân dân tin tưởng, nhiều ca bệnh nặng, sốt xuất huyết, ca bệnh người già không chịu đi tuyến trên vì tin ông Hạnh tay nghề tốt, và kết quả hiệu quả. Tiếng lành đồn xa, trạm y tế khách rất đông.

Tháng 7/1989, hoạt động y tế xã Tân Dân không đảm bảo, nội bộ mất đoàn kết, ông Hạnh tiếp tục được điều động về đây công tác. Với nhiệm vụ mới, ông tập trung xây dựng được trung tâm đoàn kết, củng cố về tổ chức. Hiệu quả khám chữa bệnh ngày một nâng cao, bệnh nhân rất tin tưởng điều trị. Thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%. Trạm Y tế xã Tân Dân cuối năm được xếp hạng Ba toàn huyện.

Với những nỗ lực phấn đấu, ông được cử đi học chuyên tu bác sĩ tại Trường Ðại học Y dược TP Hồ Chí Minh từ tháng 10/1990. Tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm Trưởng phòng Nghiệp vụ Trung tâm Y tế Ðầm Dơi. Có cơ hội cống hiến cho nghề y, ông tham mưu xây dựng nhiều phác đồ điều trị, quan tâm chỉ đạo tuyến, tham gia trực cấp cứu. Ðến năm 1998, được điều động bổ nhiệm Phó giám đốc Bệnh viện Ðiều dưỡng phục hồi chức năng tỉnh Cà Mau. Tại đây, ông tham gia khám chữa bệnh, góp phần phục hồi sức khoẻ cho hơn 2.000 người.

Ông vui vẻ: “Tôi nhớ ba tôi từng nói, cái khiếu của tôi là thầy giáo và ông căn dặn, trong ngành y, vị trí nào cũng quan trọng. Trường y là gốc đào tạo đức và tài, hồng và chuyên, cái nôi nghề cũng từ đấy. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ ông đoán vui thế, dè đâu thiệt. Cuối năm 2001, tôi được điều về Trường Trung học Y tế (nay là Cao đẳng Y tế), tham gia giảng dạy, hướng dẫn lâm sàng, làm công tác quản lý cho đến giờ ngót 20 năm”.

“Thầy thuốc, thầy giáo đều là nghề cao quý. Và nay khi được là 1 trong 116 thầy thuốc toàn quốc được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân” tôi cảm thấy vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm. Ngoài việc tiếp tục xây dựng, phát triển trường ngày càng lớn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực y tế cho tỉnh, nghiên cứu khoa học, tôi còn rất nhiều ấp ủ cho những chương trình từ thiện, đến những vùng sâu, vùng xa khám chữa bệnh miễn phí…”, Thầy thuốc Nhân dân, Bác sĩ Nguyễn Hữu Hạnh tâm tình.

Năm 2014, Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Hạnh được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú; năm 2017, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Nhân kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2021), cả nước có 1.698 thầy thuốc được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú” và 116 thầy thuốc được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”. Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Hạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau, là cá nhân duy nhất của tỉnh Cà Mau được phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”.

 

Băng Thanh

Cập nhật các vấn đề thiết yếu trong bệnh lý tim mạch và siêu âm

Chiều 14/9, Phòng khám Đa khoa Thành Lợi phối hợp với Viện Tim mạch TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo cập nhật các vấn đề thiết yếu trong bệnh lý tim mạch và siêu âm.

Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững

Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ của mỗi con người, đặc biệt là trẻ em.

Ðiểm sáng công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình

Với sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền, thời gian qua, Phòng khám Ða khoa khu vực xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGÐ), tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng dân số ở địa phương.

Kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh trung thu tại TP Cà Mau

Sáng nay (5/9), theo kế hoạch đã đề ra, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2024 có buổi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên toàn địa bàn TP Cà Mau.

Nhóm đối tượng dễ mắc bệnh tim mạch

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, số người tử vong do tim mạch hơn cả tử vong do ung thư, COPD và đái tháo đường cộng lại. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong và xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Chọn lựa và bảo quản thực phẩm đúng cách

Thực phẩm luôn được xem là một trong những thứ thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của mọi gia đình. Khi mức sống người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về thực phẩm sạch, nhất là đối với những loại thực phẩm tươi sống càng cấp thiết hơn. Tuy nhiên, cách chọn lựa và bảo quản thực phẩm như thế nào vừa để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, vừa an toàn vệ sinh trong quá trình chế biến và sử dụng, đòi hỏi người tiêu dùng cần có những kỹ năng cơ bản.   

Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết trung thu 2024

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho mọi người, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết trung thu 2024. Nội dung chính của kế hoạch gồm công tác tuyên truyền và công tác kiểm tra.

Bệnh ung thư và gánh nặng tài chính

Ung thư không những là nỗi ám ảnh từ sự đau đớn về thể xác, tinh thần, tuổi thọ của người bệnh mà còn là gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình bệnh nhân. Bởi thực tế cho thấy, có rất nhiều loại thuốc đặc trị ung thư không nằm trong danh mục được thanh toán theo chế độ của bảo hiểm y tế hiện nay.

Không để lây lan dịch bệnh trong trường học

Hiện nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hoá và các bệnh dù có vắc xin phòng bệnh ở trẻ nhưng có thể quay trở lại. Ðể chủ động kiểm soát các loại dịch bệnh truyền nhiễm có thể lây lan trong trường học và bảo vệ sức khoẻ học sinh, trước khi bước vào năm học mới, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Cà Mau triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Nơi ánh đèn không bao giờ tắt

Đó là Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh, nơi các y, bác sĩ, thiết bị y tế luôn trong trạng thái sẵn sàng, tất cả vì cuộc đua giành lấy sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.